Ranh giới giữa tặng quà Tết tình cảm và vụ lợi là rất mong manh

04/02/2024 06:44
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia cho rằng, cần loại bỏ suy nghĩ rằng Tết là dịp “lại quả” thì mới chấm dứt được sự biến tướng văn hóa biếu quà Tết trở thành tham nhũng.

Biếu quà Tết từ lâu được xem là một nét văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, khi món quà đó trao đi với mục đích chạy chọt, nâng đỡ, xin - cho thì ý nghĩa của nó đã bị biến tướng, bóp méo. Một số vụ án được xét xử vừa qua cho thấy, có cán bộ nhận hối lộ quà hình thức "quà Tết".

Báo Tuổi trẻ đưa tin ngày 17/10/2023, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh Vũ Liên Oanh bị tuyên phạt 15 năm tù về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ". Ngoài ra, ông Ngô Vui (cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính) lãnh mức án 11 năm tù, ông Hà Huy Long (cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính) cũng bị tuyên 6 năm tù.

Các bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ từ bà Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Tập đoàn NSJ). Theo đó, bà Oanh nhận 14 tỷ đồng, ông Ngô Vui nhận 14,8 tỷ đồng, ông Hà Huy Long nhận gần 1,9 tỷ đồng. [1]

Được biết, số tiền hối lộ được thực hiện thông qua các món quà cảm ơn dịp lễ Tết từ năm 2016-2019.

Hay vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ cũng khiến dư luận xôn xao. Bà Bùi Thị Lệ Phi - cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị tuyên án 8 năm tù.

Từ tháng 5/2011 đến tháng 12/2019, với vai trò là giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, trực tiếp quản lý vốn của Nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, bà Bùi Thị Lệ Phi bàn bạc, thống nhất với Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group) để các công ty của Nga trúng thầu với giá thiết bị do Nga đưa ra, gây thiệt hại cho Nhà nước 32,6 tỉ đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu xong 4 gói thầu, bà Phi đã nhận 3 tỷ đồng cho cá nhân từ Hoàng Thị Thúy Nga và nhận thêm 200 triệu đồng quà Tết cho Sở Y tế Cần Thơ. [2]

Để ngăn chặn tình trạng biếu, tặng quà Tết trái quy định các cơ quan của Đảng, Chính phủ đều có chỉ đạo quyết liệt. Ngày 23/11/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: “Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi... Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm”.

Xây dựng văn hóa liêm chính, ngăn biếu quà Tết biến tướng thành 'đưa, nhận hối lộ'

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, những năm gần đây Trung ương đã ban hành một số chỉ thị về việc không tặng quà Tết cho thấy, đây là vấn đề rất đáng quan tâm và quan trọng với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, biếu quà Tết là một phong tục, nét văn hóa từ lâu đời, có rất nhiều ý nghĩa và giá trị khác nhau đối với người Việt. Đó là sự gắn kết tình cảm, thể hiện nghĩa tình, thay cho lời cảm ơn chân thành đối với những người quan trọng đã giúp đỡ mình trong năm vừa qua, tạo ra sự kết nối xã hội…

Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với các yếu tố lợi ích vật chất chen vào các mối quan hệ xã hội, trong một số trường hợp, nét văn hóa này lại bị lợi dụng, biến tướng. Tặng quà Tết trở thành hình thức để “lại quả”, trục lợi, hối lộ, tham nhũng, tạo ra sai lệch, rối loạn trong mối quan hệ xã hội khác. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, nhiều vụ sai phạm được đưa ra xét xử như Việt Á,… cho thấy rất nhiều trong số đó đến từ tặng quà Tết như là một cách để hợp lý hóa hành vi hối lộ, tham nhũng.

Phóng viên băn khoăn, dù đã có các quy định, chỉ thị nhưng qua một số vụ án liên quan đến tham nhũng được đưa ra xét xử cho thấy, quan chức nhận hối lộ, qua các món quà Tết vẫn xảy ra. Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận: “Có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc dù đã ban hành rất nhiều văn bản nhưng không giải quyết rốt ráo được vấn đề này.

Thứ nhất, tặng quà là một thói quen của người Việt. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt đều mong muốn gửi những món quà tốt đẹp cảm ơn những người đã giúp đỡ mình. Khi đã là thói quen thì không phải cứ nói bỏ là bỏ ngay được.

Tôi đồng ý rằng, việc tặng quà ngày Tết là một nét phong tục tốt đẹp, chứa đựng nhiều giá trị để gìn giữ các mối quan hệ xã hội, việc loại bỏ hoàn toàn tục tặng quà Tết vì những lý do tiêu cực không phải là giải pháp bền vững. Chúng ta chỉ loại bỏ những biến tướng của tục tặng quà, vì dù nhỏ thôi, những những biến tướng này rất nguy hại đến đạo đức xã hội và tổn hại đến nhiều quan hệ kinh tế - xã hội khác. Tuy nhiên, ranh giới giữa tặng quà tình cảm và vụ lợi rất mong manh, kèm theo chủ đích không trong sáng của cả bên tặng quà và bên nhận quà tặng khiến cho việc tặng quà này càng khó xác định động cơ vụ lợi và khó phát hiện.

Thứ hai, cần nhấn mạnh trách nhiệm làm gương của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng. Trước đây, báo chí cũng có nêu một số cán bộ, lãnh đạo trả lại quà tặng, tuy nhiên hành động đó mới chỉ lẻ tẻ, “một cánh én không làm nên mùa xuân”. Khi hành động đó chỉ là cá biệt, đơn lẻ, không nhận được sự hưởng ứng của số đông “nhận quà và không báo cáo”, thì rõ ràng là rất khó tạo ra hiệu quả thực sự và bền vững.

Thứ ba, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng trong việc tặng quà để các văn bản khi ban hành mang lại hiệu lực, hiệu quả tốt".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, nhất thiết cần loại bỏ suy nghĩ rằng Tết là dịp “lại quả”, hối lộ, và trông chờ quà Tết để quyết định hành vi công vụ, thì mới chấm dứt được sự biến tướng văn hóa biếu quà Tết trở thành hình thức tham nhũng, trục lợi, cho những động cơ không trong sáng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, đây là một nhiệm vụ rất khó, nhưng không không phải không thực hiện được. Bên cạnh các giải pháp tổng thể thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự, xây dựng một xã hội đề cao các giá trị văn hóa, thượng tôn pháp luật là giải pháp lâu dài.

"Chúng ta phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích. Xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm. Rõ ràng cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Hối lộ trá hình qua món quà Tết ngày càng tinh vi

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, hiện nay không còn cảnh phản cảm “rồng rắn xếp hàng” đến nhà lãnh đạo biếu quà vào mỗi dịp Tết mà người ta tặng - nhận quà rất kín đáo, với nhiều hình thức khác nhau.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

“Họ không đưa quà cáp lỉnh kỉnh vì dễ bị phát hiện, thay vào đó có nhiều cách tặng quà kín đáo, gọn gàng hơn như một chiếc phong bì, phong thư hay một giỏ hoa quả nhưng “có giá trị lớn”. Họ không tặng trực tiếp tại cơ quan mà đến nhà riêng, có thể không tặng trực tiếp cho lãnh đạo mà tặng qua người thân… Do có nhiều biến tướng nên việc tố cáo, phát giác cũng rất khó để có thể thực hiện được”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Hòa, rất khó để phân biệt được đâu là hành động tặng quà với mục đích không trong sáng, vụ lợi. Bởi việc phát hiện tặng quà trái quy định lâu nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của cán bộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu: “Việc tặng quà, nhận quà với động cơ như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết, họ cũng hiếm khi nộp lại quà tặng. Nếu bị biến tướng, quà Tết dễ thành công cụ cho tham nhũng, hối lộ trá hình. Có khi người ta chỉ tặng một giỏ hoa quả nhưng lại kèm số tiền lớn”.

Cần phải hiểu rằng, người Việt Nam trọng tình nghĩa, chúng ta biếu quà với mong muốn thể hiện tình cảm, sự trân quý. Do đó, việc tặng quà với động cơ trong sáng là nét văn hóa đẹp, đừng để nó biến tướng thành công cụ cho tham nhũng hay bàn đạp để “chui sâu leo cao”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, chỉ khi người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có ý thức tự giác từ chối nhận quà Tết thì sự biến tướng này mới có cơ hội được giải quyết. Bên cạnh đó, chỉ thị của Trung ương về việc không biếu quà Tết lãnh đạo cũng phần nào giúp giảm gánh nặng cho cán bộ cấp dưới. Bởi mỗi dịp Tết đến Xuân về, có nhiều người xem việc biếu quà giống như một nghĩa vụ, một việc phải làm nếu không thì sẽ khó thăng tiến.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay mới chỉ có cơ chế nộp lại quà tặng và xử phạt hành chính nên chưa nghiêm khắc và hiệu quả, chưa có tính răn đe. Cần có thêm chế tài xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng việc biếu, nhận quà Tết sai quy định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức. Ảnh: NVCC

Bàn về câu chuyện biếu quà Tết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, món quà không mang nặng giá trị vật chất và mục đích vụ lợi thì đó là món quà đẹp, thay cho lời cảm ơn và biết ơn. Tuy nhiên, có thể thấy, trong một số trường hợp thì việc biếu quà biến tướng, trở thành cách thức cho tham nhũng, đút lót, gây ra sự bức xúc trong dư luận. Văn hóa tặng quà Tết giữ được sự hài hòa thì vẫn còn là cái đẹp, nhưng thiên về vụ lợi sẽ trở nên xấu xa, đáng phê phán.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quý Đức bày tỏ: “Tôi rất đồng ý với tinh thần của Chỉ thị đối với cơ quan các cấp, các địa phương rất rốt ráo, quyết liệt, là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn giải quyết tận gốc câu chuyện tham nhũng, hối lộ thì chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề cơ bản, triệt để, chẳng hạn như làm thế nào xóa bỏ cơ chế xin - cho. Đồng thời cũng cần nâng cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ của người lãnh đạo, người đi đút lót qua việc biếu quà Tết; trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng.

Việc cấm trên mới chỉ nhằm mục đích cảnh tỉnh, như một sự đánh động. Nhưng cũng hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ít nhất thì việc cấm biếu quà Tết cũng ngăn chặn được tình trạng công khai”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh, chúng ta cần có cơ chế giám sát cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm mới mong giảm được tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trá hình.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tienphong.vn/cuu-giam-doc-so-gddt-quang-ninh-bi-tuyen-phat-15-nam-tu-post1579032.tpo

[2]https://tuoitre.vn/vu-so-y-te-can-tho-cuu-giam-doc-khai-hoang-thi-thuy-nga-bieu-so-200-trieu-qua-tet-20230210154433786.htm

Phạm Thi