Sau sáp nhập, ĐH Thủ đô HN chú trọng xây dựng và phát triển các trường thực hành

18/05/2023 06:49
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường: “Dù mới có quyết định sáp nhập, nhưng tôi tin, sự hợp nhất của hai trường trong thời gian tới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp”.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội.

Theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây sáp nhập vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội vào giai đoạn 2021 - 2025.

Đến năm 2025, các cơ sở đào tạo của Thủ đô gồm Trường đại học Thủ đô Hà Nội và Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.

Thực tế, từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng chỉ còn được đào tạo giáo viên mầm non, quy mô đào tạo bị thu hẹp đặt ra yêu cầu các trường phải có những hướng đi mới.

Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đưa ra 02 định hướng chính đối với các trường cao đẳng sư phạm: một là sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học; hai là hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia và theo nguyện vọng của các trường cao đẳng sư phạm, định hướng sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào các cơ sở giáo dục đại học là phương án có tính khả thi cao hơn và phù hợp hơn để gìn giữ nền tảng, truyền thống đào tạo giáo viên của các trường trong mấy chục năm qua.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển nhà trường cho thời gian tới, thực hiện theo tinh thần là có sự hoạt động của tất cả các cơ sở đào tạo, phát triển hệ thống các trường sư phạm thực hành để phục vụ cho hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường.

“Cả hai trường đều phát triển đi lên từ cùng một hệ thống các trường sư phạm, bản thân Trường Đại học Thủ đô, tiền thân cũng là Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, nên lấy các ngành đào tạo giáo viên làm giá trị cốt lõi, vì thế, chúng tôi hướng đến chú trọng phát triển hệ thống các trường sư phạm thực hành.

Dù mới có quyết định sáp nhập, nhưng tôi tin, sự hợp nhất của hai trường trong thời gian tới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp”, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường chia sẻ.

Theo thầy Cường, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây có quy mô diện tích 13,2 hecta, đây là một điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển hệ thống đào tạo tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận cùng hệ thống trường thực hành.

Hiện Ban chỉ đạo đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của trường, định hướng các nhóm lĩnh vực đào tạo đại học cũng như các ngành nghề đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lược cao, song, tinh thần là phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là đưa các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội thành Hà Nội.

Theo đó, Chiến lược phát triển cần thận trọng cân nhắc, tính toán phát triển những ngành nghề đào tạo nào cho phù hợp với đặc điểm khu vực nơi đây.

“Một khi sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào cơ sở giáo dục đại học thì vấn đề đặt ra là phải sắp xếp, ổn định được nhân sự, nhưng tôi tin với bề dày đào tạo giáo viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây trong nhiều năm qua, cùng giá trị cốt lõi mà Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có, vấn đề này cũng không quá khó khăn, trở ngại.

Việc thực hiện sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học địa phương là chủ trương đúng đắn để tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh đào tạo giáo viên cũng như định hướng phát triển đa ngành của các trường đại học địa phương, phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho địa phương đó.

Thời gian tới, dù mở rộng diện tích, cơ sở sau sáp nhập nhưng nhà trường không chú trọng phát triển quy mô đào tạo mà chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo định hướng phát triển của nhà trường.

Hiện Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây có trường tiểu học và trung học cơ sở thực hành. Thời gian tới, nhà trường sẽ chú trọng xây dựng và phát triển các trường thực hành, đây là một hướng đi quan trọng với các trường sư phạm nói chung và các trường đại học địa phương nói riêng, đặc biệt với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngôi trường có bề dày trong việc đào tạo giáo viên”, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường khẳng định.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025" tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây theo đề xuất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu của đề án hướng đến nâng cao chất lượng các thành tố chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng tổng thể của các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi đề án.

Mục tiêu cụ thể, 100% giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt yêu cầu phẩm chất, trình độ đào tạo, năng lực thực tế và được bồi dưỡng chuyên môn hằng năm; 30 - 35% đội ngũ giảng viên của Trường đại học Thủ đô Hà Nội, 15% của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây đạt trình độ tiến sĩ vào năm 2025.

Cùng với đó, xây dựng 30 chương trình đào tạo trình độ đại học, 8 thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 4 chương trình đào tạo đại học chất lượng cao được xây dựng và mở mã ngành.

Phạm Minh