Sẽ có chuẩn diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh

04/01/2019 06:55
Thùy Linh
(GDVN) - Thời gian tới, Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh.

Để triển khai chương trình phổ thông mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tuy nhiên, đến nay nhiều người đặt ra lo ngại khi tình trạng sĩ số quá tải ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phải có cách giải quyết để đủ điều kiện áp dụng chương trình phổ thông mới.

Trước băn khoăn này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: Bộ không đặt vấn đề áp dụng chương trình mới thì phải thay đổi cơ sở vật chất mà đó yếu tố cần thiết bất kể đối với chương trình nào.

"Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể về cơ sở vật chất của các trường phổ thông thì hiện nay cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tương đối yên tâm đáp ứng được yêu cầu. Cấp tiểu học thì khó khăn hơn một chút", ông Hùng Anh nói. 

Vị này cũng thông tin thêm, ngay từ năm 2014, Bộ đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của các trường và tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ các địa phương, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đặc biệt là vùng khó khăn.

Sẽ có chuẩn diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh ảnh 1
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, Bộ không đặt vấn đề áp dụng chương trình mới thì phải thay đổi cơ sở vật chất mà đó yếu tố cần thiết bất kể đối với chương trình nào.(Ảnh: Ngô Chuyên)

“Trong đợt đánh giá cơ sở vật chất năm 2014, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước mới đạt 71%, trong đó tiểu học chỉ đạt 61,5%.

Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ này đã đạt mức 85%, trong đó tiểu học đạt 72,2%. Tỷ lệ phòng học trên lớp đến thời điểm này đã đạt 0,93 phòng/lớp ở cấp tiểu học”, ông Phạm Hùng Anh cho biết.

Nhiều người nghĩ rằng Tây Bắc là vùng khó khăn nhưng theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất thì Tây Bắc hiện nay có tỷ lệ phòng học/lớp cao nhất cả nước. Con số thấp nhất rơi vào vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. 

Sẽ có chuẩn diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh ảnh 2Bao giờ con em chúng ta sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới?

Như vậy, cả nước hiện nay có khoảng 10% số cơ sở đào tạo chưa đủ số phòng học/lớp để dạy học 2 buổi/ngày tính cho toàn cấp tiểu học. Đến năm 2020 thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1 thì hầu hết các cơ sở giáo dục đủ điều kiện. 

Song song với đó là vấn đề về sĩ số học sinh trong một lớp. Việc quá tải số lượng học sinh cũng là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không đáp ứng được cơ sở vật chất.

Theo ông Phạm Hùng Anh cho biết, theo báo cáo của các địa phương sĩ số trung bình hiện tại đang là 28,5 học sinh/lớp với cấp tiểu học. Trong đó Tây Bắc 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp, Tây Nam Bộ là 27 học sinh/lớp. Tuy nhiên, số lượng này ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt quá quy định.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất đối với các trường. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, cho phép nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện để di chuyển phòng hành chính, hiệu bộ lên tầng cao hơn, nhằm bố trí thêm lớp học. 

Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh lại về cơ sở vật chất. Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh; chẳng hạn sẽ không tính theo chuẩn là số học sinh/lớp mà sẽ là số diện tích dành cho học sinh/lớp”, ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Anh cũng cho rằng, để thực hiện được việc đồng bộ chương trình mới cần có sự đồng này của địa phương.

Thùy Linh