Sáng 21/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Xã hội hóa trong y tế rất cần thiết
Đề cập vấn đề xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội (phương án 1).
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên vẫn còn chưa hợp lý, cần quy định theo hướng: Phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như Phương án 2 Điều 105.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Nhấn mạnh việc sớm ban hành luật này là yêu cầu cấp bách, là sự mong đợi từng ngày từng giờ của ngành y tế cũng như người dân, tạo khuôn khổ pháp lý mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng, cũng như ngành y tế hoạt động thuận lợi hơn, thể hiện được vai trò và được xã hội công nhận, bảo vệ, tạo điều kiện, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, còn những nội dung lớn trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, có đề xuất mới chưa được đánh giá tác động và một số vấn đề chưa đảm bảo thống nhất, liên thông trong hệ thống luật.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết nội dung xã hội hóa, tài chính y tế nếu được đưa vào luật thì kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Ví dụ về tự chủ bệnh viện, bà Đào Hồng Lan khẳng định đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.
“Tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ? Vì Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ được quy định. Thời điểm này chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề xin dừng để chuyển sang thực hiện theo pháp luật và đã được Chính phủ cho phép là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật” – bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, xã hội hóa trong y tế cũng rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.
Nhân viên y tế từ công sang tư không thể coi là "chảy máu chất xám"
Liên quan tới vấn đề đội ngũ cán bộ y tế chuyển từ công sang tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nói đây là "chảy máu chất xám" thì không đúng: Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh em chuyển sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, nhân dân vẫn được hưởng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.
Số liệu thống kê từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022 của Bộ Y tế cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó, 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.
Có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Một số tỉnh, thành có số viên chức thôi việc, bỏ việc cao như Thành phố Hồ Chí Minh có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu ý kiến phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và có biện pháp cụ thể bảo vệ trên thực tế vì thời gian qua có tình trạng hành hung, xâm phạm đội ngũ này.
Thiết kế quy định phải đảm bảo thống nhất với các luật khác. Bên cạnh đó, cân nhắc có lực lượng, công cụ thực hiện công tác này chứ “bác sĩ bỗng dưng bị tấn công thì làm sao tự bảo vệ được”; rồi cơ sở khám chữa bệnh được làm những việc gì ban đầu để bảo vệ y, bác sĩ...
Trước đó, sáng 19/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2022 dự kiến sẽ diễn ra trong 5,5 ngày làm việc, sẽ xem xét 17 nội dung, gồm 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết, 4 chuyên đề giám sát và 1 nội dung về vấn đề quan trọng để trình Quốc hội, trong đó, nội dung trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, là xương sống cho ngành y tế, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương. Dự án Luật đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua. Qua thảo luận, nhiều nội dung trong dự án luật này vẫn cần thảo luận, phân tích kỹ lưỡng hơn để đảm bảo dự án luật hoàn thiện đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.