LTS: Suy ngẫm về sự liêm chính của quan chức xưa và nay, tác giả Trần Sơn có những chia sẻ rất thú vị và sâu sắc.
Qua bài viết, tác giả thể hiện niềm tin vững chắc vào một Chính phủ liêm chính, hết lòng vì nhân dân.
Đồng thời, hi vọng các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Quan tướng xưa không nhận cá biếu
Trong cuốn sách rất nổi tiếng “Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân (được in lần đầu năm 1925) có câu chuyện rất hay về chữ “liêm” trong đạo làm quan.
Đó là câu chuyện “Không nhận cá”. Chuyện kể rằng, Công Nghi Hưu là tướng quốc nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người mang cá đến biếu, ông không nhận.
Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, vì sao anh lại không nhận?”.
Cán bộ thanh liêm không nhận quà biếu, tặng. (Ảnh mình họa trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước) |
Công Nghi Hưu đáp: “Người ta đem cho cá chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận cá, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì mất quan.
Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn có được cá ăn lâu dài mãi mãi đó...”.
Dưới câu chuyện này, các tác giả của cuốn sách trên đã đưa ra lời bàn rất hay:
“Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận.
Ông hiểu cái lẽ rằng, người ta vì mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi...”.
Quả thật, vị tướng quốc (tương đương với Thủ tướng ngày nay) này không chỉ thanh liêm mà còn rất tự trọng, hiểu lẽ đời và đạo làm quan một cách rất sâu sắc.
Khi đã nhận quà biếu của người ta rồi là mình mắc nợ người ta vì không ai cho không ai cái gì bao giờ.
Quan chức xưa mà họ còn trọng danh dự, xem sự “liêm chính” như của báu và có tư duy rất biện chứng như vậy, thật rất đáng khâm phục và học tập.
Quan chức nay có người thích xài xe tặng
Gần đây, báo chí loan tin một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã vô tư nhận xe sang do doanh nghiệp tặng rồi dùng để phục vụ cho lãnh đạo. Đó là các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Nghệ An, Cà Mau, Quảng Nam.
Không biết khi nhận những chiếc xe đó (phần lớn là xe sang, có giá trị vài tỉ đồng mỗi chiếc) lãnh đạo các tỉnh, thành nghĩ gì.
Phải chăng là các vị chỉ nghĩ đến cái “tiện” và cái “lợi” vì không phải bỏ ngân sách địa phương ra mua sắm mà vẫn được ngồi xe sang (có khi vượt cả tiêu chuẩn được hưởng so với quy định)?
Có phải các vị không biết đến các quy định về nhận quà tặng (Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ)?
Các vị có nghĩ đến việc giữ gìn uy tín cho cơ quan, đơn vị; giữ gìn đạo đức công chức (nhất là cán bộ lãnh đạo) trước nhân dân không?
Thế nên, lãnh đạo Đà Nẵng mới biện minh rằng, việc thành phố nhận xe doanh nghiệp tặng là không sai, vì họ nhận xe trước khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Có lẽ lãnh đạo Đà Nẵng đã quên mất Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg?
Tuy nhiên, những lời thanh minh kiểu này, chỉ là một một cách chống chế cho việc nhận xe vốn đã không đúng về pháp lý và cũng không phù hợp với đạo đức của người cán bộ, công chức.
Cho, biếu "đúng quy trình" thì cũng bị người ta cho là hối lộ, đút lót |
Nếu xét kĩ việc doanh nghiệp tặng xe sang cho các địa phương cũng không khác gì hành động hối lộ, một dạng hối lộ dễ được chấp nhận, hối lộ cho tập thể.
Thực chất, đây cũng là một dạng đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư quan hệ, đầu tư kiểu Lã Bất Vi. Nó mang lại lợi ích như thế nào đối với họ thì họ biết rất rõ, vì phải có lợi thì họ mới đầu tư.
Và, các địa phương đã trót nhận xe, xài xe của doanh nghiệp rồi, liệu khi giải quyết các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp này, có còn công bằng, khách quan, “dĩ công vi thượng” được không, hay là “há miệng” thì “mắc mắc” một cái gì đó... khó nói?
Sau khi bị báo chí và dư luận lên tiếng và có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Từ nay các địa phương không được nhận xe do doanh nghiệp tặng”, một số nơi đã trả lại xe tặng cho doanh nghiệp.
Đây là một sự chỉ đạo rất kịp thời, hợp lòng dân của Thủ tướng Chính phủ, người rất quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ.
Hy vọng rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lấy lại niềm tin của nhân dân và hình ảnh đẹp của người cán bộ công chức, những “công bộc” của dân.