"Sẽ có cơ chế giám sát thực hiện triệt để kết luận thanh tra"

17/02/2013 08:35
Công Lê/ Thời báo Kinh tế Việt Nam
"Năm 2013, ngoài việc tiến hành các cuộc thanh tra Chính phủ (TTCP) sẽ tập trung giám sát, xử lý sau kết luận thanh tra và nâng cao chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...". Tổng TTCP Huỳnh Phong Thanh chia sẻ như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013.
Giám sát thực hiện triệt để kết luận thanh tra

- Thưa ông, khép lại năm 2012, điều dư luận quan tâm nhất là những vấn đề liên quan đến thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. TTCP có bình luận gì về việc này?
Trong năm 2012, qua thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nước, TTCP đã kiến nghị thu hồi 4.874 tỷ đồng và đến nay đã được 2.118 tỷ đồng, xử lý khác 28.901 tỷ đồng và đã xử lý được 21.509 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cũng cho thấy sai phạm của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tập trung vào các vấn đề như : thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định, sử dụng vốn, tài sản thẩm quyền…

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

-Có ý kiến cho rằng trong năm 2012, việc phát hiện tham những và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít, ông đánh giá thế nào?

Còn một số yếu kém, hạn chế trong công tác thanh tra năm qua như việc bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch và phương pháp tiến hành một số cuộc thanh tra chưa khoa học, nhiều cuộc thanh tra còn kéo dài, nhất là giai đoạn xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc thanh tra chưa phát hiện được tham những, việc đôn đốc xử lý sau thanh tra mặc dù đã có những tiến bộ, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả  công tác thanh tra trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn thấp.
Nhìn chung trong năm 2012 toàn ngành thanh tra đã xây dựng, triển khai công tác thanh tra và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, nội dung các cuộc thanh tra có trọng tâm, trong điểm và theo đúng định hướng. Một thực tế là năm 2012, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật hơn so với các năm trước đó.

Đặc biệt, hoạt động thanh tra chuyên ngành được tăng cường và tập trung hơn vào những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Để các kết luận thanh tra và phối hợp để định hướng dư luận từng bước đi vào nền nếp. Năm 2012 cũng là lần đầu tiên kết luận thanh tra không chỉ dừng lại ở việc đúng sai mà còn đưa ra được những kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật.
- Năm 2013 TTCP sẽ có thay đổi gì trong công tác giám sát xử lý sau kết luận thanh tra, thưa ông?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2013, TTCP đã cho thành lập 3 đơn vị mới trực thuộc là Vụ Kế hoạch, tài chính và tổng hợp, Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Trong đó Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra sẽ giúp tổng TTCP giám sát, kiểm tra hoạt động của các Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra soạn thảo, theo dõi, đôn đốc kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết quả thanh tra, kiến nghị.
Vụ này còn nhiệm vụ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám sát, kiểm tra, chủ trì xây dựng Tổng TTCP ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám sát, kiểm tra đoàn thanh tra, giúp người đứng đầu TTCP giám sát các đoàn thanh tra theo đúng quy chế đã ban hành.
Đặc biệt, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra còn có chức năng đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra và hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, triển khai thực hiện các kết luận thanh tra liên quan đến mình.

Với việc thành lập Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý thanh tra, từ nay, các kết luận thanh tra sẽ được giám sát thực hiện triệt để, đảm bảo cho các kết luận này được thực thi tốt nhất, tránh tình trạnh như lâu nay, không ít kiến nghị thu hồi tiền vi phạm của cơ quan thanh tra không được thực hiện triệt để dẫn đến thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Trọng tâm của công tác thanh tra năm 2013 là phòng chống tham nhũng

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo những năm qua chưa được cao. Với việc lập ra một Vụ riêng biệt để phụ trách vấn đề này, có lẽ TTCP muốn đưa công tác tiếp dân lên tầm chuyên nghiệp hơn?
Nhìn lại năm 2012, các cơ quan nhà nước đã tiếp 384.992 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Về việc tiếp nhận và xử lí đơn thư khiếu nại, tố cáo, năm 2012 các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 126.824 đơn thư và đến nay đã giải quyết được 54.786 vụ việc. Qua phân tích từ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy trên 50% đơn thư khiếu nại, tố cáo sai, gần 30% đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng một phần. 
Nhìn vào tỉ lệ đó cho thấy tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai chiếm tỉ lệ không nhỏ nên việc tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại tố cáo cần được chuyên nghiệp hóa với chất lượng cao hơn.  Với việc thành lập Vụ Tiếp công dân, chúng tôi đặt ra mục tiêu xử lý trên 85% số vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh trong năm 2013.
-Trọng tâm của công tác thanh tra năm 2013 này là những vấn đề gì, thưa ông?
Năm 2013, TTCP sẽ thực hiện 20 cuộc thanh tra lớn, tập trung vào những vấn đề quan trọng đang gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về chương trình công tác năm 2013, trong đó ngoài việc thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch, chúng tôi sẽ có không ít cuộc thanh tra đột xuất.
Như tôi đã nói, công tác xử lý sau thanh tra sẽ tăng cường mạnh trong năm 2013 vì việc xử lý sau thanh tra không tốt thì kết quả các cuộc thanh tra sẽ ít giá trị hơn.
Bên cạnh việc phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm , thu hồi tiền thì trong năm 2013, hoạt động thanh tra kiểm tra còn hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật nhằm đưa ra ý kiến sử đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý cũng như trong cơ chế chính sách.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngay trong quý I/2013, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, phức tạo, kéo dài và mực tiêu của cả năm là phải giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết, quyết định khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 80%.


Trong công tác phòng chống, tham những sẽ tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, kiên quyết quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công…
- Công tác phòng chống tham nhũng 2013 được nhấn mạnh đến việc “tập trung hành động”, vậy TTCP có định hướng như thế nào cho công tác này?
Năm 2013, chúng ta sẽ tập trung vào hành động và bắt đầu từ việc kê khai tài sản, thu nhập, trả lương qua tài sản. Đến nay đã có 18 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 19 địa phương báo cáo hoàn thành 100% việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2011. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan còn lại đều đạt tỷ lệ bình quân kê khai lầm đầu đạt 98,2%, kê khai bổ sung đạt 97,6%.

Từ năm 2012, chúng ta bắt đầu triển khai thực hiện quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập bằng hình thức niêm yết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và bước đầu đã công khai 18,7% tổng số người trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Còn việc trả lương qua tài khoản đến nay về cơ bản đã thực hiện ở khu vực đô thị và từ năm 2013 sẽ đẩy mạnh thực hiện ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với công tác cải cách hành chính để hạn chế phát sinh  tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc đánh giá tác động đối với 1.700 thủ tục hành chính quy định tại 361 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay đã công khai tại cơ sở dữ liệu quốc gia 102.911 hồ sơ thủ tục hành chính và 9.855 hồ sơ văn bản có liên quan.
Các bộ, ngành đang trình cấp có thẩm quyền đơn giản hóa 3.664/4.751 thủ tục hành chính, đạt 64%. Đặc biệt, đối với công tác luân chuyển các bộ, tính đến hết năm 2012, các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 24.246 cán bộ, công chức và việc này cũng sẽ đạt được triển khai hơn trong năm 2013.

Xin cảm ơn ông!
Công Lê/ Thời báo Kinh tế Việt Nam