“Quyền lực không được kiểm soát, anh hùng cũng có thể biến thành tội phạm”

29/07/2021 07:43
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Điều đó chứng tỏ rằng, quản lý cán bộ chúng ta nói là một chuyện và người thực thi nhiệm vụ lại là một câu chuyện khác”, ông Thuyền nhận định.

Tồn tại nhiều lỗ hổng trong công tác cán bộ

Ngày 27/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), là doanh nghiệp Tỉnh ủy Bình Dương chi phối vốn.

Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Những vi phạm của cá nhân ông Trần Văn Nam đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận: với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngoài ra, ông Nam còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước và những sai phạm khác.

Đáng chú ý, khi vụ án Tổng công ty 3/2 đang được điều tra, ông Trần Văn Nam vẫn lần lượt tái cử các chức danh như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (sau đó Hội đồng bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội).

Mặc dù các chức danh này của ông Trần Văn Nam bị cách hoặc không được công nhận ngay khi phát hiện có dấu hiệu sai pham. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn đặt ra rằng, công tác cán bộ của chúng ta bấy lâu nay được xem là chặt chẽ vậy tại sao vẫn tồn tại những cán bộ như ông Nam suốt một thời gian rất dài, thậm chí còn kinh qua nhiều vị trí quan trọng đứng đầu tỉnh?

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh Quochoi.vn)

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh Quochoi.vn)

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho biết: "Vụ việc của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương không phải là trường hợp duy nhất. Từ những năm trước, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cán bộ cấp cao phải đứng chịu tội trước vành móng ngựa vì những sai phạm đã gây ra.

Điều đó chứng tỏ rằng trong công tác quản lý, đánh giá, xem xét, quy hoạch cán bộ và giám sát quyền lực của cán bộ có nhiều sơ hở, để lọt cán bộ tiêu cực, tham nhũng. Thực tế cho thấy chưa bao giờ phát hiện và xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm nhiều như thời gian vừa qua.

Mỗi kỳ đại hội chúng ta làm các quy trình rất chặt chẽ, đánh giá cán bộ qua bốn, năm khâu, thế nhưng những người như ông Nam vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương và giới thiệu để vào tiếp tục trở thành Đại biểu Quốc hội.

Sai phạm và tiêu cực này không phải hình thành mới đây mà đã tồn tại rất nhiều năm. Điều này cho thấy, quy hoạch, đánh giá, nhận xét cán bộ còn nhiều lỗ hổng cần phải được xem xét".

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, các cán bộ sai phạm hầu hết được phát hiện khi đã ngồi vào các vị trí cao. Tất nhiên, chúng ta đã làm rất kỹ và thường xuyên có các quy định, quy chế phù hợp với diễn biến thực tế nhằm ngăn chặn, không để cán bộ tiêu cực, tham nhũng lọt vào Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, thực tế là vẫn có nhiều người sai phạm mà vẫn trúng cử và chỉ bị phanh phui khi mà Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt xử lý như những năm vừa qua.

“Chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực xử lý rất mạnh trong công tác cán bộ, thực tế là đã kiểm tra, xử lý sai phạm với nhiều cán bộ địa phương và trung ương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại chuyện quản lý, đánh giá cán bộ, quy trình thì chặt chẽ nhưng vẫn lọt những kẻ sai phạm, cơ hội”, ông Thuyền nhận định.

Hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy định nghiêm ngặt, rõ ràng, chặt chẽ, tuy nhiên trên thực tế nhiều cán bộ vi phạm tiêu cực trong một thời gian dài vẫn được bao che, tạo điều kiện, giúp đỡ để được lên lãnh đạo cao nhất tại địa phương.

Điều đáng nói ở đây là mỗi khi phát hiện ra các cán bộ sai phạm, người ta chất vấn và hỏi trách nhiệm này thuộc về ai nhưng nhận được câu trả lời là đã là đúng quy trình. Vậy để những cán bộ như ông Trần Văn Nam có thể tồn tại được trong đội ngũ cán bộ cấp cao, kinh qua rất nhiều vị trí chủ chốt là do quy trình đúng hay sai?

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, công tác đánh giá cán bộ hết sức quan trọng. Hiện tại tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ vẫn còn nhiều. Chúng ta để lọt lưới cán bộ sai phạm thì chứng tỏ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, giám sát quyền lực của chúng ta cần xem lại, chấn chỉnh lại.

“Chúng ta phải thật sự xem xét lại công tác kiểm soát quyền lực. Khi trao một số quyền lực nhất định thì con người có thể thay đổi. Hôm nay có thể là anh hùng, nhưng ngày mai có thể trở thành tên tội phạm, bởi vì trong quá trình kiểm tra giám sát chúng ta làm không kỹ, không răn đe, không giáo dục dẫn đến tính tự kiêu, tự mãn của chủ nghĩa cá nhân phát triển mà không phát hiện kịp thời”, ông Thuyền cảnh báo.

Chúng ta xây dựng hệ thống giám sát từ trên xuống dưới, có vẻ chặt chẽ nhưng không tìm ra, phát hiện ra sai phạm thì cần phải chỉnh đốn lại.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Công tác cán bộ những năm gần đây đã có bài bản tuy nhiên thực hiện chưa chuẩn. Nhiều cơ quan giám sát được hình thành nhưng không động đến vấn đề nóng trong cuộc sống.

Các cơ quan giám sát phải gần dân, tăng cường sự giám sát lắng nghe ý kiến từ người dân.

Thực tế, người dân có khi đã phát hiện ra sai phạm, đã tố cáo nhưng cơ quan chúng ta thường có thói quen chuyện nhỏ bỏ qua. Sự tồn ứ lâu ngày, không lắng nghe ý kiến từ nhân dân cũng là một trong những nguyên do không phát hiện ra cán bộ tha hóa, biến chất, sai phạm”.

Công tác phê bình, tự phê bình chỉ là hình thức?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh Cao Kim Anh)

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh Cao Kim Anh)

Vụ việc xảy ra tại Tỉnh ủy Bình Dương được ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem là một sự việc rất đáng buồn, bởi sai phạm này không chỉ một mình cá nhân cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương gây ra mà còn có nhiều cá nhân giữ vị trí lãnh đạo ở tỉnh cùng tham gia.

“Đây là một tập thể quan trọng, đầu não của tỉnh ủy, là nhân sự nòng cốt để phát triển địa phương, nhưng lại vi phạm những điều pháp luật cấm, để kết cục phải rơi vào vòng lao lý.

Đây là biểu hiện của sự tê liệt trong đội ngũ lãnh đạo, tê liệt sức chiến đấu trong tập thể cán bộ, đảng viên tại địa phương. Người ta nói cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra, đây không chỉ là một cái kim mà là khối tài sản lớn của nhân dân, đất nước bị sai phạm trong một thời gian dài. Đó là một điều đau đớn”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, cần phải nghiêm túc xem xét khi mà mỗi kỳ đại hội đều có nghị quyết xây dựng chỉnh đốn đảng, thế nhưng vẫn tồn tại những trường hợp đảng viên, cán bộ cấp cao sai phạm liên tiếp, qua nhiều vị trí, nhiều nhiệm kỳ như ông Trần Văn Nam. Điều đáng nói, đây không phải trường hợp đầu tiên mắc sai phạm, bị khởi tố điều tra trong những năm trở lại đây.

“Chúng ta lập ra các cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát cấp ủy và những người đó phải có trách nhiệm khi sai phạm xảy ra bởi chưa thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Phải kiểm tra lại từng cá nhân, phải biết ai là người theo dõi tỉnh ủy Bình Dương và theo dõi tại sao không biết sai phạm xảy ra trong thời gian lâu dài như vậy?

Chúng ta có một cái mạch lãnh đạo chỉ đạo về mặt hình thức rất gắn bó và ngày một chính quy, hiện đại nhưng tại sao không nắm được cán bộ vi phạm?”, ông Hùng nhận định.

Một trong những việc theo ông Vũ Quốc Hùng để hạn chế sai phạm, kiểm soát quyền lực của cán bộ là thông qua giám sát nhân dân: "Cuối mỗi năm chúng ta đều có kiểm điểm trên các hiệu quả công việc được giao. Kết quả kiểm điểm luôn luôn tốt nhưng sai phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra. Điều đó chứng tỏ có sự bao che, bưng bít để gây ra sai phạm. Như vậy, công tác phê bình, tự phê bình chỉ tồn tại ở mặt hình thức, chỉ là những đánh giá qua loa, không hiệu quả.

Kinh nghiệm từ Nghị quyết Trung ương 6, lần 2, khóa VIII, thì mọi tổ chức đảng đến cuối năm đều phải hỏi ý kiến dân, hỏi ý kiến các tổ chức đảng cấp dưới. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những công tác này không được chú trọng, chỉ làm hình thức, quan liêu.

Cơ chế giám sát thông qua nhân dân phải được triển khai mạnh mẽ hơn. Cán bộ phải gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, có như vậy thì những điều lệ, cơ chế, chính sách và ngay cả những chỉ đạo mới được thực hiện sâu sát và hiệu quả. Từ đó công tác phòng, chống tham nhũng mới là một cuộc cách mạng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng".

Cao Kim Anh