Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm gì trước Quốc hội?

24/06/2018 02:32
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần nhận trách nhiệm về các tồn tại của ngành tại phiên chất vấn của Quốc hội.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ điểm lại giúp bạn đọc nhớ được những gì vị tư lệnh ngành giáo dục đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội.

Đó sẽ là cơ sở để cử tri, đại biểu theo dõi việc nhận trách nhiệm và thực hiện lời hứa đến đâu.

Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đã có 69 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận.

Nhiều đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn tại hội trường sẽ gửi phiếu chất vấn đến Tổng Thư ký Quốc hội để chuyển đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Những đại biểu đã đặt câu hỏi mà chưa được trả lời, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.

Số lượng đại biểu đăng ký khá nhiều phần nào cho thấy sự quan tâm của cử tri, đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cụm từ “trách nhiệm” đã được đại biểu quốc hội, Bộ trưởng sử dụng với tổng số là 58 lần.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sử dụng nhiều lần khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định Bộ chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được

Ngay trong ít phút trao đổi trước khi tiến hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục với hơn 22 triệu học sinh sinh viên, hơn 1,4 triệu các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục có liên quan đến mọi nhà, mọi người và liên quan đến tương lai đất nước.

Ý thức được trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, ngành nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ để cụ thể hóa Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa và các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Trong thời gian qua, ngành đã nỗ lực thực hiện và có những kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự chia sẻ, đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, của nhân dân và các em.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khó, rộng lớn, cần phải có thời gian thì mới phát huy được một số kết quả đổi mới. Hơn nữa bản thân ngành cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Trong thời gian qua còn nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có những vấn đề gây bức xúc nhân dân và nhiều việc chưa đạt được so với kỳ vọng của Quốc hội, cử tri, Nhân dân.

Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành, chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được, và để cùng với các bộ, ngành với sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

Sẽ chuẩn bị đội ngũ giá viên mầm non tốt hơn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Thuần Phong – đoàn Bến Tre tranh luận: “Bộ trưởng có nói, giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao.

Ai đánh giá cao tôi không rõ, nhưng theo dõi cả quá trình này tôi xin nhắc lại cho Bộ trưởng nắm những hạn chế của giáo dục mầm non, hiện nay đang nóng và đang gây nhiều bức xúc nhất”.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - đoàn Bến Tre. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Đặng Thuần Phong - đoàn Bến Tre. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Phong nêu ra, thứ nhất, quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng giáo dục mầm non không ổn định, mạng lưới chính sách giáo dục mầm non chưa đồng bộ.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non thấp nhất trong ngành. Cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non nhà nước chỉ có 39%, gia đình là 61%, cho thấy khi các cháu vào học mầm non đóng góp cao nhất so với các lĩnh vực giáo dục khác, như thế mà đánh giá cao thì tôi không hiểu.

“Chúng ta chưa có những đề án gì để giải quyết cho giáo dục mầm non. Những bất cập bức xúc hiện nay của xã hội đối với mầm non lại rất lớn. Tôi mong rằng Bộ trưởng nên xem xét và có những giải pháp cho vấn đề này”, đại biểu Phong nói.

Trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Về ý kiến phát biểu của đại biểu Phong đoàn Bến Tre, chúng tôi thấy rất đúng”.

Bộ trưởng nêu, mặc dù bậc mầm non rất được quan tâm nhưng thời gian vừa qua cũng rất nhiều vấn đề. Nhiều các cơ sở mầm non cũng chưa được chu đáo, nhất là chính sách huy động trẻ đến trường, phổ cập mầm non 5 tuổi.

Khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mạnh, chúng ta chưa kịp giám sát đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất và giáo viên dẫn đến việc bạo hành trẻ, chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ độc lập tư thục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm gì trước Quốc hội? ảnh 3Năm nay sẽ không còn hiện tượng 30 điểm trượt đại học

Bộ trưởng nói: “Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, tôi thấy đây là một vấn đề cần phải giải quyết. Chúng tôi đã khảo sát, tham mưu Chính phủ, vừa rồi có Nghị định 06.

Trước đó chúng tôi cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, chống bạo lực cho trẻ. Cho đến nay, hệ thống pháp lý về cơ bản là có, nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện”.

Về đội ngũ giáo viên hướng dẫn, quy hoạch, chúng tôi nhận trách nhiệm này để làm sao tăng cường việc phòng ngừa hơn việc xử lý. Hỗ trợ thì cũng mong các địa phương, các đồng chí trực tiếp, các đồng chí hỗ trợ điều kiện về cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên phải đủ để làm sao không tạo ra áp lực cho giáo viên.

“Còn nhiều ý kiến khác nhưng do thời gian, tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre để tiếp tục làm tốt hơn”, Bộ trưởng Nhạ trả lời.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng về lĩnh vực giáo dục mầm non, đại biểu Nguyễn Phước Lộc – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra tại phiên chất vấn, Bộ trưởng trả lời về nhóm trẻ tư thục ở gần khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Bộ trưởng chỉ nói được nguyên nhân khách quan từ phía nhu cầu bức xúc của nữ công nhân gửi giữ trẻ từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.

Nhưng tôi thấy Bộ trưởng chưa nêu được nguyên nhân chủ quan từ góc độ quản lý nhà nước của ngành. Nếu chúng ta không thấy được nguyên nhân chủ quan của ngành mình thì khó mà nhận được trách nhiệm cụ thể và đề ra giải pháp cụ thể.

Qua đó, tôi thấy báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non có nêu một nội dung rất quan trọng.

Tới giờ này ngành giáo dục vẫn chưa thực hiện, đó là Chính phủ đã có Quyết định số 400 ngày 20/3/2014 phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 nhưng đến giờ này Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể để thực hiện hoạt động này”, đại biểu Lộc phân tích.

Trả lời ý kiến đại biểu Lộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, ông tán đồng với ý kiến đại biểu Lộc.

Bộ trưởng cho biết: “Nguyên nhân chủ quan rất quan trọng từ việc thực thi quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non phải đáp ứng được tình trạng tăng trẻ đột ngột theo phổ cập mầm non 5 tuổi.

Những vấn đề di cư cơ học các khu công nghiệp chưa lường hết và tính toán được quy hoạch này dẫn đến bị động trong chuẩn bị đội ngũ giáo viên.

Các cấp chưa thực sự quan tâm dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ mẫu giáo, các thiết chế quan tâm việc này. Chúng tôi tiếp thu để tới đây phối hợp với các bộ, ngành liên quan đặc biệt là các địa phương để cùng chỉ đạo việc này.

Với trách nhiệm của ngành chúng tôi sẽ chuẩn bị đội ngũ mầm non cho tốt”.

Với trách nhiệm của ngành, Bộ chưa quan tâm đúng mức dự án làng đại học Đà Nẵng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - đoàn Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - đoàn Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời câu hỏi đại biểu Bá Sơn, Đà Nẵng về dự án làng đại học Đà Nẵng hơn 22 năm vẫn chưa triển khai được dân trong vùng dự án rất khó khăn.

Bộ trưởng Nhạ trả lời, đây là một trong những đại học cùng với hai đại học quốc gia, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế vừa qua Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển diện và điểm.

Đặc biệt những trường nằm trong chủ trương tạo ra những trọng điểm động lực cho phát triển về khoa học, công nghệ của đất nước trong vùng thì đã đi kiểm tra.

“Đúng quả thật có những đại học, ví dụ Đại học Đà Nẵng 20 năm quy hoạch rồi nhưng vẫn để đấy, có nhiều lý do, trong đó có một lý do về thiếu vốn.

Tôi cho rằng với trách nhiệm của ngành thì vai trò chủ động của bộ trong chỉ đạo và vai trò chủ động của lãnh đạo nhà trường chưa phải thực sự quan tâm đúng mức, chưa phải có những giải pháp căn cơ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề này.

Và chúng tôi đã chỉ đạo các trường và Đại học Đà Nẵng đã báo cáo và chúng tôi đang cho thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong nay mai”, Bộ trưởng khẳng định.

Những gì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội hy vọng đến kỳ họp sau đại biểu sẽ không phải lặp lại các câu hỏi này.

Đỗ Thơm