MC Thùy Linh: Tôi muốn được bắt đầu bằng 1 câu hỏi. Anh Quốc Trung được xem là 1 nhạc sĩ khó tính, chị Thúy Hạnh đã làm nghề tương đối lâu, đã có tên tuổi. Khi anh, chị tham gia làm giám khảo cho những chương trình này, chắc chắn anh chị sẽ phải dành tình cảm của mình cho nó?
Hạnh cảm nhận rằng chương trình này nó ươm mầm tài năng cho tất cả mọi lứa tuổi: từ trẻ nhỏ đến người già. Họ được phép thể hiện niềm yêu thích của họ trên sân khấu. Nếu như không có sân khấu của Tìm kiếm tài năng VN thì họ sẽ không biết thể hiện niềm đam mê ở đâu. Hạnh nhận lời tham gia chương trình này vì điều đó.
Giám khảo Thúy Hạnh của Vietnam Got Talent được mời đến chương trình Văn hóa-Sự kiện-Nhân vật để nói về truyền hình thực tế. |
Quốc Trung: Tôi thì lại không cẩn thận như Thúy Hạnh. Tôi nhận lời vì ê-kip làm việc, tôi cũng nhận lời vì 1 chút tò mò. Và tôi nghĩ mọi chương trình đều hướng đến những điều tốt đẹp. Quan trọng nhất là ê-kíp đồng lòng, công tâm và vô tư.
MC Thùy Linh: Trong chương trình Vietnam Idol, điều tốt đẹp mà anh và ê-kip của mình hướng tới là gì?
Quốc Trung: Tôi nghĩ là mỗi người trong ê-kip đều có 1 mục đích. Người sản xuất thì muốn chương trình thu hút, hấp dẫn, rating cao. Ban giám khảo thì lại có mục đích khác. Tôi luôn yêu thích những thí sinh mang nhiều tư chất nghệ sĩ. Còn những giám khảo khác, người thì muốn thí sinh hát tốt, người thì muốn thí sinh tạo được sự thu hút đối với khán giả.
Điều quan trọng nhất trong 1 show truyền hình thực tế hoặc bất cứ chương trình nào, chúng ta cần đặt nó đúng chỗ, gọi đúng tên và đừng làm cái gì quá với chức năng của nó. Tôi nghĩ 1 chương trình mang tính giải trí thì nên hiểu nó là giải trí.
Tôi đánh giá truyền hình thực tế nó có 1 cái mặt tác dụng tốt là nó là 1 sân chơi kích thích khả năng, sự tự tin, năng khiếu tiềm ẩn trong con người. Nhưng có 1 điểm mà tôi nghĩ tất cả các show truyền hình thực tế, nhất là những show mang tính nghệ thuật, ngoài mặt tốt nó còn có mặt khác là nó kích thích sự háo danh.
Có những người sẵn sàng bôi bác bản thân mình để được lên truyền hình. Trong Vietnam Idol có một số thí sinh sẵn sàng bày những trò lố để được lên sóng. Bản thân fomat chương trình cũng muốn điều đó. Nhưng khán giả có lẽ đều nhận biết được những “chiêu trò” này.
Thúy Hạnh: Em nghĩ ở Việt Nam mình bây giờ, đến năm nay mới hiểu truyền hình thực tế là như thế nào. Trước đây vài năm, họ tự cho mình cái quyền là đưa ra luật của họ.
Sau khi xem chương trình họ cứ thắc mắc là tại sao không phải thế này, tại sao không phải thế kia. Họ không hề hiểu rằng khi một chương trình được viết ra thì đã phải có quy luật của nó. Và những tiết mục được gọi là “lố” thực ra là chương trình muốn đưa lên để nó tạo ra sự giải trí. Mọi người nên hiểu đó là “giải trí” đúng nghĩa.
MC Thùy Linh: Thực ra cái này nó vấp phải vấn đề chuyển giao công nghệ. Tất cả các fomat mà chúng ta mua nó đều đến từ các nước châu Âu. Hai nền văn hóa khác nhau...
Thúy Hạnh: Chính vì thế mà khán giả cần có thời gian để cảm nhận từ từ.
Quốc Trung: Tôi thì tôi nghĩ là thực ra trong truyền hình thực tế nó sẽ nảy ra 1 vấn đề: Khán giả muốn chơi theo luật của họ. Họ được comment nhận xét, được vote… Và dần dần họ sẽ can thiệp vào chương trình, họ sẽ không tin vào mọi kết quả. Dù cho bạn có công tâm thì họ vẫn nghĩ đó là sự dàn dựng
MC Thùy Linh: Tôi nghĩ cả thế giới đều có chung 1 vấn đề. Là khán giả dần dần thấy rằng: Chúng tôi có quyền. Nguyên nhân là bởi truyền thông không đưa ra 1 bức tranh đúng với bản chất của truyền hình thực tế...
Quốc Trung: Tôi nghĩ không phải truyền thông không đưa ra bản chất mà là truyền thông đang “ăn theo” sự hiểu nhầm đó.
MC Thùy Linh: Chắc chắn rằng nhà sản xuất sẽ phối hợp với truyền thông để thu hút sự chú ý vào show truyền hình của mình. Mỗi bên sẽ có 1 phương pháp để thu hút khán giả. Sẽ có phương pháp hay và phương pháp dở để đạt được mục đích của mỗi người?
Thúy Hạnh: Ai cũng có quan điểm riêng và có quyền bảo vệ quan điểm đó. Truyền thông cũng có sự trái chiều của họ. Tùy theo góc nhìn của mỗi phóng viên. Mình không đổ đồng các luồng truyền thông, có những luồng “lá cải”, có những luồng “chính thống”. Những luồng lá cải chỉ muốn giật những tít tiêu cực để câu view.
Quốc Trung: Truyền hình thực tế thiên về cảm xúc. Do đó không thể trách cứ truyền thông. Tôi nghĩ mọi chiều nhìn đều nên theo 1 hướng nhân văn thì sẽ hay hơn là câu view hay sự trù dập. Còn những góc nhìn phản biện, đánh giá chiêu trò… thì cái đó là cái thu hút khán giả, là cái thực tế.
MC Thùy Linh: Việc Yasuy đăng quang, liệu có phải là câu chuyện thỏa thuận giữa nhà sản xuất và BGK? Bởi 1 bên là người có thực lực, có tố chất và 1 bên là người hát bằng bản năng nhưng được số đông khán giả ủng hộ?
Quốc Trung: Tôi xin nói đây hoàn toàn là kết quả rất công minh và chính xác. Không ai trong chúng tôi làm cái điều “thỏa thuận”. Yasuy mang trong mình giấc mơ của rất nhiều người. Một cậu bé rất thật thà, mộc mạc, đã trở thành giấc mơ của nhiều người giữa cuộc sống đầy giả dối thị phi.
Người ta luôn muốn bảo vệ cái hình ảnh mong manh, yếu đuối này. Tôi chỉ băn khoăn là điều này sẽ khiến người ta hiểu lầm rằng: để trở thành 1 idol đôi khi không cần giọng hát, không cần ngoại hình… mà chỉ cần sự thông cảm của mọi người.
MC Thùy Linh: Người ta có 1 tổng kết: Nếu bạn là người giỏi nhất, bạn sẽ không bao giờ là người thứ bét trong các show truyền hình thực tế. Còn nếu bạn là người tệ nhất thì bạn sẽ không bao giờ là người thứ nhất, còn “khúc giữa” sẽ do nhà sản xuất quyết định?
Thúy Hạnh: Tôi không biết ở Vietnam Idol thì như thế nào, còn với Vietnam Got Talent thì “khúc giữa” thường được nhà sản xuất lựa chọn là thí sinh có hoàn cảnh tiêu biểu trong xã hội hiện này. Khi họ đưa ra điều này, sẽ có rất nhiều luồng tư tưởng trái chiều. Tôi nghĩ điều này mang tính nhân văn nếu mọi người hiểu đúng bản chất của nó.
MC Thùy Linh: Khi nãy anh Quốc Trung có nói khán giả đang hiểu không đúng bản chất của các chương trình truyền hình thực tế. Anh có thể cho biết thế nào là bản chất của truyền hình thực tế?
Quốc Trung: Bản chất của nó trước hết là chương trình giải trí. Nó có sự tương tác với khán giả. Nó coi trọng yếu tố cảm xúc hơn cả nghệ thuật. Ví dụ như Vietnam Got Talent, đừng coi đó là cuộc thi tài, nó sẽ là tài năng đích thực bên ngoài. Ở đây không có sự lừa bịp khán giả, nhưng nó cần có sự hỗ trợ để tạo ra những cung bậc cảm xúc riêng cho khán giả.
MC Thùy Linh: Vậy suy cho cùng nó chỉ là 1 chương trình giải trí, tính thực tế ở đây là khi chúng ta xem thì thấy nó thực tế, còn ra ngoài thì nó khác?
Thúy Hạnh: Không phải. Đầu tiên, nó phải dựa trên cái gì đó thực tế, đạo diễn chỉ sắp xếp nó cho phù hợp.
Quốc Trung: Đạo diễn chỉ tạo ra không gian để cảm xúc có thể được thể hiện. Khi ra bên ngoài thì những sự hỗ trợ không còn nữa, khi đó thì sự đón nhận của khán giả sẽ khác hoàn toàn.
MC: Nghĩa là công chúng đừng có nhìn những show truyền hình thực tế một cách lung linh quá để rồi vỡ mộng. Còn người chơi cũng đừng ảo tưởng về 1 tương lai tươi sáng khi ta bước ra khỏi chương trình?
Quốc Trung: Tôi nghĩ là truyền hình thực tế nó khác với showbiz bên ngoài. Ngay cả ở Mỹ, không phải những tài năng bước ra từ gameshow này sẽ đều trở thành ngôi sao.
MC: Tôi thấy ở Việt Nam có 1 bộ phận khán giả đang rất hào hứng với các chương trình thực tế. Nhưng cũng có 1 bộ phận khán giả nghĩ rằng mình là con rối do nhà sản xuất chương trình điều khiển?
Thúy Hạnh: Hãy xem lại lý do tôi và anh Quốc Trung nhận lời tham gia vào truyền hình thực tế. Vì đó là niềm tin của chúng tôi vào BTC.
Quốc Trung: Tôi nghĩ đang có 1 làn sóng truyền hình thực tế mà không tính đến đường dài. Ở đây là định hướng để tạo ra lớp khán giả cho mình. Trong truyền hình thực tế, điều tôi lo lắng là trong mỗi chương trình đều trở thành cuộc đua của các fan club. Có rất nhiều thí sinh chưa có phong cách, chưa có cống hiến nhưng lại dẫn dụ fan club bằng những cái ngoài nghệ thuật.
MC: Theo anh chính những fan club có sự tác động ngược tới chương trình?
Quốc Trung: Thật ra thì các fan club không có tác dụng nhiều khi thí sinh vào tới top 4, top 5. Nhưng nó tạo ra 1 lớp văn hóa đối với nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ.
Thúy Hạnh: Cũng có những fan club làm đúng theo chủ đích tốt đẹp của nghệ sĩ. Nhưng cũng có những fan club tự phát đã làm xấu hình ảnh của nghệ sĩ.
MC: Truyền hình thực tế đã phát triển trên thế giới hàng chục năm nay, công chúng trên thế giới cũng chỉ coi nó là 1 gamshow giải trí. Nhưng ở Việt Nam hình như mọi người chưa hiểu rõ truyền hình thực tế nó sẽ kết thúc, còn có thể đi tiếp để khẳng định mình hay không thì tùy thuộc vào khả năng và nghị lực của mỗi người?
Thúy Hạnh: Có nhiều thí sinh bị ảo tưởng. Khi họ đạt được vinh quang ở chương trình truyền hình thực tế, họ không chấp nhận thực tế là đó chỉ là một gameshow.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung: Hãy nhìn nhận truyền hình thực tế theo đúng bản chất của nó. |
Thúy Hạnh: Các bạn trẻ khi tham gia truyền hình thực tế cần biết rằng sau khi chương trình kết thúc, khán giả đón nhận họ bằng sự tò mò. Nhưng khi sự tò mò qua đi, họ cần chứng thực được tài năng và thực lực của mình.
Quốc Trung: Điều khắc nghiệt nhất của truyền hình thực tế là nó tạo cho nghệ sĩ trẻ 1 đỉnh cao hào quang một cách đột ngột. Nhưng sau đó, họ sẽ phải tự mình bước tiếp với cái đỉnh cao ấy, phải gìn giữ và phát huy nó, đó mới là điều khó khăn.
MC: Theo anh chị thì truyền hình thực tế là 1 câu chuyện hay hay là nó là một câu chuyện còn mông lung đối với công chúng Việt Nam?
Thúy Hạnh: Điều đó tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nếu ta coi đó chỉ là một chương trình giải trí thì nó hay. Còn nếu cứ coi đó là một phép màu để thay đổi cuộc đời thì nó là dở.
Quốc Trung: Tôi nghĩ những người làm chương trình nên định hướng cho khán giả và người tham gia hiểu được bản chất của chương trình.
Thúy Hạnh: Khi mà có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế cùng xuất hiện thì cuộc đua ngầm giữa các công ty sản xuất ngày càng mạnh. Họ đã dùng truyền thông để hỗ trợ cho cuộc đua của họ. Chính điều này đã khiến công chúng hiểu sai bản chất của vấn đề.
MC: Chúng ta hãy nhìn nhận truyền hình thực tế đúng với bản chất của nó, là một show giải trí! Cảm ơn nghệ sĩ Quốc Trung và người mẫu Thúy Hạnh đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay.