Theo lý giải của Bộ Quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định quân nhân chuyên nghiệp có thể phục vụ tại ngũ từng thời hạn hoặc dài hạn đến năm mươi tuổi thấp hơn so với sĩ quan có cùng cấp bậc quân hàm tạo ra bất cập trong quản lý, sử dụng, gây tốn kém trong đào tạo, chưa tận dụng hết khả năng của quân nhân chuyên nghiệp nhất là ở các quân chủng, binh chủng và đơn vị kỹ thuật.
Để khắc phục những bất cập trên, phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của quân đội và tuân thủ quy định của các luật có liên quan. Trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật chỉnh sửa, bổ sung quy định:
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:
Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm các chức danh: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao là 35 tuổi; phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa là 40 tuổi.
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của quân nhân chuyên nghiệp ít nhất là 6 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp hoặc cho đến hết hạn tuổi cao nhất.
Dự thảo luận đề nghị quân nhân phục vụ trên tàu ngầm không quá 40 tuổi. ảnh: Hà My/Người lao động. |
Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bậc cao hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận đạt danh hiệu giỏi; đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này từ 1 năm đến 5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Trong khi đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất trong Quân đội nhân dân của công nhân, viên chức quốc phòng (Điều 15) được đưa ra là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ.
Đối với quy định thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp (Điều 20) quy định: Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi mức lương tương ứng với cấp bậc quân hàm cao hơn cấp bậc quân hàm hiện tại.
Nếu có báo cáo sai 1.809 tỷ đồng, cơ quan nhà nước có chịu bó tay? |
Cũng theo giải trình của Bộ Quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; trong thời bình, quân đội ngoài việc đảm bảo có lực lượng thường trực với số lượng hợp lý, thì phải xây dựng lực lượng dự bị hung hậu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải chú trọng từ khâu tổ chức, huấn luyện và quản lý. Tổ chức phải khoa học, huấn luyện phải có chất lượng, quản lý chặt chẽ, để khi động viên đảm bảo được nhiệm vụ chiến đấu như lực lượng thường trực; vì vậy quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp dự bị (Điều 25) như sau:
Đối với Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: 51 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp: 53 tuổi; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: 56 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: 57 tuổi.
Dự thảo luật cũng nói rõ “xử lý vi phạm” tại Điều 43 như sau:
Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Quân nhân chuyên nghiệp không được sử dụng quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam.
Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng khi bị phạt tù tại trại giam thì quân nhân chuyên nghiệp bị tước danh hiệu quân nhân; công nhân, viên chức quốc phòng bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 44 cũng nói rõ, hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng có 8 cấp độ gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Hạ bậc lương; Giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; Tước quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; Tước danh hiệu quân nhân.
Hình thức kỷ luật đối với công nhân, viên chức quốc phòng gồm 6 cấp độ: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.