Tại sao Nga lại đưa ra quyết định quan trọng là dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran có hiệu lực từ tháng 9/2009 do chính quyền Tổng thống Dmitry Medvedev ban hành trong bối cảnh nước này đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ có một tác động rất lớn đến tiến trình chính trị thế giới trong những thập kỷ tới, tờ Asia Times ngày 14/4 dẫn bình luận của tác giả M.K Bhadrakumar cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh AP. |
Theo Bhadrakumar, đây là một quyết định lịch sử đã được các nhà lãnh đạo Nga cân nhắc và lập kế hoạch cẩn thận trước khi thực hiện vì họ biết rõ rằng nó sẽ là một sự thách thức đối với chiến lược của Mỹ và hệ thống chính trị quốc tế. Quyết định trên của ông Putin là một hành động mang tính chất "phản ứng" cũng như "chủ động" đã làm phân tán các cơ chế trừng phạt kiên cố mà Mỹ đã mất nhiều năm dàn dựng để lái Iran vào một góc.
Nguyên do của động thái này xuất phát từ yếu tố thứ nhất là chính sách đối ngoại được Bhadrakumar mô tả là "đáng xấu hổ" của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ông Obama từng đưa ra một sự đảm bảo với cựu Tổng thống Nga Medvedev trước khi tái cử nhiệm kỳ 2 rằng ông sẽ làm giảm mối lo ngại của Moscow trong vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử, ông Obama đã không thực hiện lời hứa.
"Ở cương vị của một nguyên thủ quốc gia, chính khách không nên cư xử như học sinh tiểu học và vấn đề phòng thủ tên lửa không nên được dùng như một trò chơi trốn tìm. Ông Obama đã hành xử một cách không đẹp", Bhadrakumar cho biết.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. |
Theo ông, Nga cảm thấy bị thách thức trước cái mà Mỹ gọi là hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm mục đích chống lại các quốc gia "bất hảo" là Iran và Triều Tiên. Trong hội nghị tại Prague năm 2009, chính Tổng thống Obama đã đảm bảo với Moscow rằng một khi vấn đề hạt nhân Iran được giải quyết, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ ở châu Âu cũng sẽ chấm dứt.
Nhưng khi thỏa thuận hạt nhân Iran đang gần được hoàn tất thì ông Obama lại quên lời hứa ở Prague năm năm trước và bắt đầu lặng lẽ thay đổi quy tắc của trò chơi. Washington và NATO giờ lại đưa ra tuyên bố khẳng định rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, ngay gần kề biên giới của Nga, không liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran.
Theo Bhadrakumar, mục đích thực sự của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ và NATO là nhằm để vô hiệu hóa khả năng tên lửa của Nga. Trong ngắn hạn, mục đích thực sự của nó là để loại bỏ cái gọi là "khả năng đánh trả" của Nga. Chương trình này nhằm để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ có từ thời Chiến tranh Lạnh là đạt được "ưu thế hạt nhân" trên toàn cầu và chấm dứt ma trận về "cân bằng chiến lược toàn cầu" liên quan đến Nga.
Tuy nhiên, Mỹ đã quên rằng Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tiêu diệt Mỹ một cách toàn diện và Moscow biết chính xác những nỗi lo sợ của Washington về họ, tác giả bình luận.
Quyết định bàn giao S-300 cho Iran của Tổng thống Putin là lời cảnh báo dành cho Mỹ về khả năng Moscow có thể khiến Washington cảm nhận được cảm giác khi lợi ích và an ninh quốc gia bị đe dọa là như thế nào. |
Theo Bhadrakumar, ông Putin quyết định bãi bỏ lệnh cấm bàn giao S-300 cho Iran và dự kiến sẽ bàn giao hệ thống đầu tiên cho Tehran trong năm nay, theo tiết lộ của tờ The Wall Street Journal, để cảnh báo Mỹ về cách người Nga sẽ phản ứng khi biên giới của họ bị đe dọa và cái giá của việc nuốt lời hứa cũng như cảm giác khi lợi ích và an ninh quốc gia bị đe dọa mà Moscow đang trải qua là như thế nào.
S-300 là một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến có khả năng làm hạn chế rất lớn khả năng tấn công trừng phạt Iran của Washington. Trong thực tế, Mỹ có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran nếu thỏa thuận hạt nhân không được ký kết vào ngày 30/6 như dự kiến.
Nhưng nếu Iran sở hữu S-300, Mỹ sẽ rất khó gây áp lực với hành động của quốc gia này tại Trung Đông trong tương lai và tiến tới có thể chấm dứt quyền bá chủ của Washington tại khu vực này.
"Thông điệp của ông Putin dành cho ông Obama trực tiếp và rõ ràng: Chúng tôi có đủ khả năng để trả đũa. Bắt đầu từ ngày hôm nay, mọi hành động phá hoại an ninh Nga cũng sẽ tạo ra các phản ứng nghiêm trọng tương tự. Ngoài ra, Nga sẽ giúp các quốc gia khác để chống lại sự bát nạt của Mỹ. Nga không muốn điều này, nhưng đó là lựa chọn mà Mỹ đã đặt vào tay Nga".
Theo Bhardrakumar, Mỹ từ giờ sẽ phải học cách tôn trọng các quyền lợi hợp pháp của Nga bởi nếu không có sự hợp tác với Moscow, Mỹ sẽ không có đủ năng lực để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, chẳng hạn như Iran./.