Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 6, việc chất vấn sẽ không chọn một số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn như thông lệ.
Thay vào đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ sẽ được chất vấn về việc thực hiện lời hứa đưa ra tại những phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trao đổi với nội dung đổi mới này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế, từ trước đến nay, các chất vấn của Đại biểu Quốc hội sau đó thực hiện ra sao không rõ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5. (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Ở phiên chất vấn tại các kỳ họp vừa qua, một số đại biểu có đặt câu hỏi về việc thực hiện lời hứa của các trưởng ngành.
Nhưng đó chỉ là số ít. Còn rất nhiều nội dung chất vấn, các thành viên Chính phủ có hứa nhưng không ai theo dõi vấn đề xem việc thực hiện đến đâu”, đại biểu đánh giá.
Vì vậy, theo cá nhân đại biểu, việc đổi mới nội dung chất vấn ở kỳ họp thứ 6 là hoàn toàn đúng.
Nó giúp cho các đại biểu, Quốc hội nắm sát được việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao...
“Tránh tình trạng chất vấn xong để đấy không ai theo dõi, không biết việc thực hiện đi đến đâu, kết quả ra làm sao”, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn mới chỉ là đặt ra vấn đề để giám sát.
Còn việc việc chất vấn về lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành sẽ là cả quá trình giám sát từ lời hứa trước Quốc hội đến thực thi.
Theo đại biểu Nhưỡng: "Việc đổi mới này giúp đi thẳng vào nội dung giám sát, thậm chí là việc hậu giám sát.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm gì trước Quốc hội? |
Đảm bảo tính toàn diện của một quá trình giám sát”.
Đại biểu Nhưỡng cho rằng, đại biểu chất vấn về việc thực hiện lời hứa không chỉ cho cá nhân đại biểu mà đấy là vấn đề chung.
Một đại biểu đặt câu hỏi chất vấn lời hứa của các tư lệnh ngành không có nghĩa là chỉ mình đại biểu giám sát mà đổi mới này là để cả Quốc hội giám sát.
Quan trọng hơn cả, theo đại biểu Nhưỡng, những vị trưởng ngành nào hứa rồi để đấy sẽ rõ qua các chất vấn của đại biểu.
Ở một khía cạnh khác, một vị đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn rằng việc đổi mới nội dung chất vấn như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể khiến các vấn đề đang nóng được cử tri quan tâm nhưng không được chất vấn.
Theo vị này, việc theo dõi, đôn đốc các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn nên giao cho các Ủy ban và đơn vị chuyên trách của Quốc hội thực hiện.
Trước ý kiến băn khoăn trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho viết, vấn đề này đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết 85 của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh rằng, chỉ giám sát việc thực hiện Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ khóa 14.
Trước đó, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ năm, cho ý kiến bước đầu về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, kỳ họp thứ sáu dự kiến khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 19/11/2018.
Ngoài thời gian cho hoạt động chất vấn, dự kiến, Quốc hội dành hơn 10 ngày cho công tác lập pháp; hơn 9 ngày cho các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.