Đảm bảo chất lượng cho gần 100.000 HS là áp lực đè nặng lên GD quận Hoàng Mai

11/08/2022 09:14
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà: Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận 939 hồ sơ, vượt chỉ tiêu 380 hồ sơ.

Trong tháng 7/2022, Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã hoàn thành tổ chức tuyển sinh theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Do số lượng hồ sơ đăng ký tăng bất thường so với dự kiến và khả năng tiếp nhận trẻ của trường. Trước tình hình đó còn có ý kiến “bốc thăm” để chọn học sinh vào trường.

Để hiểu rõ thêm vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cuộc phỏng vấn với bà Trương Thu Hà – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai.

PV: Vừa qua, Trường Mầm non Hoàng Liệt xảy ra tình trạng hồ sơ nộp học nhiều hơn dự kiến với 939 hồ sơ. Bà có thể lý giải nguyên nhân tăng đột biến hồ sơ như vậy?

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà: Phường Hoàng Liệt là một trong các phường nằm tại vị trí trung tâm của quận Hoàng Mai với diện tích tự nhiên là 4,89 km2 nhưng dân số trên 92.000 người.

Phường có tốc độ đô thị hoá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều khu chung cư cao tầng đưa vào sử dụng. Từ đó dẫn tới việc phường nhận thêm rất nhiều hộ dân cư trong đó có gia đình có con nhỏ về sinh sống. Thứ hai là việc tăng dân số tự nhiên ở trên địa bàn phường. Với tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hàng năm dẫn tới sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường Hoàng Liệt là rất lớn.

Bà Trương Thu Hà – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai (ảnh: NVCC)

Bà Trương Thu Hà – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai (ảnh: NVCC)

Vừa qua, Trường Mầm non Hoàng Liệt có áp lực rất lớn trong công tác tuyển sinh. Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non của nhân dân, quận Hoàng Mai đã đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở cho Trường Mầm non Hoàng Liệt tại các khu dân cư Tứ Kỳ, Linh Đàm. Dù tăng thêm phòng học và các phòng chức năng cho nhà trường nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi học của các gia đình đang sinh sống trên địa bàn.

Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn phường có 8.155 trẻ em trong độ tuổi mầm non. Ngoài 1 trường mầm non công lập, trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 nhóm lớp Mầm non độc lập đều có cơ sở vật chất khang trang, hoạt động có nề nếp, ổn định, đảm bảo yêu cầu về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, được cha mẹ học sinh tín nhiệm, yên tâm gửi con em đã góp phần giảm áp lực tuyển sinh cho trường công lập.

Tuy nhiên, Trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể tuyển sinh 559 trẻ độ tuổi từ 3 tuổi đến 5 tuổi vào trường, trong đó sẽ mở 13 lớp mẫu giáo lớn (tăng 2 lớp so với dự kiến) để tuyển hết 226 trẻ đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được đến trường theo phương châm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đối với trẻ 3 tuổi và 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho năm học mới. Như vậy, tổng số học sinh năm học 2022 - 2023 của trường sẽ là 1.202 trẻ (tăng 164 trẻ so với năm học 2021 2022), với 27 lớp học (tăng 2 lớp so với năm học 2011 - 2022 và vượt 7 lớp so với quy định tại Điều lệ trường mầm non).

Theo đó, đối với lớp mẫu giáo bé 3 tuổi: tổng số 245 trẻ/6 lớp, trung bình: 41 trẻ/lớp (vượt 16 trẻ/lớp so với quy định tại Điều lệ trường mầm non); đối với mầm non nhỡ: 360 trẻ/8 lớp, trung bình: 45trẻ/lớp (vượt 15 trẻ/lớp so với quy định tại Điều lệ trường mầm non). Đây là cố gắng nỗ lực rất nhiều của nhà trường để đáp ứng cao nhất trong khả năng có thể về nhu cầu gửi con em của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn phải đảm bảo quy định 1,5m²/1 trẻ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 380 hồ sơ vượt chỉ tiêu cần giải quyết.

PV: Trước thực trạng trên, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân quận các biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà: Hàng năm, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai dành 50% ngân sách chi cho giáo dục. Chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tiếp tục được quận xây mới, đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng mới 1 Trường Trung học cơ sở Linh Đàm tại ô F6/TH1 phường Hoàng Liệt đưa vào sử dụng năm học 2022 - 2023.

Nhưng với tốc độ tăng dân số, đặc biệt là dân cư chuyển đến ở nhiều như hiện nay thì sức ép lên ngành Giáo dục của quận Hoàng Mai là rất lớn.

Theo điều tra của phòng Giáo dục và Đào tạo, số trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi của phường Hoàng Liệt là 19.327 trẻ. Riêng phường Hoàng Liệt có 6 trường công lập (2 trường trung học cơ sở, 3 trường tiểu học, 1 trường mầm non) và 5 trường mầm non tư thục, 79 nhóm lớp mầm non độc lập. Do đó, việc đảm bảo chất lượng dạy học cho 91 trường học với khoảng gần 100.000 học sinh đang đè nặng lên chính quyền, ngành Giáo dục của Quận.

Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã có một số biện pháp.

Thứ nhất: Tiến hành họp công khai giữa các phụ huynh có hồ sơ nộp vào trường với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt và Trường Mầm mon Hoàng Liệt. Trong đó, nhà trường phải thông báo công khai thực trạng công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất của nhà trường để phụ huynh nắm được. Từ đó hai bên cùng thấu hiểu và đi đến thống nhất, tìm ra phương án tốt nhất, thấu tình đạt lý, đạt sự đồng thuận cao.

Thứ hai: Với số lượng 1200 học sinh ở các độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã cho phép trường mở 27 lớp học, so với điều lệ là tăng 7 lớp, tận dụng các phòng mở lớp, sĩ số lớp tăng, 45 học sinh (tăng thêm 10-15 học sinh), là sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc 1,5 m2 trên một đầu học sinh. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và chương trình học tập cho các em. Nhà trường phải xây dựng chương trình học, phân các nhóm trẻ trong lớp để đảm bảo việc dù học sinh có tăng nhưng vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động và được giáo viên quan tâm chăm sóc.

Thứ ba: Với số lượng trẻ em còn lại, ưu tiên vận động các bậc phụ huynh gửi con đến học tập ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Phòng quán triệt các cơ sở ngoài công lập phải nâng cao chất lượng, bên cạnh đó là tạo điều kiện về cơ chế học phí nhằm đảm bảo hài hòa khi phụ huynh gửi con ngoài công lập. Nhất là trong thời điểm này để cùng chia sẻ gánh nặng với hệ thống giáo dục công. Đối với cơ sở ngoài công lập luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai giám sát chặt chẽ hoạt động nên nhiều năm vẫn hoạt động đảm bảo cả chất lượng lẫn cơ sở vật chất.

Khi đưa ra các phương án, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và đảm bảo đầy đủ chất lượng cho các học sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai. Đối với vấn đề có phương án bốc thăm, đây là phương án chúng tôi không mong muốn. Nếu có thực hiện phương án bốc thăm thì chúng tôi phải có sự đồng thuận và ý kiến của phụ huynh. Bởi hiện nay số lượng hồ sơ đông như thế, làm sao chọn được giải pháp công bằng, minh bạch nhưng đồng thuận cao là phương án rất khó khăn.

Đến ngày 9/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chưa nhận được báo cáo trình lên của Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt trong cuộc họp với phụ huynh ngày 6 và 7/8 vừa qua. Tất cả thông tin chia sẻ thông tin truyền thông cần có báo cáo cụ thể từ phía địa phương để lãnh đạo Phòng thông tin một cách chính xác hơn. Khi nào nhận được báo cáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ thông tin tới quý báo.

PV: Để tránh tình trạng quá tải học sinh ở các trường như hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo có những phương án và giải pháp lâu dài ra sao để chấm dứt tình trạng này?

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà: Về lâu dài, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các trường mầm non trên địa bàn. Hiện quận có 3 lô đất được ưu tiên dành cho việc xây dựng trường mầm non trên địa bàn. Tuy nhiên, việc này sẽ giảm bớt gánh nặng quá tải học sinh trong một thời điểm bởi với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay vẫn rất cần sự chung tay của hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cũng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân quận, kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đôn đốc chủ đầu tư tiến hành xây dựng trường học trên các lô đất đã bàn giao theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nếu chủ đầu tư nào chậm triển khai xây dựng trường học, thì Phòng cũng đề nghị thu hồi, bàn giao cho Quận, để Ủy ban Nhân dân quận xây dựng trường bằng ngân sách địa phương.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cũng ưu tiên và khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ngoài công lập được phát triển theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 của Chính phủ ban hành năm 2019.

Đến nay, trên địa bàn quận có 32 trường ngoài công lập, 352 nhóm lớp mầm non ngoài công lập, đó là con số biết nói. Tính riêng giáo dục mầm non, các trường ngoài công lập đã hỗ trợ, gánh đỡ áp lực cho hệ thống công lập là trên 60%.

Hiện nay, Phòng cũng quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước là hệ thống công lập và ngoài công lập cùng phát triển song hành, hỗ trợ lẫn nhau. Do tình hình Covid-19 vừa qua nên có 1 trường và 61 nhóm lớp ngoài công lập giải thể. Hiện Phòng đang đề xuất các giải pháp phục hồi hoạt động các trường ngoài công lập bằng cách hỗ trợ kinh phí và vay vốn... để sớm đi vào hoạt động.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Ngô Hiển