Đã đến lúc nghiêm túc xem xét lại đánh giá học sinh bằng điểm số

07/01/2023 07:02
Kim Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Còn cho điểm, còn xếp loại,…là còn so sánh học sinh này với học sinh khác, còn chạy theo thành tích, không phù hợp đánh giá theo năng lực, phẩm chất.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 năm 2022-2023 thực hiện ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và cuốn chiếu đến năm 2024-2025 sẽ thực hiện toàn bộ ở tất cả các khối lớp.

Chương trình mới đã 3 năm nhưng việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới đã bộc lộ một số vấn đề như chưa đánh giá đúng năng lực, phẩm chất.

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Quy định kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay

Đối với học sinh tiểu học, đánh giá học sinh chương trình mới thực hiện theo Thông tư Số: 27/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Theo đó tại Điều 7 quy định đánh giá định kỳ như sau:

"1. Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục..."

Các môn học và hoạt động giáo dục bậc tiểu học gồm: Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2)).

Theo đó, ở bậc tiểu học gồm có các môn cho điểm kèm nhận xét sau: Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ;

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Về đánh giá cuối năm, cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để tổ chức kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.

Đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông chương trình mới đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT

Ở bậc trung học cơ sở có 9 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số gồm có: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học, môn tự chọn (2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Ở bậc trung học phổ thông có các môn đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét gồm: Toán, Ngoại ngữ 1; Ngữ Văn; Lịch sử; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Địa lý; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; môn tự chọn (2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Quy định cụ thể về đánh giá kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học

Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, ĐTBmhk (điểm trung bình môn học kỳ) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kì, ĐTBmcn (điểm trung bình môn cả năm) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Trong đó:

a) Mức Tốt:

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 8,0 điểm trở lên.

b) Mức Khá:

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 6,5 điểm trở lên.

c) Mức Đạt:

- Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt.

- Có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.

d) Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

3. Điều chỉnh mức đánh giá kết quả học tập

Nếu mức đánh giá kết quả học tập của học kì, cả năm học bị thấp xuống từ 02 (hai) mức trở lên so với mức đánh giá quy định chỉ do kết quả đánh giá của duy nhất 01 (một) môn học thì mức đánh giá kết quả học tập của học kì đó, cả năm học đó được điều chỉnh lên mức liền kề.

Học sinh đạt mức chưa đạt được kiểm tra lại, sau khi kiểm tra lại đạt thì được lên lớp hoặc ở lại lớp.

Còn cho điểm số, còn xếp loại khó đánh giá đúng năng lực học sinh

Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ đánh giá theo kiến thức sang năng lực, phẩm chất là bước tiến mới, phù hợp.

Tuy nhiên, kết quả cả năm của học sinh vẫn coi trọng điểm số, vẫn còn so sánh học sinh này so với học sinh khác thông qua điểm số các môn, các danh hiệu khen thưởng,…

Chính vì nguyên nhân còn khen thưởng do xếp loại xuất sắc, giỏi còn cho điểm ở các môn mới sinh ra các chỉ tiêu, tỷ lệ “ảo” giết chết sự trung thực, dạy thật, học thật,…trong giáo dục.

Dạy học theo năng lực, đánh giá năng lực tức là chương trình mới chấp nhận các em học sinh có năng lực này, không có năng lực môn khác.

Một học sinh có thể giỏi âm nhạc nhưng học chưa tốt toán học, lịch sử là điều hết sức bình thường.

Hay học sinh có năng lực toán, không có năng lực các môn xã hội cũng là điều bình thường.

Người viết cho rằng giai đoạn bậc tiểu học, trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hình thành năng lực và phẩm chất cơ bản, học sinh có thể học tốt môn này, chưa tốt ở môn khác là điều hết sức bình thường, không nên cho điểm, xếp loại, khen thưởng học sinh.

Còn xếp loại, còn khen thưởng là còn so sánh học sinh này với học sinh khác, chưa đúng tinh thần đổi mới, chưa đúng quy định trong đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất.

Theo người viết, giáo viên chú trọng vào “dạy người”, dạy chữ, nên đánh giá học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở ở tất cả các môn bằng nhận xét, nên bỏ xếp loại giỏi, khá,…

Thực tế có nhiều em được đánh giá là học “dốt” ở phổ thông nhưng khi ra trường lại thành đạt làm giám đốc công ty, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người.

Đã có một thời gian quá dài việc đánh giá học sinh theo kiến thức, phân biệt học sinh thành 4 loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém gây thiệt thòi cho các em học sinh được cho là học chưa tốt.

Việc xếp loại học sinh giỏi, khá, yếu, kém, là nguyên nhân gây ra bệnh thành tích trong ngành giáo dục, khiến học sinh phải lao đầu vào học thêm, chạy đua điểm số, thành tích,…

Đến chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn coi trọng điểm số, xếp loại học tập học sinh ở 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt; vẫn còn học sinh phải ở lại lớp; vẫn khen thưởng học sinh loại Xuất sắc, Giỏi.

Còn cho điểm, còn xếp loại,…là còn so sánh học sinh này với học sinh khác, còn chạy theo thành tích, không phù hợp đánh giá theo năng lực, rất thiệt thòi cho các em.

Theo tôi, đến giai đoạn này, phải nghiêm túc xem xét lại việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng học sinh theo chương trình mới, nghiên cứu dần bỏ điểm số, bỏ xếp loại, bỏ thành tích,…

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Thu