Quá tải HS: Cần làm rõ trách nhiệm quy hoạch, nhồi chung cư nhưng thiếu trường

17/08/2022 10:47
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chuyên gia cho rằng: Quận Hoàng Mai cần rà soát ngay quỹ đất trên địa bàn xem có dôi dư, xen kẹt để bố trí xây dựng cơ sở giáo dục.

Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến chuyện quá tải hồ sơ ở Trường Mầm non Hoàng Liệt, (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội), thậm chí phải lên phương án bốc thăm để chọn học sinh bởi nhà trường chỉ đáp ứng được 2/3 số lượng hồ sơ đăng ký học. Đây không phải lần đầu câu chuyện quá tải học sinh xảy ra ở khu vực quận Hoàng Mai, trước đó năm 2018, Trường Tiểu học Chu Văn An trên địa bàn quận này cũng phải cho học sinh học đan xen vì quá tải.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai thì nguyên nhân chính là tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh dẫn tới tình trạng quá tải học sinh ở các trường công lập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Trong quy hoạch trước đây với tầm nhìn đến năm 2020, dân số Thủ đô Hà Nội dự kiến khoảng 7,8 đến 7,9 triệu dân, nhưng thực tế, con số này đã vào khoảng 8,2 triệu dân. Xu thế đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, kéo theo việc tăng dân số theo hình thức cơ học là chủ yếu, trong khi dân số tự nhiên tăng không nhiều. Quy mô dân số các phường lớn hơn rất nhiều quy mô hạ tầng cơ sở kỹ thuật xã hội”.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: vovdulich.vn)Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: vovdulich.vn)

Theo tính toán, khoảng 15.000 dân có thể thành lập một phường nhưng thực tế mức trung bình dân ở các phường hiện nay là 30.000 người. Thậm chí, có phường như Hoàng Liệt, dân số lên tới 92.000 người.

Khu vực quận Hoàng Mai có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều chung cư mới được xây dựng. Dân số tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng tăng chưa đồng bộ, vì vậy, có trường học quá tải là điều không tránh khỏi.

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: “Thực trạng thiếu chỗ học, nhà trẻ mẫu giáo là hiện tượng và hệ lụy của quá trình đô thị hóa này”.

Do đó, cần nhanh chóng bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội trên địa bàn quận Hoàng Mai. Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát quỹ đất trên địa bàn quận để có phương án sử dụng thích hợp.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thảo luận và hoàn chỉnh Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó có 9 chính sách đặc thù. “Đặc biệt là phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu, đảm bảo tất cả trẻ em được đến trường” – Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Đối với vấn đề quy hoạch chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và các quận, huyện nói chung ở Thành phố Hà Nội cần phải chú ý đến quy hoạch hệ thống trường, lớp cho trẻ em, học sinh trên một số cơ sở:

Thứ nhất, căn cứ vào dân số trên địa bàn để khống chế việc xây dựng các khu cao tầng trên từng khu vực. Nếu việc xây dựng này dẫn tới tăng đột biến số lượng dân trên địa bàn thì không phê duyệt.

Thứ hai, có thể xem xét một số cơ chế riêng về xây dựng trường, lớp ở những quận, khu vực đông dân cư. Hiện Thành phố Hà Nội đã có một số đổi mới, các trường học mẫu giáo không nhất thiết phải có quỹ đất với công trình trường, lớp như quy định, mà có thể linh động sử dụng mặt sàn của chung cư để thành lập trường, nhà trẻ.

Thứ ba, đối với tiêu chuẩn số mét vuông trên một trẻ em cũng có thể linh động. Theo Nghị định 135/2018/NĐ-CP từ ngày 20/11/2018, các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải bảo đảm diện tích xây dựng bình quân tối thiểu từ 8m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã, miền núi, hải đảo và 12m2/trẻ thuộc đồng bằng, trung du. Việc này khó áp dụng cho các trường ở thành phố, nhất là các trường ở khu vực đông dân cư.

Thứ tư, cần thay đổi quy định xây dựng các trường học ở thành phố. Ví dụ đối với nhà trẻ, trường mầm non, chỉ xây 2 tầng thì có thể được xây lên thành 4-5 tầng. Các tầng trên sẽ được sử dụng cho khối hành chính văn phòng làm việc, tầng thấp sử dụng cho học tập. Từ đó không phải dành quỹ đất của trường cho riêng một tòa nhà khối hành chính văn phòng nữa. Giúp tăng diện tích phòng học cho trẻ em.

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: “Các biện pháp trên có thể áp dụng chung cho không chỉ quận Hoàng Mai mà còn các khu vực quận, huyện khác của thành phố”.

Ông cho biết thêm, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đang nghiên cứu quy hoạch tổng thể trên 30 quận, huyện. Năm 2023 quy hoạch mới của thành phố sẽ được công bố. Hi vọng quy hoạch mới sẽ giúp giải quyết căn bản những bất cập hiện nay, đặc biệt là cho ngành giáo dục.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho biết: “Việc quá tải của ngành giáo dục hiện nay ở quận Hoàng Mai là hậu quả của các năm trước do vấn đề quy hoạch và tốc độ đô thị hóa quá nhanh”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: quochoi.vn)

Khi phê duyệt các dự án, chung cư cao tầng về nguyên tắc đều có đất dành cho giáo dục. “Tuy nhiên, có những lúc, có nơi, có giai đoạn chủ đầu tư ít để ý, người phê duyệt chưa sâu sát” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho biết. Từ đó bà An kiến nghị Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai nên cho rà soát ngay lập tức trên địa bàn quận có diện tích đất nào dôi dư, đất xen kẹt để kiến nghị thành phố xây dựng thêm trường.

Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng đề nghị cần nghiên cứu và tìm rõ nguyên nhân tại sao số lượng học sinh phường Hoàng Liệt lại tăng đột biến như thế. Nếu nguyên nhân là số lượng nhà cao tầng xây dựng quá nhiều mà không xây trường học thì các đơn vị có liên quan đến quy hoạch, xây dựng chung cư đó phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó cũng xem xét việc phê duyệt các dự án quy hoạch trên địa bàn. Bởi nếu không làm rõ nguyên nhân thì không bao giờ xử lý dứt điểm câu chuyện quá tải cũng như làm bài học cho các địa phương khác.

Ngô Hiển