Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Đa Chiều ngày 11/2 bình luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định ra đòn "tiên phát chế nhân" trước hội nghị thượng đỉnh 4 bên về cuộc khủng hoảng Ukraine, một lần nữa ông chủ Điện Kremlin mượn tập trận để uy hiếp phương Tây. Hôm nay nguyên thủ 4 nước Nga - Pháp - Đức - Ukraine bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Minsk, thủ đô Belarus để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên chiến sự vẫn tiếp tục ở miền Đông cho thấy kết quả hội nghị sẽ khó được như mong đợi.
Trong khi đó ngày 10/2 Moscow quyết định bắt đầu cuộc tập trận ở miền Nam và bán đảo Crimea. Động thái này của Kremlin rõ ràng mang màu sắc uy hiếp phương Tây, mặt khác cũng thể hiện thái độ của Putin "sẵn sàng nghênh chiến" với phương Tây và Mỹ, Đa Chiều nhấn mạnh.
Theo tin tức truyền thông Nga sáng 11/2, có khoảng 2000 binh sĩ trinh sát của Nga đã bắt đầu diễn tập tại miền Nam, ngoài ra khoảng 600 quân Nga tổ chức diễn tập đồng thời tại Crimea. Một quan chức thuộc Quân khu Nam của Nga tiết lộ, cuộc diễn tập của 2000 lính trinh sát sẽ kéo dài khoảng 1 tháng.
Cuộc tập trận tại bán đảo Crimea do hạm đội Biển Đen triển khai được cho là đã huy động hơn 50 loại vũ khí và trang bị kỹ thuật tham gia. Trong khi đó quân đội Ukraine hôm 9/2 tuyên bố, chỉ trong 2 ngày từ 7/2 đến 8/2, có khoảng 1500 quân Nga cùng với 300 trang thiết bị quân sự đã vượt qua biên giới tiến vào miền Đông Ukraine, trong đó bao gồm cả hệ thống tên lửa và 170 xe quân sự. Thái độ của Moscow trong vấn đề Ukraine không có gì thay đổi.
Nguyên thủ Nga, Pháp, Đức, Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh Minsk. Ảnh: Expert. |
Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ bước vào giai đoạn quan trọng trong tuần này, kết quả của nó sẽ quyết định việc châu Âu có khống chế thành công không để khủng hoảng biến thành chiến tranh, hay sẽ đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngày càng sâu rộng. EU hy vọng Putin sẽ thay đổi phương hướng tiếp cận vấn đề, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại.
Trong hội nghị thượng đỉnh Minsk, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ lại đưa ra cái ông gọi là bằng chứng quân Nga xâm nhập miền Đông Ukraine. Phương Tây lại gia tăng cao trào chỉ trích nhằm vào Kremlin, thậm chí có nguồn tin cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra "tối hậu thư" cho Tổng thống Putin. Tuy nhiên Điện Kremlin đã cự tuyệt bất kỳ cái gọi là "tối hậu thư" nào từ phương Tây.
Putin đã nói với truyền thông Ai Cập: Khủng hoảng Ukraine xảy ra không phải là sai lầm của Nga, mà là kết quả của chính sách Mỹ và NATO o ép Nga, do phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Kiev. Trong khi đó phương Tây vẫn tiếp tục chia rẽ trước việc xử lý khủng hoảng Ukraine như thế nào.
Thủ tướng Đức tiếp tục hy vọng thuyết phục Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành đàm phán đình chiến, trong khi Washington đang muốn viện trợ vũ khí trực tiếp cho chính quyền Kiev. Đối với Hoa Kỳ, mặc dù Liên Xô đã tan rã nhưng cuộc chiến tranh giành ngôi bá chủ giữa Mỹ và Nga chưa từng kết thúc.
Ngoài việc cung cấp vũ khí cho Kiev, Washington còn mong muốn mượn "mảnh đất thị phi" Ukraine để kiềm chế Nga, mặt khác kéo châu Âu vào thay thế cho Hoa Kỳ rút chân ra khỏi vũng lầy. Đa Chiều cho rằng trong thời gian ngắn khủng hoảng Ukraine không có cahcs nào hóa giải, tiến trình hòa bình cho quốc gia này vẫn còn xa vời.