Ông Goetz đặc biệt đến cỡ nào?

08/11/2011 00:33
Theo TT24h
Bị thay ra, cả Văn Bình lẫn Văn Thắng đều bước luôn ra đường biên chứ không lại chỗ trọng tài bàn rồi bắt tay HLV trưởng như thủ tục gần như bắt buộc.
Không phải phản ứng đâu, có thể chỉ là giây phút bột phát con người nhất, khi thất vọng và bức xúc vì bất lực đến đỉnh điểm...

Dấu hỏi về năng lực

Ở cuộc họp sáng qua với BHL, ông Goetz đã nhấn mạnh đến lý do “cầu thủ không thực hiện tốt đấu pháp”. Nhưng đấu pháp hay chiến thuật của U.23 VN là cái gì thì đến người trong cuộc cũng thắc mắc. Và cho đến ngày hôm qua, những câu hỏi về khả năng đọc tình huống, thay đổi và các những quyết định dùng người của ông Goetz vẫn là một chủ đề gây nhiều hoang mang, trong chính nội bộ U.23 VN.


Một trong số đó, đầu tiên nằm ở vị trí của Xuân Hiếu - cầu thủ nằm trong số ít chơi ấn tượng nhất khi vào sân hiệp 2 trận khai mạc. Hiếu bất ngờ được đẩy sang chơi hậu vệ phải và ở lần đầu tiên đá lệch vai, cầu thủ này không thể hiện được nhiều. Cả trận có rất nhiều bóng nhưng không có pha xử lý hay quả tạt nào thành công.


Việc tung Hoàng Thiên rồi rút ra sau 20 phút cũng rất khó hiểu, khi người được đưa vào sân đá tiền vệ phải là Thanh Trung thuận chân trái, không tạt được mà phải phối hợp, đi vào trong khiến nhịp tấn công bị chậm. Trong khi đó, kể từ thời điểm U.23 Myanmar chỉ còn chơi với 10 người, rút hết tiền đạo ra co về đá tử thủ 2 tầng, U.23 VN đã không có quyết sách chính xác để thích ứng và đối phó hiệu quả.

Khi quyết định chơi tất tay với việc chuyển qua 3-4-4, đẩy Lâm Anh Quang lên thành tiền đạo thứ 4 bên cạnh Trọng Hoàng, Văn Quyết, Tuấn Anh, ông Goetz không có yêu cầu cụ thể nào ví dụ như việc bắt Thanh Trung, Thành Lương với khả năng cầm bóng phải lôi kéo hậu vệ biên giãn ra rồi đá bổng vào nách để tiền đạo dạt ra nhận. Không cho đập nhả về nhưng cũng không chấp nhận nhồi bổng từ mọi hướng, thế nên các hậu vệ dâng lên gần giữa sân luôn cuống quýt khi bóng đến chân, không có giải pháp để xử lý. Đó chính là lý do Huỳnh Phú - cầu thủ được ông Goetz tin tưởng nhất – hết chuyền bóng vào chân đối thủ lại mắc lỗi khiến U.23 VN suýt chết cuối trận.

Ở sát sau khu kỹ thuật của U.23 VN mới thấy hết những bất cập trong cách chỉ đạo của ông thầy người Đức mà việc luôn phản ứng ra mặt sau mỗi pha xử lý không như ý của cầu thủ thay vì chờ hết tình huống nhắc nhở là ví dụ điển hình. Và có một sự thật rút ra sau 2 trận ra quân của U.23 VN: Ông Goetz rất dễ bị trạng thái, không biết làm gì mỗi khi đội rơi vào tình huống khó khăn và cầu thủ đá trên sân cần sự trợ giúp từ BHL.


Dấu hỏi về sự đặc biệt

Trước trận đấu, ông Goetz cùng trợ lý Phan Thanh Hùng ra sân xem trận U.23 Đông Timor - U.23 Brunei. Chờ đội đến sân, trước khi công bố đội hình chính thức lại họp hơn nửa tiếng. Bước ra khởi động, Thành Lương, Trọng Hoàng và Văn Quyết được gọi riêng ra một góc trao đổi đến 5 phút. Rồi lần lượt, ông thầy đến chỗ từng người một căn dặn, nhắc nhở.

Đó là sự đặc biệt mà cũng là khác biệt từ HLV Falko Goetz, đến sát giờ bóng lăn vẫn hội ý, truyền đạt mọi lúc mọi nơi có thể như lo sợ cầu thủ không hiểu hết ý đồ, nhiệm vụ của mình. Không biết ở trên thế giới thế nào chứ ở V.League, hạng Nhất lẫn cấp ĐTQG với đủ các đời thầy ngoại, chẳng mấy ai làm thế. Bởi sự cẩn thận thái quá có thể phản tác dụng vì cầu thủ bị tác động đến sự thoải mái, thanh thoát trong tâm lý.

Thể Thao 24h từng nhiều lần đề cập đến những sự đặc biệt trong cách làm của ông Goetz. Đến giờ, sự đặc biệt đó vẫn chưa thể hiện bằng kết quả và nếu có, có lẽ nằm ở những ngạc nhiên về vấn nạn xuống cấp của cả đội. Kể cả chưa phải toàn diện hay ngôi sao nhưng những Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Văn Thắng, Văn Bình…, hãy hỏi tại sao họ lại đồng loạt đánh mất mình nhanh như thế, ngay cả những kỹ năng lẫn sự tự tin vào bản thân?

Hỏi ai bây giờ, nếu không phải Falko Goetz?  
Theo TT24h