Bí mật về Tarung Derajat - môn võ tàn bạo ở SEA Games 26

24/11/2011 07:00
C.K
(GDVN) - SEA Games 26 đã qua, để lại nhiều ấn tượng tốt nhưng cũng lắm nỗi sợ trong lòng các VĐV, và Tarung Derajat là một trong số đó.
Ở một sân chơi theo kiểu ‘ao làng’ như SEA Games, chuyện các quốc gia tận dụng tối đa quyền tự quyết lẫn ưu thế sân nhà để ép các đoàn khác phải dự môn thi sở trường của mình không còn là chuyện lạ nữa.

Đó là những môn thi đấu Olympic hay châu lục đã đành, đằng này ở SEA Games, nhiều môn chẳng khác nào ‘thể thao làng quê’ cũng xuất hiện. Luật SEA Games có ghi rõ, một khi nhận được tối thiểu 3/11 phiếu đồng thuận, chủ nhà của một kỳ đại hội có quyền đưa môn thi đấu theo đề nghị của mình vào tranh huy chương, chẳng hạn như Philippines năm 2005 với môn võ gậy… rồi đến Indonesia năm nay với món... đánh phỏm (bài bridge).


Dẫu vậy, bên cạnh những điều tưởng như rất nực cười ấy thì cũng xuất hiện những môn thể thao được áp đặt cho SEA Games khiến nhiều người phải lè lưỡi, như Tarung Derajat chẳng hạn. Tarung Derajat tên tiến Anh là AA BoxeR, là sự hòa trộn của những môn võ trứ danh như Pencak Silat, Muay Thái, kick-boxing, karatedo, taekwondo... Song, đáng nói ở chỗ, Tarung Derajat lại tích lũy những đòn hiểm nhất, tàn bạo nhất và đôi khi là bị cấm sử dụng của những môn võ trên.
Clip các pha ra đòn ác hiểm của Tarung Derajat

Chảy máu mặt vì đấu Tarung Derajat: Hai ‘võ sĩ đường phố’ giao đấu Tarung Derajat trên một võ đài tự dựng lên và kết quả là một võ sĩ đã đổ máu. (Xem video clip)

Xem một trận đấu võ Tarung Derajat: Không hiểu tại sao vẫn có những khán giả đến xem một trận đấu bạo lực thế này và còn say sưa cổ vũ. (Xem video clip)

Tarung Derajat hay đấu võ trên đường phố? Rất may khi Tarung Derajat không được đưa vào chương trình thi đấu tranh Huy chương SEA Games. (Xem video clip)

Tarung Derajat: Võ truyền thống hay trò đánh lộn? Hai ‘võ sĩ đường phố’ đang cố làm nhau đau đớn chỉ để đổi lấy vài đồng tiền thưởng của những kẻ mê đánh đấm. (Xem video clip)

Tarung Derajat: Đấm, đá, đạp, cùi chỏ, lên gối… Chỉ là trận đấu biểu diễn Tarung Derajat nhưng cũng khiến người xem ớn lạnh. Thế là đủ biết độ tàn khốc của môn võ truyền thống Indonesia. (Xem video clip)

Tarung Derajat: Môn võ không khoan nhượng. Một kênh truyền hình của Indonesia ‘hồn nhiên’ quay một trận đấu bạo lực của môn Tarung Derajat và còn có cả phần bình luận. (Xem video clip)
Tất cả xuất phát từ đặc tính lịch sử của Indonesia, khi Tarung Derajat thường được sử dụng như để giết giặc hơn là thi đấu. Tổ sư của môn võ này, Achmad Daradjat, thực chất cũng là một võ sĩ đường phố, quen với đấu đá theo bản năng để sinh tồn hơn là thi đấu vì tinh thần thể thao cao thượng để đưa môn võ của mình lên đến một đẳng cấp tinh hoa như karate hay taekwondo.
Đòn đánh vào cổ là một 'đặc sản' của Tarung Derajat
Đòn đánh vào cổ là một 'đặc sản' của Tarung Derajat
Thực tế cũng chỉ ra rằng, dù cùng là niềm tự hào của võ đạo Indonesia nhưng Tarung Derajat thua kém xa Pencak Silat ở tính phổ cập. Trong khi tính riêng tại thủ đô Jakarta, Pencak Silat đã được đưa vào trường học, thu hút hàng triệu người tập luyện thì Tarung Derajat dường như đã bị lãng quên. Nhiều người nói vui rằng nó dành cho... những anh đầu đường xó chợ thì hợp hơn…

Tính chất thiểu số lẫn sự không khoan nhượng của Tarung Derajat khiến nhiều đoàn ái ngại khi chủ nhà Indonesia đề xuất đưa vào SEA Games lần này. Và dù đã quyết định loại bỏ một số thế đánh mang tính triệt hạ như đòn gối, đòn chỏ… thì trước sức ép của phần còn lại, chủ nhà vẫn đành chấp nhận xếp Tarung Derajat là môn võ biểu diễn (không tranh huy chương).
Một VĐV Tarung Derajat bất tỉnh nhân sự sau khi dính đòn tại SEA Games 26
Một VĐV Tarung Derajat bất tỉnh nhân sự sau khi dính đòn tại SEA Games 26

Chỉ có điều, khi ra sàn biểu diễn, đẹp thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy người lành lặn thì ít mà rời sàn trên cáng thi nhiều, khi tất cả những ngón đòn mạnh bằng chân, tay cứ tung ra tới tấp, đó là chưa kể đến thế vật theo kiểu bẻ xương rất dễ dẫn đến chấn thương. Minh chứng rõ ràng nhất là trong ngày đầu tiên, đã có 2 VĐV phải nhờ đến các bác sĩ chăm sóc khi bị chấn thương ở đầu và chân. Thời gian sau đó, thái độ quyết tâm của các VĐV (đúng hơn là các võ sĩ) xìu hẳn, bởi họ không muốn mang tiếng là triệt hạ người khác.

Chỉ có đoàn chủ nhà thì vẫn 'máu chiến' hơn cả, có thể họ muốn gây ấn tượng mạnh để quảng bá cho niềm tự hào của đất nước mình, nhưng xem ra tất cả chỉ để lại tiếng xấu khi nhiều võ sĩ chủ nhà khiến đối thủ dù là biểu diễn vẫn phải rời thảm trên cáng.
Nếu thi đấu Tarung Derajat thì chuyện lên cáng rời sân là hết sức bình thường
Nếu thi đấu Tarung Derajat thì chuyện lên cáng rời sân là hết sức bình thường

Đáng nói ở chỗ, hầu hết các VĐV Tarung Derajat tại SEA Games vừa qua đều được điều từ các môn võ khác sang. Hết SEA Games, họ lại chuyên tâm cho chuyên môn chính và có lẽ sẽ quên hẳn Tarung Derajat. Nhưng nếu chấn thương ở một cuộc thi vô thưởng vô phạt như vậy, coi như sự nghiệp của họ sẽ đi toong.

Ấy vậy mà BTC SEA Games 26 vẫn muốn vận động hành lang để Myanmar, chủ nhà đại hội lần sau đưa vào nội dung tranh huy chương, theo kiểu có đi có lại (ai dám chắc là Myanmar 2 năm nữa không vận động Indonesia đồng ý để đưa vào một vài môn lạ của mình). Có lẽ vấn đề thành tích đã khiến họ mờ mắt mà quên đi sự an toàn cho các VĐV. Nên nhớ rằng Tarung Derajat vốn đã thiếu nhân văn, giàu tính sát thương, thi đấu biểu diễn mà chấn thương tới tấp như vậy thì chắc chắn khi ra sàn tranh huy chương, nó sẽ còn khiến nhiều người phải đổ máu. Hoàn toàn không nên lưu truyền môn võ này, càng không nên đưa nó vào những cuộc tranh tài thể thao cao thượng.
C.K