Quận ủy 12 tổ chức đối thoại, Hiệu trưởng các trường nêu vấn đề gì?

22/08/2024 06:24
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chuẩn bị cho năm học mới, Bí thư Quận ủy Quận 12 tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục của quận.

Ngày 21/8, trước thềm năm học mới, Bí thư Quận ủy Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Danh đã chủ trì Hội nghị tiếp xúc đối thoại với các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục và đào tạo của quận.

Phòng thí nghiệm thực hành không có hệ thống cấp thoát nước

Báo cáo của Quận ủy Quận 12 tại hội nghị cho thấy, trong năm học mới sắp đến, toàn địa bàn quận 12 có 411 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở (kể cả trường phổ thông có nhiều cấp học, có cấp trung học cơ sở).

Tỷ lệ học sinh tiểu học của quận được học 2 buổi/ngày đạt 31,1% (14.945 học sinh/48.112 học sinh). Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày đạt 27,9%.

Toàn quận có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, bao gồm 13 trường công lập và 3 trường ngoài công lập. Trong năm học 2023 – 2024, Quận 12 có 3 trường được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

gdvn_doithoaiQ12b.jpg
Cô Lê Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trần Phú, Quận 12 phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của quận có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, lương tâm nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng học tập, rèn luyện.

Phát biểu tại hội nghị đối thoại, cô Lê Thị Hiếu – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trần Phú, Quận 12 nêu ý kiến, trong quá trình xây dựng trường lớp, phòng học thì các cấp có thẩm quyền nên tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

Cô Lê Thị Hiếu nêu một ví dụ cụ thể, tại Trường trung học cơ sở Trần Phú được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019, nhưng các phòng thí nghiệm thực hành suốt thời gian đó đến nay không thể sử dụng được do không có hệ thống cấp thoát nước của riêng phòng này.

Sau nhiều lần kiến nghị, xin chủ trương sửa chữa, xin kinh phí thì đến nay mới thực hiện xong, và đến đầu năm học 2024 – 2025 mới có thể sử dụng được các phòng thí nghiệm thực hành này.

“Điều này dẫn đến việc tốn kém kinh phí, cũng như hiệu quả của việc sử dụng công trình vừa được xây dựng” – cô Lê Thị Hiếu nhấn mạnh.

gdvn_doithoaiQ12.jpg
Toàn cảnh buổi hội nghị tiếp xúc đối thoại ở Quận 12 ngày 21/8 (ảnh: V.D)

Giải thích thêm về vấn đề này, cô Lê Thị Hiếu nói rằng, trong năm đầu tiên mới đưa vào sử dụng, nhà trường chỉ có học sinh khối 6, và tới năm học 2020 – 2021 thì có thêm học sinh khối 7, nên không cần thiết phải sử dụng phòng thí nghiệm thực hành, do học sinh chưa học môn Hóa.

Năm học 2021 – 2022, học kỳ 1 học sinh học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn những năm học về sau này học sinh của trường thực hành Hóa thì đem dụng cụ vào rửa ở nhà vệ sinh, còn thí nghiệm làm bài tập đơn giản.

Thầy Phạm Văn Tâm – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ, Quận 12 nêu vấn đề, các cấp lãnh đạo nên xem xét xây dựng thêm các trường trung học cơ sở ở những phường có mật độ dân cư cao, tăng dân số nhanh như là phường Hiệp Thành.

Một số trường có áp lực tuyển sinh rất cao, là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học đáp ứng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm định của các trường.

Vấn đề thứ hai mà thầy Tâm nêu ra tại hội nghị đó là nhà trường thường xuyên bị ngập khi trời mưa dù rằng mưa nhỏ hay lớn.

Thầy Phạm Văn Tâm đề nghị, cần phải thực hiện ngay việc nâng cấp hệ thống thoát nước ở khu vực mà trường trú đóng, mà cụ thể là đường Nguyễn Thị Đặng, để tránh tình trạng mưa đến là ngập, ảnh hưởng đến nhà trường rồi còn gây ách tắc giao thông trong đoạn đường này.

Nhiều ý kiến khác phát biểu tại hội nghị liên quan đến vấn đề an toàn trong trường học, nâng chuẩn cho giáo viên trường ngoài công lập, mở rộng cơ sở cho Trung tâm giáo dục thường xuyên, tuyển dụng giáo viên, thí điểm dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, đấu thầu căng tin và bãi xe…

Không vì khó khăn mà làm giảm đi chất lượng giáo dục

Ngay sau khi nghe phản hồi của các Phòng, ban chức năng trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 12 về những vấn đề mà lãnh đạo các trường nêu, Bí thư Quận ủy Quận 12 Trần Hoàng Danh đã có phát biểu kết luận hội nghị.

Ông Trần Hoàng Danh – Bí thư Quận 12 cho hay, trong các chỉ đạo về xây dựng đầu tư công của Quận 12, quận luôn ưu tiên, rà soát lại hệ thống trường lớp trên địa bàn, đảm bảo tính phân bổ hợp lý.

“Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian và việc bố trí vốn của thành phố. Quận sẽ tiếp tục đeo bám để thực hiện tốt.” – Bí thư Quận 12 cho hay.

gdvn_doithoaiQ12c.jpg
Bí thư Quận 12 Trần Hoàng Danh phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: V.D)

Quận sẽ chú ý đến các quy chuẩn, yêu cầu của việc dạy và học, tránh xây dựng những hạng mục không cần thiết, hay cần thiết mà không có nên lại phải đi xin thêm kinh phí.

Bí thư Quận ủy Quận 12 đề nghị, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải tham mưu, xây dựng kế hoạch thí điểm sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại một số trường, hoặc là tại một trường có thể chọn một số lớp để thực hiện.

Về vấn đề tuyển dụng giáo viên, đề án vị trí việc làm, Bí thư Quận 12 đề nghị các trường học trên địa bàn quận có thể chủ động mời gọi giáo viên thỉnh giảng nếu thiếu, đảm bảo tốt việc giảng dạy và học tập của học sinh.

Ông Trần Hoàng Danh đề nghị, lãnh đạo của 11 phường trên địa bàn quận sẽ thực hiện việc khảo sát tình hình an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn các phường do mình quản lý, đảm bảo tính an toàn về không gian.

Đặc biệt, liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ liên kết trong trường học, ông Trần Hoàng Danh – Bí thư Quận 12 nhấn mạnh, một lớp có 50 học sinh mà chỉ có 40 đến 45 phụ huynh đăng ký, thì hiệu trường và giáo viên các trường phải bố trí cho những em không đăng ký theo sự lựa chọn của các em.

“Trường cần phải tính toán để có những khoản hỗ trợ cho những em này. Việc đưa các em lên thư viện đọc sách chỉ là biện pháp sau cùng. Trong môi trường giáo dục đòi hỏi phải có sự bình đẳng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh tủi thân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên không được tham dự học cùng với bạn bè” – Bí thư Quận 12 lưu ý.

Ông Trần Hoàng Danh nhắn nhủ: “Tôi hoan nghênh tinh thần tích cực của đội ngũ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Trong tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp, nhưng thầy cô vẫn nỗ lực đảm bảo yêu cầu của chương trình mới, không để tụt hậu so với các địa phương khác. Mong các thầy cô đừng vì khó khăn, mà cho phép mình làm giảm đi chất lượng giáo dục. Hãy cố gắng mang lại chất lượng tương đồng, từng bước cao hơn so với mặt bằng chung của thành phố”.

Việt Dũng