Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng loạt bài: “Đắk Nông: Doanh nghiệp đưa 01 tài sản đi thế chấp 02 tổ chức tín dụng”; “Đắk Nông: Vì sao bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành?”; "BIDV Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm quy định cho vay" với nội dung: Công ty TNHH MTV thiết kế và chế tạo thiết bị điện (Công ty EEMC) có đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông) cho thi hành án theo bản án số 02/2013/KDTM-PT ngày 10/07/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông nhưng Công ty N&S (bên bị thi hành) có thái độ chây ỳ, bất hợp tác.
Tổng cục THADS nhiều lần không giải quyết đơn khiếu nại của doanh nghiệp mà "đùn đẩy" xuống cấp dưới. |
Trước sự việc này, Chi cục THADS huyện Đắk R’Lấp đã vào cuộc xác minh điều kiện thi hành án tại BIDV Đắc Nông của Công ty N&S theo đơn đề nghị của Công ty EEMC.
BIDV Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm quy định cho vay
(GDVN) - Là khẳng định của luật sư khi phân tích về vụ việc cho vay, bảo lãnh tín dụng của BIDV Đắk Nông tại Dự án nhà máy thủy điện Quảng Tín (Đắk Nông).
Tại Công văn số 1372 /CV BIDV.DN ngày 04/11/2013 do ông Trần Văn Tích, Giám đốc BIDV Đắk Nông trả lời về các tài sản của Công ty N&S đang thế chấp tại BIDV Đắk Nông theo yêu cầu của Cơ quan thi hành án thì không có tài sản là "nguồn thu điện từ việc bán điện của 02 nhà máy thủy điện Đắc Ru và Quảng Tín của Công ty N&S với Tổng Công ty điện lực miền Trung".
Quá trình xác minh tại Tổng Công ty điện lực miền Trung, Chi cục THADS huyện Đắc R’Lấp đã ra thông báo yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Trung chuyển toàn bộ 80% số tiền bán điện của Công ty N&S về tài khoản tạm giữ của Thi hành án để trả cho công ty EEMC theo quyết định thi hành án.
Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết. |
Sau khi một phần tiền bán điện được chuyền tài khoản tạm giữ tại kho bạc của Cơ quan THADS huyện Đắk R’Lấp thì BIDV Đắk Nông, Công ty N&S có đơn khiếu nại cho rằng toàn bộ tiền bán điện của Công ty N&S đã được thế chấp cho BIDV Đắk Nông và Chi nhánh TPHCM – Công ty tài chính điện lực thành phố Hà Nội theo Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2013/738897/HDBĐ ngày 20/06/2013 được ký giữa 03 bên : BIDV Đắk Nông – Công ty TNHH N&S – Công ty tài chính CP Điện Lực Hà nội/Chi nhánh HCM.
Tại Biên bản giải quyết thi hành án lập ngày 13/03/2014 tại Chi cục THADS huyện Đắk R’ Lấp các bên liên quan (BIDV ĐN + Công ty N&S + Chi nhánh Công ty tài chính ĐL TPHCM ) và Công ty EEMC đã thống nhất số tiền hơn 3 tỷ đồng thu từ nguồn tiền bán điện tháng 12/2013 và các tháng tiếp theo của Công ty N&S sẽ tiếp tục được phong tỏa và gửi tiết kiệm tại ngân hàng chờ các bên thỏa thuận hoặc khởi kiện.
Biên bản chưa ký "ráo mực" thì ngày 29/03/2014, Chi cục THADS huyện Đắk R’ Lấp đã tự ý ra Quyết định số 07QĐ-CCTHA trích hơn 2,5 tỷ đồng từ tài khoản tạm giữ THA chuyển cho Công ty N&S với lý do để Công ty N&S duy tu, bảo dưỡng nhà máy thủy điện Đắk Ru mà không hỏi ý kiến của Công ty EEMC.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng "lên tiếng" về vụ việc. |
Ngày 05/06/2014 Cục THADS tỉnh Đắk Nông ký ngay Báo cáo số 379/CTHDS-NV xin ý kiến Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) đề xuất phương án: Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc chuyển trả số tiền đang tạm giữ không kê biên.
Công ty EEMC có đơn khiếu nại lên Tổng cục THADS, tuy nhiên cơ quan này không xem xét giải quyết mà chuyển đơn xuống Cục THADS tỉnh Đắk Nông để xử lý. Cụ thể, ngày 28/7/2014, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) ký Văn bản số 2288/TCTHADS-NV1 với nội dung: Việc Chi cục THADS huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) thực hiện thu tiền là cần thiết vì tại thời điểm cơ quan THADS thu tiền thì BIDV Đắk Nông chưa cung cấp các hợp đồng thế chấp... Cơ quan THADS chỉ kê biên, xử lý tài sản thế chấp hợp đồng nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 90 Luật THADS. Vậy, Tổng cục THADS chuyển đơn của Công ty EEMC đến Cục THADS Đắk Nông chỉ đạo giải quyết và trả lời Công ty...
Như vậy, mặc dù doanh nghiệp đã có đơn khiếu nại nhưng Tổng cục THADS không xem xét, giải quyết mà lại “đá bóng trách nhiệm” xuống cho cấp dưới.
Ngày 03/11/2014, Cục THADS Đắk Nông có Văn bản 796/CV-CTHA gửi Công ty EEMC cho rằng: Cục THADS tỉnh Đắk Nông xác định đây là vụ việc phức tạp nên đã ban hành Báo cáo số 379/CTHADS-NV ngày 05/6/2014 gửi Tổng cục THADS, báo cáo tình hình thi hành án của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đắk R’Lấp đối với Công ty N&S, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục THADS để có cơ sở chỉ đạo Chi cục THADS huyện Đắk R’Lấp tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc là có cơ sở, đúng pháp luật. Do đó, không có căn cứ để thu hồi và hủy bỏ Báo cáo số 379/CTHADS-NV ngày 05/6/2014 như nội dung khiếu nại của Công ty.
Nhận thấy có dấu hiệu “đùn đẩy, bao che” của Tổng cục THADS, Công ty EEMC tiếp tục có văn bản khiếu nại. Tổng Cục THADS thêm một lần nữa“đá bóng trách nhiệm” khi ban hành Công văn số 4311/TCTHADS-GQKNTC ngày 21/10/2014 với nội dung: Tổng cục THADS nhận thấy khiếu nại của Công ty EEMC thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Luật Khiếu nại năm 2012.
Doanh nghiệp tiếp tục “cầu cứu”, báo cáo sự việc lên Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/11/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8960/VPCP-V.I gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Nông với nội dung: Ông Ngô Tiến Đạt, Giám đốc Công ty EEMC có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Bản án số 02/2013/KDTM-PT ngày 10/7/2013 của TAND tỉnh Đắk Nông đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành. Ông Đạt cho rằng Cục THADS Đắk Nông báo cáo và Tổng cục THADS có văn bản trả lời với nội dung chưa phù hợp; việc Công ty N&S dùng tài sản chưa có quyền sở hữu để thế chấp vay vốn là vi phạm, phải được xử lý theo quy định pháp luật. Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Đạt đến Bộ Tư pháp để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo Văn phòng Chính phủ biết kết quả.
Mới nhất, ngày 13/11/2014, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục “lên tiếng” khi ban hành Công văn số 2283/UBTP13 gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp nội dung đơn của Công ty EEMC để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Dư luận đang đặt câu hỏi, không biết đến lúc này khi cả Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp Quốc hội cùng lên tiếng thì Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) có tiếp tục “đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm” nữa hay không?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.