Sinh con, giáo viên nên biết và đừng bỏ qua chế độ này

29/07/2019 13:33
Hồ Oanh
(GDVN) - Nghỉ thai sản, giáo viên được hưởng chế độ trợ cấp một lần, bằng hai tháng lương cơ sở; hưởng 100% tiền lương và phụ cấp trong thời gian nghỉ thai sản.

Có nhiều giáo viên có bầu, cảm thấy như mắc tội với nhà trường, với hiệu trưởng, với chủ tịch công đoàn.

Có người còn bị “ép” phải bỏ thai, vì trường đang làm hồ sơ trường chuẩn quốc gia; trường đang phấn đấu là lá cờ đầu của địa phương!

Không ít người trong số họ khốn khổ vì lời “ngọt nhạt, mát mẻ” của hiệu trưởng; nhiều khi phải chịu “nhục” mà chẳng biết “than thở” với ai, kể cả người thân nhất.

Bất cứ cá nhân nào đều được pháp luật bảo trợ, nếu sai thì chịu, nếu đúng thì phải nhờ pháp luật bảo vệ mình. Không ai được phép đạp trên pháp luật, kẻ nào đang làm “thai phụ” lo lắng, bất an, đó là kẻ vi phạm pháp luật chứ không phải các cô giáo!

Vì thế, hiểu biết Luật Bảo hiểm xã hội là cách tự giáo viên bảo vệ mình.

Giáo viên cần nắm rõ Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi của bản thân. (Ảnh minh họa: vinhphuc.edu.vn)
Giáo viên cần nắm rõ Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi của bản thân. (Ảnh minh họa: vinhphuc.edu.vn)

Thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên, trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi, được hưởng chế độ nghỉ thai sản, theo luật Bảo hiểm xã hội.

Nghỉ thai sản, giáo viên được hưởng chế độ trợ cấp một lần, bằng hai tháng lương cơ sở; hưởng 100% tiền lương và phụ cấp trong thời gian nghỉ thai sản.

Giáo viên sinh con trong hè, được tính thời gian nghỉ thai sản không bao gồm thời gian nghỉ hè. Ví dụ cô giáo A, sinh con ngày 01/6; thời gian nghỉ thai sản của cô giáo A vẫn được tính từ 01/8.

Chồng cô giáo có đóng Bảo hiểm xã hội, cô giáo sinh con được hưởng chế độ như thế nào? Điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Cụ thể: Được nghỉ việc tối thiểu 05 ngày, tối đa 14 ngày; Được hưởng tiền thai sản; Ngoài ra, người chồng còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con nếu đã đóng đủ Bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi người vợ sinh.

Thời gian nghỉ thai sản, không phải đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp.

Sinh con thứ ba, chế độ có bị giảm? Có bị xử lý kỉ luật?

Trước đây khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình nhà nước có chủ trương cấm sinh con thứ 3 đối với công nhân viên chức.

Giáo viên nghỉ hưu trùng vào 2 tháng hè mất gần chục triệu đồng
Giáo viên nghỉ hưu trùng vào 2 tháng hè mất gần chục triệu đồng

Nếu sinh con thứ 3 thì sẽ chịu xử phạt hành chính phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ, hay bị khiển trách kỷ luật của cơ quan nơi người đó đang đảm nhiệm chức vụ, đang công tác.

Tuy nhiên, khi Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực kể từ 31/12/2013 ra đời, thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP (đã hết hiệu lực thi hành) về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đã không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ ba” nữa.

Điều này có nghĩa là pháp luật hiện tại không cấm việc sinh con thứ 3 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Pháp luật hiện hành để mở chế độ sinh con thứ ba, nên cơ quan nơi người sinh con thứ ba không được viện cớ để xử lý đối với nhân viên cơ quan mình sinh con thứ 3.

Với giáo viên, không phải là Đảng viên, chế độ thai sản sinh con thứ ba, không khác gì với con lần thứ nhất và thứ hai.

Với giáo viên là Đảng viên, sinh con thứ ba sẽ bị kỷ luật nếu không thuộc các đối tượng sau:

- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
+ Sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). (Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống).

- Sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).

Nếu không thuộc các đối tượng trên, việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện nay, được quy định tại Điều 27 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên sinh con thứ ba sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Mỗi đứa trẻ sinh ra, một tương lai, một chủ nhân của đất nước. Bảo trợ bà mẹ, trẻ em đã được luật hóa; ngoài ra, đối xử tốt với bà mẹ, trẻ em, thể hiện người có văn hóa, có giáo dục.                                                                           

Tài liệu tham khảo:

1. luatvietnam.vn/bao-hiem/che-do-thai-san-khong-nen-bo-qua-563-19578-article.html

2. luatvietnam.vn/bao-hiem/che-do-thai-san-cho-chong-563-19314-article.html

3. thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/24662/dang-vien-muon-sinh-con-thu-3-phai-biet-quy-dinh-nay?fbclid=IwAR0zKqQyXAXW-oY55f10CborVYzNOR6ONAj8DQLzVC0Q—AgbFYvwXwLIcc

4. thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-176-2013-ND-CP-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-y-te-213917.aspx

Hồ Oanh