Theo dự thảo này, việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ chia thành hai giai đoạn: thử nghiệm (từ năm 2014 đến tháng 6/2016) và hoàn thiện (từ tháng 07/2016 đến năm 2022).
Sau 2015 sẽ có nhiều SGK cho một môn học. Ảnh minh họa Xuân Trung |
Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm sẽ có 13 công việc cụ thể được vạch ra. Dự kiến hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể, các môn học hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học lớp 1, lớp 6 và lớp 10,…
Giai đoạn từ tháng 07/2016 đến năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến phải hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12.
Đặc biệt, mỗi vùng kinh tế - xã hội (được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ Việt Nam) chọn một số tỉnh/ thành đại diện; mỗi tỉnh/ thành đại diện chọn một số trường phổ thông đại diện cho các vùng thành thị - nông thôn tham gia thử nghiệm. Mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước.
Với kết quả thử nghiệmtrên , Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Cũng trên quan điểm linh động, sau khi chương trình tổng thể cũng như chương trình từng môn học được phê duyệt và SGK được thẩm định, việc chính thức triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện đại trà đồng thời trên toàn quốc như chương trình hiện hành.
Việc đánh giá chương trình, thử nghiệm SGK mới, việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành SGK sẽ dựa trên điều kiện phù hợp đối với từng địa phương và nhà trường để bộ sách phát huy đúng tác dụng hơn. Khi ban hành SGK mới, chỉ những trường có đủ điều kiện mới được áp dụng.
Khắc phục những điểm bất cập trong chương trình và ban hành SGK cũ hiện nay, Bộ GD&ĐT cho hay, bộ sách hiện tại cũng đã có nhiều ưu điểm nhưng khuyết điểm là không có tổng chủ biên chương trình từ lớp 1 đến lớp 12.
Với bộ sách cũ, các trường học chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”. Phương thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu và chưa được xác định rõ ràng trong chương trình.
Bộ GD&ĐT cũng đánh giá, số môn học bắt buộc của mỗi lớp học, cấp học còn khá nhiều. Chương trình chưa thực sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện tốt việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.