Những ngày qua, bài báo khoa học “Moderating role of green knowledge sharing and employee green behavior among the relationship of green supply chain management, green entrepreneurship, and sustainable development goal: evidence from Vietnam textile sector” của nhóm tác giả người Việt đăng trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer) đã bị rút khiến dư luận xôn xao.
Bài báo này được xuất bản vào ngày 31/3/3023 và bị rút vào ngày 21/9/2024, (chi tiết https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-023-26338-1). Đáng chú ý, phía dưới bài báo này nêu: "This research is funded by Vietnam National Foundation for Science and Technology Development (NAFOSTED) under grant number 502.02–2020.26". (Tạm dịch: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) theo mã số 502.02–2020.26).
Trong thông báo rút bài đăng trên cổng thông tin tra cứu SpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer Nature), nhà xuất bản cho biết, việc rút bài này căn cứ trên sự đồng thuận giữa Nhà xuất bản và Tổng biên tập của tạp chí.
Một cuộc điều tra do Nhà xuất bản tiến hành đã phát hiện bài báo này nằm trong một nhóm bài có một số vấn đề đáng lo ngại, liên quan đến việc thao túng phản biện, trích dẫn không phù hợp hoặc không liên quan. Dựa theo kết quả điều tra, nhà xuất bản và tạp chí không còn tin tưởng vào các kết quả và kết luận của bài báo.
Trong thông báo rút bài, nhà xuất bản cho biết tác giả liên hệ là Thi Thu Hien Phan (có thể là Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Ngoại Thương) đã không phản hồi tạp chí về vấn đề rút bài báo.
Theo tìm hiểu, trước đó, bài báo "How green finance and financial development promote green economic growth: deployment of clean energy sources in South Asia" (cùng mã đề tài 502.02-2020.26), được xuất bản ngày 29/4/2022 và bị rút vào ngày 9/7/2024. (Chi tiết: https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-022-19947-9).
Đặc biệt, phía dưới bài báo này có nêu: “This research is partly funded by Vietnam National Foundation for Science and Technology Development (NAFOSTED) under grant number 502.02-2020.26.” (Tạm dịch: Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam, theo mã số 502.02-2020.26).
Điều này làm dấy lên những lo ngại về việc bài báo khoa học từ các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ NAFOSTED bị rút có thể gây lãng phí nguồn ngân sách.
Theo danh mục đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và nhân văn do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ (hồ sơ năm 2020 đợt 1) kèm theo Quyết định số 53/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia có tài trợ đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tới hiệu quả tài chính và phát triển bền vững trong các doanh nghiệp Việt Nam" mã số 502.02-2020.26, chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền. Đề tài thuộc ngành Kinh tế học.
Sau vụ việc trên, nhiều ý kiến gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ mong muốn tìm hiểu thông tin về điều kiện, tiêu chí, quy trình Quỹ NAFOSTED xem xét tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh đó là nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm của các nhà khoa học trong vấn đề liêm chính nghiên cứu khi được nhận tài trợ của quỹ này.
Có bài báo khoa học là một trong các yêu cầu với đề tài do NAFOSTED tài trợ
Theo tìm hiểu, đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ được quản lý theo quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 4, Thông tư 37 nêu, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam xem xét tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản do tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học đề xuất, phù hợp với các hướng nghiên cứu cơ bản do Quỹ công bố, bao gồm: Đề tài mang tính thăm dò, khám phá; đề tài nhằm phát triển các hướng nghiên cứu đã đạt được những kết quả bước đầu, các nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện tại Việt Nam.
Về thời gian thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài, đối với đề tài nghiên cứu lý thuyết, yêu cầu thời gian thực hiện không quá 24 tháng. Đối với đề tài nghiên cứu thực nghiệm, thời gian thực hiện không quá 36 tháng. Đối với đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, căn cứ đề xuất của chủ nhiệm đề tài và kiến nghị của Hội đồng Khoa học, Hội đồng Quản lý Quỹ NAFOSTED xem xét, quyết định thời gian phù hợp để thực hiện đề tài.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.
Kết quả nghiên cứu của đề tài trong lĩnh vực xã hội và nhân văn phải đáp ứng một trong các yêu cầu: Có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín; Có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Trường hợp vấn đề nghiên cứu không thể công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, kết quả đề tài phải có ít nhất 01 sách chuyên khảo (đã xuất bản hoặc dưới dạng bản thảo được đánh giá đủ điều kiện để xuất bản) và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín. Hội đồng khoa học đề xuất các trường hợp này để NAFOSTED xem xét, quyết định.
Đề tài mang tính thăm dò, khám phá, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.
Công trình công bố quy định phải chú thích là kết quả nghiên cứu của đề tài được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ.
Tiêu chí, quy trình thực hiện đánh giá xét chọn đề tài
Về phương thức, tiêu chí đánh giá xét chọn đề tài, Quỹ NAFOSTED thực hiện việc đánh giá xét chọn đề tài thông qua Hội đồng khoa học.
Tiêu chí đánh giá xét chọn đề tài, bao gồm: Sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu và sự phù hợp với hướng nghiên cứu cơ bản được NAFOSTED tài trợ; Tính mới, tính sáng tạo của vấn đề nghiên cứu được đề xuất; Mục tiêu, nội dung rõ ràng; phương pháp và kế hoạch nghiên cứu phù hợp để đạt được mục tiêu; Năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu, điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức chủ trì phục vụ nghiên cứu; Kết quả dự kiến, khả năng thành công của đề tài, ý nghĩa khoa học và triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu; Đóng góp đào tạo sau đại học; Dự toán kinh phí nghiên cứu hợp lý.
Về phê duyệt và công bố danh mục đề tài được tài trợ, Cơ quan điều hành Quỹ lập báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá xét chọn đề tài, nhận xét về sự phù hợp của quá trình đánh giá và trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định. Căn cứ báo cáo của Cơ quan điều hành Quỹ về kết quả đánh giá xét chọn đề tài và khả năng tài chính của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định phê duyệt các đề tài được Quỹ tài trợ.
Trường hợp cần thiết, Hội đồng quản lý Quỹ lấy thêm ý kiến của chuyên gia đánh giá độc lập trước khi quyết định. Quỹ công bố danh mục các đề tài được tài trợ trên Cổng thông tin điện tử của Quỹ.
Về thẩm định hồ sơ và phê duyệt kinh phí đề tài, cơ quan điều hành Quỹ tổ chức thẩm định nội dung thuyết minh đề cương và dự toán kinh phí của đề tài theo quy định của Hội đồng quản lý Quỹ. Căn cứ kết quả thẩm định, Cơ quan Điều hành Quỹ trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt kinh phí của các đề tài. Cơ quan điều hành Quỹ gửi thông báo tài trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết đến tổ chức, cá nhân được nhận tài trợ để hoàn thiện thuyết minh đề tài theo nội dung và kinh phí được phê duyệt.
Năm 2024, Quỹ NAFOSTED cấp kinh phí dự kiến từ 1,5-2,5 tỷ đồng/đề tài
Phóng viên tiến hành tra cứu thông tin về kinh phí Quỹ NAFOSTED tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội nhân văn năm 2020 trên website https://nafosted.gov.vn/ nhưng không tìm thấy thông tin.
Theo thông báo về chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn năm 2024, quỹ NAFOSTED tiếp nhận và xem xét tài trợ hồ sơ đăng ký đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc các ngành, liên ngành Triết học, Chính trị học, Xã hội học; Kinh tế học; Luật học; Tâm lý học, Giáo dục học; Sử học, Khảo cổ học; Văn học, Ngôn ngữ học; Văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, Thông tin đại chúng và truyền thông, trong đó ưu tiên tài trợ đối với các đề tài đăng ký sản phẩm là 02 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong danh mục SSCI, AHCI của Web of Science, các đề tài có đào tạo tiến sĩ (nghiên cứu sinh tham gia đề tài là đồng tác giả của ít nhất 01 bài báo ISI có uy tín là sản phẩm của đề tài).
Kinh phí dự kiến từ 1,5-2,5 tỷ đồng/01 đề tài, tương ứng với nội dung trong thuyết minh và sản phẩm đăng ký, phù hợp với định mức công lao động khoa học quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08/05/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thời gian triển khai dự kiến chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn năm 2024 cụ thể như sau:
Nhà khoa học nhận tài trợ từ NAFOSTED phải tuân thủ 11 quy định về liêm chính nghiên cứu
Trước đó, năm 2022, NAFOSTED đã ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu đối với việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do quỹ này tài trợ, hỗ trợ.
Quy định áp dụng đối với nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì, đơn vị nghiên cứu do quỹ tài trợ, hỗ trợ; cơ quan điều hành của quỹ, chuyên gia đánh giá; hội đồng khoa học của Quỹ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Quy định này xác định 4 nguyên tắc đảm bảo liêm chính nghiên cứu, bao gồm: Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu; Trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện nghiên cứu; Chuyên nghiệp và công bằng trong hợp tác nghiên cứu và đánh giá khoa học; Quản lý tốt nguồn lực và triển khai nghiên cứu.
Quy định cũng đặt ra 11 trách nhiệm của nhà khoa học tham gia các nhiệm vụ do quỹ này tài trợ, hỗ trợ.
Thứ nhất, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy đối với nghiên cứu do mình tham gia thực hiện. Không sao chép kết quả nghiên cứu của chính mình, của người khác và xem đây là kết quả nghiên cứu mới. Tham chiếu, trích dẫn đầy đủ các kết quả nghiên cứu và ý tưởng khoa học của các tác giả khác mà công trình nghiên cứu tham khảo, sử dụng.
Thứ hai, phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định và chính sách liên quan đến nghiên cứu.
Thứ ba, phải sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, đưa ra kết luận dựa trên phân tích khoa học, báo cáo kết quả và lập luận một cách đầy đủ, khách quan.
Thứ tư, nhà khoa học lưu trữ tài liệu, hồ sơ các nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ, rõ ràng và chính xác để có thể thẩm định hoặc mô phỏng lặp lại trong các trường hợp cần thiết.
Thứ năm, phải chia sẻ công khai và kịp thời dữ liệu và kết quả nghiên cứu trong phạm vi cho phép.
Thứ sáu, nhà khoa học chịu trách nhiệm đối với các nội dung công việc và kết quả nghiên cứu do mình thực hiện trong các công trình công bố, hồ sơ đăng ký tài trợ, báo cáo và tài liệu có liên quan khác. Danh sách tác giả phải bao gồm đầy đủ và chỉ những người đáp ứng được các tiêu chí về quyền tác giả. Thông tin của tác giả phải ghi đúng theo thực tế (địa chỉ, email theo cơ quan công tác hoặc tổ chức khoa học và công nghệ nơi tác giả thực hiện nghiên cứu tại thời điểm gửi đăng công trình).
Thứ bảy, ghi nhận trong các công trình công bố (mà mình là tác giả) vai trò của các cá nhân hay tổ chức đã có đóng góp quan trọng cho nghiên cứu (bao gồm nhà tài trợ, bảo trợ và những người liên quan khác) nhưng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí làm đồng tác giả.
Thứ tám, công khai các xung đột lợi ích có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các đề xuất nghiên cứu, công trình công bố.
Thứ chín, hạn chế bình luận chuyên môn ngoài lĩnh vực nghiên cứu chính của mình khi tham gia vào các cuộc thảo luận công khai về ứng dụng và tầm quan trọng của các kết quả nghiên cứu. Phân biệt rõ ý kiến chuyên môn và nhận định dựa trên quan điểm cá nhân.
Thứ mười, phải báo cáo về việc vi phạm liêm chính nghiên cứu. Báo cáo cho cơ quan thẩm quyền khi có nghi ngờ về hành vi sai trái trong nghiên cứu bao gồm giả mạo, làm sai lệch, đạo văn hoặc các hành vi thiếu trách nhiệm khác làm giảm độ tin cậy của nghiên cứu, ví dụ như bất cẩn, liệt kê sai danh sách tác giả, không báo cáo dữ liệu mâu thuẫn hoặc sử dụng các phương pháp phân tích sai lệch.
Cuối cùng, các nhà khoa học cần nhận thức nghĩa vụ đạo đức, cân nhắc lợi ích và rủi ro đối với xã hội trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Khi có thông tin về vi phạm liêm chính nghiên cứu của nhà khoa học, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ do quỹ NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ cần thực hiện 3 bước: Yêu cầu nhà khoa học và tổ chức có liên quan giải trình; tổ chức đánh giá thông tin thông qua Hội đồng khoa học, chuyên gia đánh giá độc lập hoặc Hội đồng đánh giá độc lập; Đề xuất phương án xử lý, trình Hội đồng quản lý NAFOSTED xem xét, quyết định.
Trường hợp có kết luận về việc vi phạm liêm chính nghiên cứu, NAFOSTED sẽ xử lý như đối với trường hợp vi phạm đạo đức khoa học quy định tại các thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quản lý nhiệm vụ do quỹ tài trợ, hỗ trợ và các văn bản hiện hành khác.