Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể từ năm 2025, tất cả các địa phương trên cả nước phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm lượng chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ năm 2021, tức ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được thông qua, huyện Đông Anh đã triển khai chương trình “Thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn”, trở thành địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Sau khi chương trình kết thúc, người dân trên các địa bàn thuộc huyện Đông Anh vẫn duy trì thói quen phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho tới nay, góp phần đem lại nhiều thay đổi tích cực trong đời sống, sản xuất và cảnh quan thôn, xóm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Huế, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Từ năm 2021, huyện Đông Anh đã tổ chức lớp học về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho cán bộ trong ban, ngành, đoàn thể của các thôn, xã trên địa bàn. Sau đó, các cán bộ này sẽ quay về tuyên truyền cách làm cho bà con trong xóm của mình.
Tại xã Dục Tú, thôn Nghĩa Vũ được lựa chọn là nơi làm thí điểm mô hình này. Mới đầu, nhóm nòng cốt tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn của thôn chỉ có 10 người là cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi…
Cách chúng tôi làm là mỗi cán bộ sẽ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cho 2 hộ gia đình ở cạnh nhà mình. Sau đó, những hộ gia đình đã nắm được cách làm sẽ tiếp tục tuyên truyền tiếp cho nhà bên cạnh. Cứ thế mà lan ra cả thôn.
Từ 10 cán bộ ban đầu, đến nay nhóm nòng cốt tuyên truyền đã tăng lên thành 16 người. Chúng tôi vẫn thường xuyên phân công nhau đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở bà con trong thôn về quy trình phân loại, hướng dẫn đào hố ủ, làm thùng ủ rác”.
Bà Huế cho biết, quy trình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn rất đơn giản. Trong mỗi hộ gia đình, rác thải sinh hoạt được phân chia 3 loại là rác hữu cơ, rác tái chế và các loại khác; mỗi loại được đựng trong các thùng chứa riêng.
Rác hữu cơ được tái sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng,... Rác tái chế được thu gom riêng và bán cho người thu gom đồng nát.
Khi xử lý rác hữu cơ (như thức ăn thừa, vỏ trái cây,...), người dân được hướng dẫn hòa tan bột vi sinh với đường và nước rồi phun trực tiếp vào thùng chứa. Khi được xử lý với chế phẩm sinh học này, nước rỉ rác không bốc mùi hôi, có thể tái sử dụng sau 1 tuần để làm nước tưới cây; sau 55-60 ngày, phần chất thải rắn sẽ phân hủy thành phân bón, có thể dùng trực tiếp cho cây trồng.
Với cách làm trên, nhiều người dân của thôn ví von mô hình này như “nồi cơm Thạch Sanh” bởi nước tưới và phân bón cho ruộng đồng, cây trồng trong vườn nhà luôn được làm đầy lại sau mỗi lần xử lý rác.
Đến nay, huyện Đông Anh vẫn hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các người dân các thôn, xã với định mức trung bình 200g bột vi sinh cấp cho một hộ gia đình có 4-5 khẩu. Một gói bột vi sinh này có thể xử lý đến một tấn rác.
“Khi mới bắt đầu dự án, các hộ gia đình sử dụng thùng xốp hoặc tái chế các thùng sơn để đựng rác. Với những nhà có không gian chật hẹp, các thùng đựng rác của gia đình thường đặt ven cánh đồng hoặc người dân có thể xả rác vào những thùng màu xanh đựng chung cho các hộ sống cạnh nhau.
Số thùng xanh này đến từ nguồn xã hội hóa do Ủy ban nhân dân xã Dục Tú vận động. Khi mới bắt đầu dự án, thôn Nghĩa Vũ chỉ có 36 thùng, tới nay con số này đã hơn 135 thùng.
Tại xã Dục Tú, Nghĩa Vũ là thôn thực hiện chương trình thành công nhất. Nguyên nhân là do thôn có đến 140 hộ gia đình làm ruộng. Ngoài lúa ra, mỗi hộ còn trồng thêm rau vừa để ăn và vừa để bán tại các chợ Yên Thường và Dục Tú.
Người dân quyết tâm làm vì xử lý rác hữu cơ vừa làm cho nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không có mùi hôi thối, vừa giúp bà con làm nông tiết kiệm một phần chi phí sản xuất do có thêm nguồn phân tái chế được để bón cho ruộng đồng.
Ngoài ra, hồi chưa phân loại rác, mỗi ngày có 6 xe đi thu gom mới chỉ lấy được rác của nửa thôn. Bây giờ thì phải 3-4 hôm mới có 1 xe đi thu gom rác”, bà Huế chia sẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), đơn vị đồng hành cùng Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh thực hiện thu gom rác thải tại nguồn, có 3 xã đã thành công nhân rộng chương trình ra 100% thôn trên địa bàn là Dục Tú, Liên Hà và Việt Hùng. 20 xã và thị trấn còn lại đã triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm.
Sau thời gian đầu thí điểm, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50-70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Riêng tại thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, khi 71 hộ gia đình tham gia kiểm kê rác trong vòng một tháng thì giảm được 53,3% rác hữu cơ do xử lý làm phân xanh (tương đương hơn 2,1 tấn rác).
Tại xã Liên Hà, người dân trên địa bàn đã chủ động đi mua chế phẩm vi sinh/men vi sinh để tiếp tục ủ phân hữu cơ. Bên cạnh đó, một số hộ dân tuy không có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ đã có ý thức phân loại rồi mang rác hữu cơ đi cho những hộ khác có nhu cầu.
Bà Trịnh Thị Yến, trú tại xã Liên Hà, chia sẻ: “Cân kiểm hàng ngày mới thấy lượng rác gia đình mình thải bỏ nhiều thật. Trong thời gian kiểm kê, lượng rác hữu cơ của gia đình nhà tôi là khoảng 31 kg, tức là gần 3/4 tổng lượng rác. Nếu mang số rác hữu cơ này đi ủ thành phân bón, lượng rác của gia đình phải mang đến bãi Nam Sơn giảm rất nhiều”.
Tại thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, trong khoảng 2-3 tháng đầu thực hiện chương trình, người dân xử lý rác theo hộ gia đình. Tuy nhiên, do số lượng rác hữu cơ của từng hộ quá ít nên các hộ đã có sáng kiến triển khai xử lý rác theo cụm 8-15 hộ/điểm.
Theo đó, mỗi cụm thường tận dụng những khu đất rộng như đồng ruộng, vườn chùa,... để đặt thùng ủ hoặc đào hố ủ chung. Hàng ngày, sau khi phân loại, người dân sẽ mang rác đến các thùng/hố ủ chung này hoặc đặt trước nhà và trưởng nhóm sẽ đến thu gom mang về thùng/hố ủ tập trung.
Chia sẻ về việc xử lý rác hữu cơ tại nhà, cô Nguyễn Thị Hằng (thôn Thái Bình, xã Mai Lâm) nói: “Đây là một cách xử lý rác rất hay. Thay vì hàng ngày phải đổ rác như trước đây, hiện tại, sau khi tái sử dụng rác nhà bếp để ủ phân, 3 ngày tôi mới phải đổ rác một lần. Rác ít hơn hẳn mà không có mùi. Công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ vất vả hơn.”
Theo Live & Learn, bên cạnh làm giảm được lượng rác thải, hiệu quả của chương trình còn được thể hiện qua việc nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Bên cạnh đó, đã có nhiều nhóm nòng cốt được xây dựng và tích cực chia sẻ, hướng dẫn người dân tại các hộ gia đình tham gia để xây dựng thói quen phân loại và xử lý rác hữu cơ. Nhiều nhóm tuyên truyền qua ứng dụng Zalo và thông tin truyền thông thường xuyên nhận được phản hồi cho thấy tính hiệu quả và tinh thần tích cực phân loại rác của người dân trên các địa bàn.
Thành công của chương trình đến từ sự chung tay của các doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức xã hội, đoàn thể tại địa phương; vai trò quan trọng và sự hoạt động tích cực của nhóm nòng cốt tại các xã; sự tham gia tích cực của trường học trong công tác truyền thông và giáo dục cho thế hệ trẻ;...