Theo The Conversation, đối với Washington khủng hoảng Ukraine là một cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga hơn là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này. Nó đã trở thành cuộc chiến chống lại sự khiêu khích trật tự thế giới mà Mỹ đã nỗ lực chăm chỉ tạo ra sau Chiến tranh Lạnh.
Nga đã không đi theo con đường này và phương Tây tin rằng Moscow đang thách thức trật tự an ninh của châu Âu, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu. Trong khi đó, người Nga tin rằng cuộc chiến mà họ đang theo đuổi là để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Tuy nhiên, sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Mỹ và Nga đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington nghĩ đến những tác động địa chính trị lâu dài với Trung Quốc. Họ tin rằng, nếu không có giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Ukraine, ngư ông đắc lợi lớn nhất có thể là Trung Quốc.
Theo The Conversation, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy Nga tiến gần hơn với Trung Quốc, quốc gia đang đe dọa vị trí số 1 của Mỹ về kinh tế lẫn quân sự. Nếu Mỹ và châu Âu không hàn gắn quan hệ với Nga, Trung Quốc sẽ chiếm được vị trí thống trị của Mỹ nhanh hơn.
Hơn nữa, Trung Quốc và Nga còn có rất nhiều điểm chung khác. Trung Quốc rất cần các nguồn lực mà Nga đang có, trong khi Moscow lại đang cần tiền bạc của Bắc Kinh. Lợi ích địa chính trị của Moscow và Bắc Kinh cũng giống nhau. Cả hai đều không muốn Mỹ mở rộng ảnh hưởng tới khu vực của họ và không muốn một thế giới do Mỹ thống trị.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy Nga mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về dài hạn, hành động này có thể gây ra hệ quả là biến Bắc Kinh trở thành một đối thủ của chính Moscow. Nga đang giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và trở nên mạnh hơn, nhưng lại khiến chính mình yếu đi.
Bàn về giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên, The Conversation cho rằng Mỹ nên tiếp tục đàm phán với Moscow để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần phải suy nghĩ về cách làm thế nào để hình thành tam giác sức mạnh Mỹ-Nga-Trung. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ đồng ý rằng chính Trung Quốc là nước đặt ra thách thức địa chính trị nghiêm trọng với nước này trong thế kỷ 21 chứ không phải Nga.
Nhưng tại thời điểm này, chính sách của Mỹ (và châu Âu) đang đẩy hai đối thủ chính của họ xích lại gần nhau. Điều này là một sai lầm về địa chính trị. Nếu sự rạn nứt Mỹ-Nga không lành, Trung Quốc sẽ là ngư ông đắc lợi./.