Căn cứ vào Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên khẳng định cột điểm chuyên đề học tập sẽ thay thế cho một cột điểm thường xuyên, trong đó, nội dung bài kiểm tra là nội dung của chuyên đề học tập.
Tuy nhiên, theo một số giáo viên là cốt cán, nằm trong hội đồng bộ môn của Sở Giáo dục nơi người viết công tác thì cột điểm chuyên đề sẽ tính riêng, và như vậy sẽ tăng thêm một cột điểm ở học kỳ 2. Trước những luồng ý kiến khác nhau như thế, Phòng Giáo dục trung học, của Sở Giáo dục ở địa phương đã thống nhất ở những bộ môn và lớp có học chuyên đề học tập sẽ thêm một cột điểm, cột điểm này sẽ thực hiện vào học kỳ hai. Vậy, hiểu như thế nào cho đúng về vấn đề này?
Những năm học vừa qua, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đã tổ chức nhiều đợt thanh tra hành chính (trước gọi là thanh tra toàn diện) đối với các trường trung học phổ thông, trong đó, việc thực hiện các cột điểm đánh giá học sinh thường được các thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra chú ý. Không ít giáo viên đã bị phê bình, kiểm điểm vì thực hiện chưa đúng về cột điểm, có giáo viên cho thừa cột điểm, có giáo viên lại cho thiếu cột điểm. Vì thế, giáo viên có những băn khoăn, lo lắng khi thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Học sinh lớp 10 trong giờ kiểm tra định kỳ. Ảnh: Quỳnh Châu |
Ở Điểm b, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 22 về đánh giá thường xuyên, có chỉ rõ: Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên (sau đây viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi học kỳ như sau:
- Môn học có 35 tiết/năm học: 02 ĐĐGtx.
- Môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 ĐĐGtx.
- Môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 ĐĐGtx.
Ở Khoản 3, Điều 6 quy định: Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó và ghi vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
Như vậy, theo người viết, những điều trên có thể hiểu như sau: đối với những môn học có từ 35 tiết/năm học cộng thêm 35 tiết chuyên đề học tập là 70 tiết/năm thì sẽ có 03 cột ĐĐGtx/học kỳ; những môn học có trên 35 tiết/năm học thì khi cộng thêm 35 tiết của cụm chuyên đề học tập thì có tổng số tiết trên 70 tiết/năm thì phải có 4 cột ĐĐGtx/học kỳ.
Đối với những môn học ban đầu (không tính cột điểm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học cộng thêm 35 tiết chuyên đề học tập là trên 105 tiết sẽ có 4 cột ĐĐGtx/học kỳ. Theo khoản 3, Điều 6 Thông tư 22, kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó thì những môn có số tiết ban đầu (không tính tiết chuyên đề học tập) trên 70 tiết/năm (như môn Ngữ văn và Toán) dù có cộng thêm bao nhiêu tiết thì số cột điểm thường xuyên cho một học kỳ cũng chỉ là 4. Theo đó, số cột điểm chỉ thay đổi ở các môn học có chuyên đề học tập từ 35 tiết đến trên 35 tiết/năm (như môn Lịch sử, Địa lý) mà thôi.
Với cách hiểu như trên, việc Sở Giáo dục yêu cầu thêm một cột điểm ở học kỳ hai đối với các môn (lớp) có chuyên đề học tập là chưa đúng vì số tiết chuyên đề học tập được rải đều trong suốt năm học chứ không phải bố trí học trong một thời điểm nào đó.
Và cũng theo quy định của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì số cột điểm nhiều nhất là 4 chứ không phải 5 như quan điểm của hội đồng bộ môn, lãnh đạo một số trường hay của Phòng Giáo dục trung học.
Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông tin rõ hơn về vấn đề này trong thời gian sớm nhất để giáo viên được yên tâm, không phải thấp thỏm vì sợ sai quy chế chuyên môn, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu, không đồng nhất giữa chỉ đạo và thực hiện thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thiếu thống nhất này, áp lực cụ thể lại dồn lên vai giáo viên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.