Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Giám đốc FBI James Comey tại Washington, ảnh: Thanh nien News. |
Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu ngày 10/4 bình luận trên trang The Diplomat, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có bước đột phá gần đây, một chuyến viếng thăm thể hiện sự thay đổi đáng kinh ngạc trong quan hệ song phương. Nổi lên như một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ - Việt đã trải qua bước đột phá trong thời gian gần đây.
Bước đột phá này được thể hiện trong chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang từ ngày 15 đến 20/3 vừa qua. Có lẽ truyền thông ít quan tâm đến chuyến đi này vì xem nó như một hoạt động trao đổi thường xuyên ở cấp Bộ trưởng giữa 2 nước. Nhưng hoạt động của Bộ trưởng Trần Đại Quang trong chuyến thăm này đã vượt xa ngưỡng trao đổi thường xuyên, nội dung các cuộc hội đàm của ông chỉ ra một sự thay đổi về chất trong quan hệ Mỹ - Việt.
Giáo sư Vuving bình luận, không những là người đứng đầu 1 trong 2 bộ mạnh nhất chính phủ, ông Trần Đại Quang còn là Ủy viên Bộ Chính trị. Chuyến công du Hoa Kỳ của ông được cho là nhằm chuẩn bị chuyến thăm nước Mỹ lần đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Sáu này. Theo ông Vuving, là bất thường đối với một Bộ trưởng khi tướng Trần Đại Quang đã hội đàm với hầu hết các quan chức cấp cao trong chính phủ hoa Kỳ, bao gồm Bộ An ninh nội địa, FBI, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp và CIA.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng có các hoạt động tiếp xúc cấp cao với các nhà lập pháp. Các chủ đề mà ông thảo luận cũng vượt ra ngoài phạm vi của một Bộ trưởng Công an, trải rộng từ quốc phòng, an ninh đến thương mại và đầu tư, nhân quyền. Chuyến thăm của Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực.
Thông qua chuyến thăm Hoa Kỳ của tướng Trần Đại Quang, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có thông điệp rõ ràng về thái độ với Hoa Kỳ. Ông Quang được chọn để thực hiện chuyến đi chuẩn bị cho Tổng bí thư thăm chính thức Hoa Kỳ là vì ông nhận được sự tin cậy của tập thể các nhà lãnh đạo. Ông cũng là Bộ trưởng Công an đầu tiên của Việt Nam tới thăm Mỹ. Chuyến công du của ông là động thái mới nhất trong một loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao đã làm thay đổi bản chất quan hệ Việt - Mỹ.
Trước đó chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội tháng 7/2012, bà đã hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và mời Tổng bí thư thăm Hoa Kỳ. Cử chỉ này cho thấy Washington đã chấp nhận sự khác biệt giữa 2 nước, ý nghĩa lời mời của bà Clinton rất quan trọng. Trên thực tế điều này đã mở cửa cho hợp tác thực chất giữa hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của bà Hillary Clinton đã mở đường cho việc thành lập quan hệ hợp tác toàn diện Việt - Mỹ được chính thức đặt ra một năm sau đó trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013. Hai nước cam kết tôn trọng hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đầu tháng 10/2014 Ngoại trưởng John Kerry đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và công bố quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Một trở ngại nữa giữa quan hệ 2 nước đã được gỡ bỏ khi Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Mỹ vừa rồi đã cho biết, Việt Nam cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của quân đội Mỹ được hoạt động tại Việt Nam, giáo sư Vuving cho biết, điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể.
Phải mất 2 thập kỷ sau chiến tranh, Hoa Kỳ và Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ năm 1995. Chuyến thăm Washington của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến vào tháng Sáu này sẽ là bước cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa này, ông Vuving bình luận. Trong khi đó Trung Quốc đã trở thành yếu tố quan trọng "kéo và đẩy" quan hệ Mỹ - Việt, Việt Nam và Mỹ đang di chuyển gần nhau hơn. Sau Chiến tranh Lạnh, lợi ích chiến lược của Việt Nam và Mỹ đã hội tụ với ưu tiên cao nhất của cả 2 nước là một môi trường hòa bình, ổn định và có lợi cho phát triển kinh tế.
Nỗ lực lâu dài của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhận thức về mối đe dọa lẫn nhau. Nhưng yếu tố quyết định Hoa Kỳ và Việt Nam trở thành bạn bè những năm gần đây là sự xuất hiện của một mối đe dọa an ninh chung. Hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã làm thay đổi những tính toán chiến lược của cả Hoa Kỳ và Việt Nam, đối mặt với một thách thức rất lớn từ Trung Quốc, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đang chuẩn bị giảm nhẹ những khác biệt để tập trung vào lợi ích chiến lược chung.
Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ về mặt hình thức là quan hệ đối tác toàn diện, nhưng xét về nội dung thì đó là một quan hệ đối tác chiến lược, giáo sư Alexander L. Vuving bình luận. Quan điểm thể hiện trong bài viết là của riêng tác giả, không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng, chính phủ Hoa Kỳ hay trung tâm nơi ông làm việc.