Sau thanh tra, hàng loạt vi phạm tại các cơ sở giáo dục của 5 Bộ, 12 tỉnh lộ ra

05/01/2023 09:07
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các vi phạm chủ yếu về đội ngũ nhà giáo, biên chế sự nghiệp lĩnh vực giáo dục, bồi dưỡng nhà giáo, xảy ra tại các cơ sở giáo dục thuộc 5 Bộ và 12 tỉnh.

Thông tin từ Kết luận thanh tra Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo số 2303/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho biết, ngoài việc thực hiện công tác thanh tra với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này còn tổ chức thanh tra về đội ngũ nhà giáo; Hệ thống các cơ sở đào tạo; Bồi dưỡng nhà giáo; Biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo và việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục với 5 Bộ và 12 tỉnh.

Cụ thể, 5 Bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông. 12 tỉnh gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cà Mau.

Qua thanh tra, kiểm tra, xác minh trực tiếp tại 5 Bộ, 12 tỉnh và kiểm tra, xác minh một số trường đại học thuộc 5 Bộ, một số huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, trường đại học, cao đẳng thuộc tỉnh cho thấy còn có hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chuyển đổi vị trí công tác tại một số Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiều thiếu sót, vi phạm

Kết luận này cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Bộ Tài chính chưa phê duyệt Chiến lược phát triển cho 2 trường đại học là Học viện Tài Chính và Trường Đại học Tài chính - Kế toán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn để xảy ra việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Thủy lợi.

Về việc quản lý đội ngũ nhà giáo, bồi dưỡng nhà giáo: Tại tỉnh Yên Bái, về chế độ đối với giáo viên dạy học sinh khuyết tật, từ năm 2016 đến 2018 chưa được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh này hướng dẫn thực hiện với số tiền 16.978,77 triệu đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Học viện Tài Chính và Trường Đại học Tài chính - Kế toán thuộc Bộ Tài chính chưa được Bộ này phê duyệt Chiến lược phát triển. Ảnh chụp từ website các trường

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Học viện Tài Chính và Trường Đại học Tài chính - Kế toán thuộc Bộ Tài chính chưa được Bộ này phê duyệt Chiến lược phát triển. Ảnh chụp từ website các trường

Về công tác quy hoạch cán bộ quản lý, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu việc, Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái không phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý các trường học trực thuộc giai đoạn 2016 - 2018.

Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau, Ủy ban nhân dân các huyện: Ngọc Hiển, U Minh của tỉnh Cà Mau quy hoạch các chức danh cán bộ quản lý khoa, phòng chưa đảm bảo phương châm "động" và "mở"; chưa đủ số lượng quy hoạch cho một chức danh cụ thể.

Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau không thực hiện công tác quy hoạch chức danh trưởng, phó khoa, phòng thuộc trường giai đoạn 2014 - 2016.

Ngoài ra, kết luận cho rằng, đối với việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của một số đơn vị còn có một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm. Trong đó, nhiều trường hợp bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, bổ nhiệm không có trong quy hoạch.

Cụ thể, tại Gia Lai có 114 trường hợp, Kon Tum có 28 trường hợp, Bình Định có 63 trường hợp, Long An có 113 trường hợp, Tiền Giang có 250 trường hợp, Đồng Tháp có 200 trường hợp, Kiên Giang có 134 trường hợp, Cà Mau có 69 trường hợp.

Bên cạnh đó, có 14 trường hợp là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo được bổ nhiệm nhưng chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Trong đó, Long An có 2 trường hợp, Tiền Giang có 3 trường hợp, Đồng Tháp có 4 trường hợp, Kiên Giang có 1 trường hợp, Cà Mau có 4 trường hợp.

Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2014 - 2018 đã được nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc thực thi nhiệm vụ, phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến công tác cán bộ.

Đáng chú ý, kết luận này nêu việc, dù trước đó đã có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này tiếp thu nghiêm túc, chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra dẫn đến công tác bổ nhiệm, tuyển dụng vẫn lặp lại vi phạm.

Lào Cai, Yên Bái có nhiều giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa được bồi dưỡng chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn

Ngoài ra, việc điều chuyển, tiếp nhận viên chức chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm; một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu bổ sung đội ngũ, đảm bảo cân đối về cơ cấu bộ môn; điều chuyển giáo viên bộ môn mà các cơ sở giáo dục không có nhu cầu bổ sung hoặc đang dôi dư; nhiều bộ môn cơ sở giáo dục đề xuất bổ sung nhưng không được bố trí, sắp xếp.

Việc này xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang; riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang điều chuyển 39 trường hợp không đúng quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chuyển đổi vị trí công tác, kết luận này cho biết, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác chưa triệt để, vẫn còn nhiều viên chức thuộc các đơn vị trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện chưa được thực hiện chuyển đổi theo quy định.

Trong đó, Long An có 176 vị trí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp có 91 vị trí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang có 94 vị trí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau có 33 vị trí.

Bên cạnh đó, về bổ nhiệm và sắp xếp lương chức danh nghề nghiệp, việc triển khai thực hiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của Ủy ban nhân dân các tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum chậm. Đến cuối năm 2019 mới triển khai, phê duyệt Đề án, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của viên chức giáo dục.

Một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái còn có nhiều giáo viên trình độ đào tạo đại học và cao đẳng đang hưởng lương hạng IV, III đủ thời gian để thăng hạng III, II nhưng chưa được bồi dưỡng chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn. Trong đó, chủ yếu là chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để đủ tiêu chuẩn được thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Biên chế giáo viên tại một số tỉnh vừa thiếu, vừa chậm

Về biên chế số lượng người làm việc, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có quyết định giao biên chế các cơ sở giáo dục đại học năm 2015, 2017; phê duyệt số lượng người làm việc năm 2016, 2018 cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chưa phù hợp theo Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; số lượng người làm việc thực tế của Trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2014 - 2018 cao hơn số lượng biên chế được Bộ giao từ 330 đến 420 người.

Biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo 12 tỉnh được giao thấp hơn hoặc bằng định mức quy định; việc giao biên chế hàng năm triển khai còn chậm, biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao thường chậm hơn thời điểm vào năm học một thời gian dẫn đến các đơn vị hành chính cấp dưới không chủ động được số lượng biên chế được giao để phân bổ cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó kết luận cũng cho biết, tại tỉnh Yên Bái không có văn bản giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2015 theo quy định. Tại tỉnh Bắc Ninh không có văn bản thông báo hay quyết định giao số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập cho các đơn vị năm 2017.

Đối với số lượng người làm việc thực tế trong ngành giáo dục của nhiều tỉnh, trong từng năm học đều thiếu. Đến thời điểm thanh tra năm 2019, còn thiếu nhiều giáo viên so với định mức quy định, thiếu so với chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, gây khó khăn cho việc phân công giáo viên giảng dạy, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của tỉnh.

Cụ thể, số lượng giáo viên bị thiếu: Lào Cai thiếu 3.599, Yên Bái thiếu 2.070, Bắc Ninh thiếu 3.010, Quảng Ninh thiếu 754, Gia Lai thiếu 3.864, Kon Tum thiếu 1.488, Bình Định thiếu 2.864, Long An thiếu 333, Kiên Giang thiếu 639, Cà Mau thiếu 770.

Theo kết luận thanh tra, tại một số Sở Giáo dục và Đào tạo như: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau có nhiều trường hợp bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, bổ nhiệm không có trong quy hoạch. Ảnh chụp từ website các Sở
Theo kết luận thanh tra, tại một số Sở Giáo dục và Đào tạo như: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau có nhiều trường hợp bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, bổ nhiệm không có trong quy hoạch. Ảnh chụp từ website các Sở

Ngoài ra, một số đơn vị được kiểm tra, xác minh thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cà Mau còn một số hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm về thủ tục, trình tự triển khai tuyển dụng viên chức, không đúng theo quy định của Bộ Nội vụ và quy định của địa phương.

Chủ yếu như: Không thành lập ban kiểm tra, sát hạch, ban phúc khảo; không thực hiện giám sát tuyển dụng; cử cán bộ giám sát kỳ tuyển dụng không đúng thẩm quyền; quy trình xét tuyển đặc cách chưa đúng quy định, tổ chức xét tuyển đặc cách trong thời gian ngắn chưa minh bạch; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa thẩm tra văn bằng, chứng chỉ đối với người trúng tuyển trước khi ký hợp đồng làm việc theo quy định.

Nếu phát hiện có tiêu cực, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan

Qua việc chỉ ra các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại 5 Bộ và 12 tỉnh như trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 5 Bộ yêu cầu các trường đại học trực thuộc thực hiện đúng quy định về tuyển dụng viên chức; thực hiện đảm bảo đúng, đầy đủ các quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, yêu cầu các trường tuyển sinh không vượt chỉ tiêu đào tạo được phê duyệt, ban hành văn bản phê duyệt số lượng người làm việc cho các cơ sở giáo dục trực thuộc kịp thời theo đúng quy định.

Các Bộ cũng cần rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm điểm theo quy định của pháp luật đối với những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm có liên quan như đã nêu trong Kết luận thanh tra. Chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra.

Đối với 12 tỉnh, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu lên yêu cầu với Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau cần chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức chưa đúng quy định.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá lại kỳ xét tuyển đặc cách năm 2018 đối với 23 thí sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp phát hiện có tiêu cực, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân 12 tỉnh cũng cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã trực thuộc kiểm điểm theo quy định của pháp luật đối với những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm có liên quan; chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra.

Trung Dũng