Hiện nay, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông chương trình giáo dục phổ thông mới đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, với nhiều thay đổi, việc đánh giá này ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên và học sinh cả nước, nên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, khi vận hành sau gần 2 năm, việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 đã bộc lộ một số bất cập, chưa hợp lý.
Ảnh minh họa - P.L |
Quy định xếp loại kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 22
Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 22 quy định về đánh giá Kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học
Xếp loại mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên
Mức Khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Mức Đạt: có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt. Có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm dưới 3,5 điểm.
Mức Chưa đạt là các trường hợp còn lại.
Nếu mức đánh giá kết quả học tập của học kì, cả năm học bị thấp xuống từ 02 (hai) mức trở lên so với mức đánh giá quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này chỉ do kết quả đánh giá của duy nhất 01 (một) môn học thì mức đánh giá kết quả học tập của học kì đó, cả năm học đó được điều chỉnh lên mức liền kề.
Một số trường hợp bất hợp lý khi đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 22
Ở bậc trung học cơ sở có 9 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số gồm có: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học, môn tự chọn (2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Ở bậc ở bậc trung học phổ thông cũng có 9 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số gồm có: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Ngoại ngữ 2 (hoặc Tiếng dân tộc thiểu số), Lịch sử, chọn 04 môn học trong 09 môn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.
Tuy nhiên, rất ít trường trong cả nước tổ chức dạy và học môn Ngoại ngữ 2 hoặc Tiếng dân tộc thiểu số nên cả bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ tổ chức thực dạy 8 môn học.
Qua quá trình triển khai xếp loại kết quả học tập học sinh lớp 6, 7, 10, người viết thấy cách đánh giá xếp loại còn một số trường hợp không phù hợp như sau:
Trường hợp 1: Một học sinh A có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt, có 5 môn đánh giá bằng điểm số, nhận xét có điểm trung bình là 9,5; có 3 môn điểm trung bình là 7,9 thì vẫn đánh giá học kỳ (năm học) xếp loại Khá.
Trường hợp 2: Một học sinh B có 6 môn đánh giá bằng điểm số, nhận xét có điểm trung bình 6,5 và có 3 môn điểm trung bình là 5,0 thì vẫn xếp loại Khá.
Học sinh A và B cùng được đánh giá loại Khá nhưng độ chênh lệch quá lớn.
Trường hợp 3: Học sinh C có điểm trung bình các môn đánh giá bằng điểm số và nhận xét cùng trên 9,0 nếu có 1 môn nhận xét xếp loại Chưa đạt, 1 môn đánh giá bằng nhận xét, điểm số 4,9 thì chỉ đánh giá loại Đạt, nếu có 2 môn nhận xét xếp loại chưa đạt thì phải xếp loại chưa đạt và thi lại cả 3 môn.
Trường hợp 4: Học sinh D có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; môn đánh giá bằng điểm số, nhận xét có điểm trung bình 4 môn là 9,0; 1 môn 6,4, 3 môn còn lại điểm trung bình là 4,9 thì xếp loại Chưa đạt, thi lại cả 3 môn có điểm trung bình 4,9.
Người viết cho rằng trường hợp này rất bất cập, cần được xem xét lại.
Trường hợp 5: Một học sinh E có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt, có điểm trung bình 7 môn đánh giá bằng điểm số, nhận xét là 9,5, có 1 môn còn lại là 6,4 thì vẫn chỉ xếp loại Khá; nếu có 1 môn điểm trung bình 3,5 vẫn xếp loại Khá (thuộc trường hợp điều chỉnh).
Còn nhiều trường hợp khác mà trong phạm vi bài viết không thể trình bày hết.
Nên theo người viết, việc đánh giá theo quy định mới này vẫn còn nhiều “điểm mờ”, chưa công bằng cho các đối tượng học sinh.
Kiến nghị học sinh ở lại khi được sự đồng thuận giáo viên, phụ huynh và học sinh
Việc đánh giá học sinh đã chuyển dần từ hình thức đánh giá kiến thức, kỹ năng sang năng lực và phẩm chất người học.
Nhưng năng lực con người thì theo đánh giá của các chuyên gia là vô hạn, có thể có năng lực này, không có năng lực khác là chuyện hết sức bình thường.
Do đó có một số giáo sư, nhà bác học xuất thân từ những người tự kỷ như Einstein, Issac Newton,…có nhiều người học yếu nhiều môn ở bậc phổ thông.
Quan tâm nhất là chuyện dạy người như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có phát biểu: “Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt.” [1]
Chính vì còn đánh giá bằng điểm số, còn xếp loại đạt, chưa đạt hay khen thưởng học sinh đã dẫn đến học sinh phải chạy đua với điểm số,phải học thêm và mất đi thời gian nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm, còn đánh giá, xếp loại là còn so sánh học sinh này với học sinh khác.
Người viết được biết, một số nơi trên thế giới đã không còn cho điểm, học sinh đến trường học rất nhẹ nhàng, chủ yếu dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Nên người viết mạnh dạn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm dần điểm số, xếp loại học sinh.
Nếu có cho điểm từng phân môn thì vẫn được nhưng nên bỏ phần tổng hợp đánh giá, xếp loại học sinh, điểm số hay nhận xét của từng phân môn chỉ có tính chất tham khảo, định hướng nghề nghiệp.
Học sinh hoàn tất ở tất cả các môn, điểm từng phân môn không ảnh hưởng đến đánh giá, xếp loại kết quả chung, việc học sinh được ở lại, lên lớp nên là sự thống nhất của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh.
Vì học yếu 1, 2 môn mà cho học sinh ở lại lớp là điều nên tránh, nên bỏ để tạo điều kiện cho tất cả các em được đến trường, nên giảm áp lực học tập cho học sinh, giảm bệnh thành tích trong giáo dục, giáo viên sẽ mạnh dạn triển khai dạy thật, học thật.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-muc-tieu-uu-tien-so-1-cua-giao-duc-pho-thong-la-day-nguoi-post220391.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.