Sáng 10/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai tập huấn trực tuyến trên toàn quốc về dạy học tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Tại hội nghị tập huấn, một số lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ có hướng dẫn, chỉ đạo về việc thi học sinh giỏi, thi vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên với các môn tích hợp.
Bởi lẽ, đến năm 2025 học sinh lớp 9 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới học tích hợp một số môn thì việc tổ chức thi học sinh giỏi và thi tuyển sinh 10 chuyên thi đầu vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên sẽ ra sao?
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã có những chia sẻ về những băn khoăn mà các địa phương đặt ra cũng như nhiều nhà giáo đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, những chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành sẽ khiến cho nhiều nhà giáo đang dạy các môn học tích hợp và học sinh có ý định thi học sinh giỏi các môn tích hợp và các môn chuyên có liên quan đến các môn tích hợp ở trường chuyên cảm thấy chưa thực sự yên tâm.
Ảnh minh họa: Nguyên Khang |
Thi học sinh giỏi và thi tuyển sinh 10 bằng môn tích hợp chứ không theo phân môn
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, các kỳ thi này (kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và thi tuyển sinh 10) lâu nay Bộ không hướng dẫn, chỉ đạo mà tự các địa phương quyết định.
Do đặc thù của một số môn tích hợp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn để các địa phương áp dụng thực hiện từ năm 2025. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn ở cả 2 kỳ thi này vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học môn Khoa học tự nhiên chứ không phải học môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử và Địa lý cũng vậy, do đó các kỳ thi sẽ thi môn tích hợp chứ không thi đơn môn trong môn tích hợp.
Theo ông Thành, việc thi học sinh giỏi lớp 9 theo môn tích hợp cũng giúp các nhà trường, địa phương đánh giá học sinh mình có năng lực tổng hợp thế nào, phù hợp với mục tiêu khi thiết kế môn học này.
Tương tự, với việc thi vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên, có thể tuyển học sinh vào lớp chuyên Lý, Hóa, Sinh riêng rẽ nhưng khi thi từ lớp 9 lên lớp 10 vẫn phải làm bài thi Khoa học tự nhiên vì cấp trung học cơ sở không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Trong đó, tùy vào mục đích tuyển môn chuyên nào thì có thể đề thi sẽ tập trung chuyên sâu kiểm tra đánh giá năng lực của thí sinh về môn chuyên đó. Bộ sẽ có hướng dẫn để các địa phương áp dụng cho năm 2025.
Nếu tới đây, Bộ có hướng dẫn như những chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học tại hội nghị tập huấn trực tuyến ngày 10/12/2023 thì có lẽ các trường trung học cơ sở; giáo viên dạy các môn tích hợp và học sinh thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh 10 liên quan đến các môn tích hợp sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Thứ nhất: hiện nay phần lớn các trường ở các địa phương đang được phân công, bố trí dạy theo phân môn vì chưa có giáo viên tích hợp.
Thậm chí có nhiều trường đã cử giáo viên đi bồi dưỡng theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở nhưng vẫn bố trí dạy các đơn vị kiến thức từng phân môn riêng vì giáo viên chưa vẫn chưa thể “ôm” được hết các phân môn của môn tích hợp.
Thứ hai: ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cho các phân môn dạy song song. Kiến thức phân môn nào, giáo viên môn đó dạy, giáo viên đó kiểm tra.
Chính vì vậy, đến thời điểm này, phần lớn các trường trung học cơ sở vẫn đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn chính của giáo viên đã được đào tạo ở các trường sư phạm. Việc giáo viên phải dạy thêm 1-2 phân môn nữa trong các môn tích hợp thực tế vẫn là một bài toán nan giải vì trước đây 4 năm học đại học chỉ học có 1 chuyên ngành chính.
Bây giờ, vài tháng học theo kiểu chứng chỉ vừa trực tiếp, vừa online; vừa phải đảm nhận số tiết giảng dạy theo định mức tại đơn vị và đương nhiên phải hoàn thành các công việc trường lớp thì việc làm chủ thêm 1-2 chuyên ngành nữa là nhiệm vụ gần như “bất khả thi” đối với nhiều giáo viên, nhất là những giáo viên đã công tác trong ngành từ 20 năm trở lên.
Trong khi, cũng tại buổi tập huấn trực tuyến ngày 10/11 vừa qua, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết rằng năm tới (năm đầu tiên thực hiện chương trình mới ở lớp 9) sẽ có lứa sinh viên đầu tiên (với khoảng 400 người) được đào tạo dạy học tích hợp ra trường, bổ sung cho đội ngũ dạy môn học mới này.
Tuy nhiên, chưa hẳn số 400 sinh viên này tốt nghiệp sẽ được nhận nhiệm sở ngay và được nhận hết vì còn liên quan đến nhiều yếu tố khác. Nhưng, nếu được nhận hết thì số giáo viên này cũng rất khiêm tốn so với hơn 10 ngàn trường trung học cơ sở trên cả nước hiện nay.
Nên chăng, tách các môn tích hợp ở lớp 9 thành các môn học độc lập?
Chính vì những thực tế trên, nếu Bộ hướng dẫn theo những chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Thành theo “tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn ở cả 2 kỳ thi này vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó” sẽ vẫn khá rối rắm.
Thứ nhất: nếu học môn nào thi môn đó (thi môn tích hợp) thì học sinh thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên sẽ cần đến 3 giáo viên ôn tập, định hướng sẽ khiến cho giáo viên và học sinh đều rất vất vả.
Việc 3 giáo viên ôn tập không chỉ phát sinh thêm số tiết cho nhà trường mà ngay cả học sinh tham gia ôn tập cũng sẽ tăng thêm buổi ôn.
Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở hiện nay ở các địa phương đã không còn được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm 2018 theo hướng dẫn của Bộ. Vì thế, nếu đậu thì được thưởng vài trăm ngàn, nếu không đậu thì thầy và trò đều trắng tay.
Nhưng, rối ở chỗ 3 giáo viên ôn cho 3 phân môn nhưng khi thi lại thi chung 1 đề tích hợp. Vô hình trung không chỉ làm khổ thầy trò khi ôn thi mà ngay cả người ra đề cũng cần 3 giáo viên; đi chấm thi cũng phải cần đến 3 giám khảo chấm chấm 1 bài.
Thứ hai: nếu học sinh thi chuyên Lý nhưng bắt buộc các em phải học thêm 2 phân môn còn lại (Hóa, Sinh) vì trường đang dạy theo phân môn. Áp lực của học sinh sẽ tăng thêm trong quá trình ôn tập và đương nhiên chi phí học thêm cũng tăng lên nhiều lần so với thi 1 phân môn cho 1 môn chuyên ở cấp trung học phổ thông.
Vì thế, qua nhiều lần hướng dẫn, tập huấn về môn tích hợp nhưng việc học và kiểm tra, thi cử vẫn chưa có một phương án khả thi, hiệu quả nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh và tốn kém cho phụ huynh.
Nên chăng, Bộ cần tính đến phương án lên đến lớp 9, các môn tích hợp tách độc lập như trước đây sẽ hiệu quả hơn nhiều bởi đây là năm bản lề đối với học sinh cuối cấp. Kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 do các địa phương tổ chức hằng năm là một nhiệm vụ mà năm nào các trường cũng đang phải đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết của cả thầy và trò.
Trong khi, không phải em này giỏi Lý thì đương nhiên sẽ giỏi cả Hóa, Sinh hoặc ngược lại. Vì thế, việc thi cả môn tích hợp rồi theo đơn môn ở bậc trung học phổ thông sẽ khổ cho học sinh thi vào lớp 10 chuyên.
Việc tách thành môn độc lập ở lớp 9 sẽ giúp cho học sinh làm quen dần với các môn học độc lập ở cấp trung học phổ thông và có lẽ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông cũng sẽ thuận lợi hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.