Trong sách "Luận ngữ", Khổng Tử có đưa ra dấu hiệu nhận biết "kẻ quân tử". Lời người quân tử nói ra có sức nặng như núi Thái Sơn.
Có câu: "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy" (quân tử nói một lời, bốn ngựa khó đuổi). Chính là nói một lời khi đã phát ra thì không thể thu lại, cũng ý rằng, lời nói của người quân tử rất uy tín, không dễ đổi thay.
Những người có lòng trắc ẩn, không ai lấy làm vui khi chứng kiến dấu chấm hết sự nghiệp của người khác, càng không muốn hơn khi người đó mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.
Dù ai nói ngã nói nghiêng, song giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trả nó về với công năng vốn có là việc làm phù hợp.
Không nên lấy lý do xót thương cho tầng lớp làm "kinh tế vỉa hè" để chĩa mũi dùi về phía ông Hải. Vì trong hàng tỷ đồng thu về từ "kinh tế vỉa hè" có bao nhiêu đồng rơi vào túi người nghèo?
Ông Hải đã nhận ra điều đó và nhát búa của ông, nếu nhắm đến người nghèo thì chắc chắn ông đã không phải cởi áo từ quan.
Ông Hải đã biết mình "động chạm" đến nhóm lợi ích có sức mạnh hậu thuẫn từ hàng tỷ đồng.
"Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Vì vậy, tôi xin từ chức" [1].
Nhân vật "tôi" trong mấy dòng này chính là ông Đoàn Ngọc Hải. Chỉ mấy dòng nhưng có thể quyết định đến sinh mệnh chính trị của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hải đã giữ đúng lời hứa cách đây mấy tháng, rằng: "Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng".
Khi hay lời hứa này nhiều người tỏ ra lo ngại cho chiếc ghế của ông Hải, nhưng cũng không ít lời đồn ra đoán vào rằng, chắc cũng như vạn lời hứa khác mà thôi!
Nhưng không phải, "ngày cuối năm" trôi qua mới được mười hôm, chủ nhân lời hứa đã đệ đơn xin từ chức.
Nói lời biết giữ lấy lời ắt là quân tử.
Ông Đoàn Ngọc Hải (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Khi ông chưa thực hiện lời hứa như đinh đóng cột đó, nhiều người ngồi mong ông Hải thực hiện để xem có phải lời nói gió bay. Nhưng khi thấy lá đơn từ chức lại không muốn điều đó xảy ra.
Ít ra, cho đến thời điểm này, ông Hải là một cán bộ tốt, một người hiếm hoi dám đánh cược sự nghiệp chính trị vào một công việc tưởng chừng dễ.
So ra với người quyết bám ghế đến cùng mặc dù thiên hạ toàn thấy cái sai thì ông Hải xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
Khi phát động phong trào giành lại vỉa hè cho người đi bộ, có lẽ không Hải không lường trước được vỉa hè cũng có…nhóm lợi ích.
Ở Quận 1, cái vỉa hè không đơn giản chỉ là vỉa hè: Nó là tiền bạc, là không gian siêu lợi nhuận…có điều đó không đơn thuần là sở hữu của từng cá nhân hộ gia đình.
Trong đơn ông Hải có đoạn: "…Nhưng việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền..." [2].
Búa tạ và mệnh lệnh của ông Hải đã chính thức giương cờ trắng đầu hàng trước lợi ích nhóm vỉa hè.
Chẳng lẽ tất cả đã thua?
Thế lực "đứng sau" vỉa hè là ai mà thu vén cả tỉ đồng?
Là ai đi nữa nhưng chắc chắn thế lực đó không phải là những người dân sở hữu ngôi nhà mặt tiền hay tầng lớp buôn bán bằng xe đẩy, tay xách nách mang.
Vì sao công cuộc giành lại vỉa hè chỉ có mình ông Hải chủ đạo, trong khi ông chỉ là cấp phó mà không phải là những cấp cao hơn, đồng bộ hơn?
Nếu ông Hải từ chức, Thành phố Hồ Chí Minh có còn phát động ra quân dọn vỉa hè nữa không?
Vì người ta chưa đánh giá hết sức mạnh của "kinh tế vỉa hè" hay chỉ là liều thuốc thử mang mục đích nào khác?
Dù câu trả lời có như thế nào đi nữa thì người dân vẫn mong muốn "Hòn ngọc Viễn Đông" xứng đáng với tên gọi của nó.
Phải chi giống tình nghĩa huynh đệ thời Tam quốc, khi huynh đệ sa cơ phải quyết phục thù, gỡ thể diện cho người anh em. Hãy chờ xem sức mạnh công quyền có đánh dẹp được thế lực thao túng vỉa hè?.
Tin chắc rằng, nhiều người dân mong mỏi một thành phố văn minh tiến bộ không muốn ông Hải từ chức, vì ít ra, qua công cuộc giành lại vỉa hè thiên hạ đã thấy được một lãnh đạo dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Những nhân tố như thế rất cần trong lúc này.
Thật ra, người dân thách thức lãnh đạo từ chức không phải vì ghét bỏ mà là muốn họ có trách nhiệm hơn với công việc, muốn họ xứng đáng với sự tin tưởng qua lá phiếu bầu.
Người dân không mù mờ và khắt khe đến nỗi không nhận ra tốt xấu, kém cỏi hay giỏi giang.
Nếu ông Hải hết chức Phó chủ tịch Quận 1, chắc sẽ có nhiều người mừng thầm.
Chúng ta mặc dù không phải lo ai ngồi vào vị trí đó nhưng rất lo không biết người thay thế có được phẩm chất "dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Ông Hải từ chức chẳng khác nào một cú tát vào sức mạnh công quyền ở Quận 1. Vì nó gián tiếp cho rằng, thế lực lợi ích nhóm vỉa hè quả thật lợi hại, làm cho người dân có cảm giác công lý đã chịu thua trước phường trộm cắp.
Và công cuộc giành lại vỉa hè xem chừng chưa biết khi nào xong, giấc mơ biến Quận 1 thành "Singapore thu nhỏ" xem ra phải…ngủ thật lâu nữa để kiếm tìm.
Nếu "về vườn" ông Hải chắc không phải kín cổng cao tường, hồi hộp lên báo xem hôm nay thiên hạ nói gì về mình không. Ông Hải có thể là hiện thân của thất bại nhưng đó là thất bại của một cá nhân đã làm hết sức bình sinh.
Làm không xong việc phải từ chức đó là văn hóa, là lòng tự trọng, là biết xót xa từng đồng tiền thuế của nhân dân. Người có những phẩm chất đó không cần mũ mão, xe pháo, phẩm hàm vẫn được người đời kính trọng.
Thời buổi lời hứa rẻ như bèo, niềm tin là điều xa xỉ, ông Hải đã cho thấy chức tước không là gì so với lương tri.
Nếu được, ông Hải hãy ở lại, người dân thừa biết một cánh én không làm nên mùa xuân nhưng có một cánh én còn đỡ hơn một bầu trời toàn diều hâu.
Tài liệu tham khảo:
[1], [2] http://nld.com.vn/tin-doc-quyen/ong-doan-ngoc-hai-bat-ngo-nop-don-xin-tu-chuc-20180108122603911.htm