Sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản cần thành thạo tiếng Anh nếu muốn tiến xa

17/01/2025 06:23
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thủy sản đóng góp 10 tỷ USD vào xuất khẩu năm 2024, nhưng ngành Nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn thu hút sinh viên do lo ngại từ phụ huynh và học sinh.

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều rủi ro, bất ổn. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sơ bộ đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Thủy sản là 1 trong 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2024, cụ thể giá trị xuất khẩu của mặt hàng thuỷ sản đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9%.

Sản lượng thủy sản quý IV/2024 ước đạt 2.524,5 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 9.547 nghìn tấn, tăng 2,5% so với năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.721,6 nghìn tấn, tăng 4,0%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.825,4 nghìn tấn, tăng 0,3%. [1]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Trí, Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay, báo cáo tổng kết năm nay cho thấy mặt hàng thuỷ sản tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong bức tranh xuất khẩu của cả nước, điều này đặt ra nhu cầu nhân lực lớn cho ngành. Ngành thủy sản đang phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi một lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký học các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó bao gồm ngành Nuôi trồng Thủy sản đang có xu hướng giảm mạnh. Đây là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh Việt Nam cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.

Cơ hội việc làm rộng mở, ngành Nuôi trồng thủy sản vẫn kém hấp dẫn

Theo thầy Trí, tại khoa Thủy sản của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh với hai ngành đào tạo chính là Nuôi trồng Thủy sản và Chế biến Thủy sản, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn trong những năm qua.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ phía phụ huynh và học sinh. Đối với ngành Nuôi trồng Thủy sản, nhiều phụ huynh lo ngại về tương lai nghề nghiệp của con mình. Phụ huynh cho rằng nghề này vất vả, đòi hỏi làm việc ngoài trời, phải ra ao hồ, trại nuôi tôm, cá…những công việc gắn liền với “dầm mưa dãi nắng”. Thay vào đó, phụ huynh có khuynh hướng tư vấn cho con em mình lựa chọn ngành nghề “nhẹ nhàng” hơn như làm việc văn phòng. Đây chính là một rào cản lớn khiến học sinh không mặn mà với các ngành nông nghiệp.

Đối với học sinh, nhiều em thiếu thông tin chính thống về ngành nghề. Sự phụ thuộc vào mạng xã hội, điện thoại thông minh và việc tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc khiến các em không hiểu rõ về tiềm năng hay cơ hội của nhiều ngành nghề.

Thêm vào đó, môi trường kinh tế - xã hội hiện nay cũng góp phần làm giảm sức hút của các ngành nông nghiệp. Khi cuộc sống gia đình khá giả hơn, học sinh thường ngại chọn những ngành nghề vất vả như nuôi tôm, cá hay trồng lúa. Quan điểm này càng khiến tỷ lệ sinh viên đăng ký học các ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm so với trước đây.

Cùng bàn về thực trạng tuyển sinh ngành, Tiến sĩ Nguyễn Đình Vinh, Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh cũng cho biết, hiện nay sinh viên tốt nghiệp các ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành Nuôi trồng thủy sản, chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 40% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mỗi năm. Điều này xuất phát từ việc số lượng sinh viên đăng ký theo học các ngành này vẫn còn thấp. Số lượng sinh viên đăng ký vào ngành Nuôi trồng Thủy sản đang giảm trong những năm gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quan niệm của phụ huynh và học sinh. Các ngành nông nghiệp nói chung và ngành Nuôi trồng Thủy sản nói riêng không được coi là ngành “hot” trong xu hướng chọn nghề của giới trẻ hiện nay, khi thế hệ “Gen Z” có xu hướng ưu tiên các ngành kinh tế và công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ về cơ hội việc làm và mức thu nhập hấp dẫn mà ngành Nuôi trồng Thủy sản có thể mang lại sau khi tốt nghiệp.

Việc nâng cao nhận thức và có những chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút thêm nhiều sinh viên lựa chọn ngành học này, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành thủy sản, lĩnh vực đầy tiềm năng trong tương lai.

470189340_1021471389784503_3216309428198147049_n.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đình Vinh, Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh. Ảnh website trường.

Thầy Nguyễn Như Trí nhận định, nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và ngành Nuôi trồng thuỷ sản nói riêng có vị thế là thế mạnh của Việt Nam, vẫn còn tiềm năng lớn nếu được phát triển bài bản và đạt chuẩn quốc tế.

Để thay đổi thực trạng này, cần có sự phối hợp giữa các trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về tiềm năng, lợi ích của ngành nông nghiệp. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ như học bổng, giảm học phí hay cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ hơn để thu hút sinh viên, góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp – thủy sản, một lĩnh vực đầy tiềm năng và ý nghĩa với sự phát triển của đất nước.

Nhiều chương trình hướng nghiệp thu hút sinh viên

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Nuôi trồng Thủy sản, các cơ sở giáo dục không ngừng cải thiện chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Trí chia sẻ, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, luôn chú trọng chất lượng giảng dạy và xây dựng đội ngũ giảng viên. Ngành Nuôi trồng Thủy sản là ngành truyền thống, trọng điểm của Khoa, với 50 năm phát triển. Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng Thủy sản của Khoa đã được kiểm định và đạt chuẩn AUN-QA. Đây là cột mốc quan trọng, nâng cao vị thế của Khoa và khẳng định chất lượng đào tạo đạt tầm khu vực.

Chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên, mỗi 2-3 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nhà trường cũng tổ chức các hội thảo với doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu nhân lực, từ đó điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp, giúp sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động.

w3.jpg
Hoạt động thực hành, thực tập của sinh viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website trường.

Về đội ngũ giảng viên, hiện Khoa có 25 giảng viên, trong đó 64% là tiến sĩ, vượt xa mức 30% theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, 100% giảng viên tiến sĩ của Khoa đều được đào tạo ở nước ngoài, mang lại chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vượt trội. Đây chính là một trong những ưu thế quan trọng giúp Khoa Thủy sản khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo ngành Nuôi trồng Thủy sản tại Việt Nam.

Còn tại Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Vinh cũng cho biết, viện luôn chú trọng vào phát triển chương trình đào tạo và cán bộ giảng viên. Viện sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, hơn 80% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ. Riêng ngành Nuôi trồng Thủy sản, 100% giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó 30% được đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín ở nước ngoài, mang đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Cơ sở vật chất của viện được đầu tư đồng bộ và hiện đại, bao gồm hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến và các trại thực nghiệm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, thực hành và nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản. Đây là nền tảng quan trọng để sinh viên phát triển kỹ năng thực tế, đồng thời chuẩn bị tốt cho công việc sau này.

Viện cũng ký thỏa thuận hợp tác với 18 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp hợp tác toàn diện cho phép sinh viên thực tập từ năm thứ hai, nhận lương và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Nhờ đó, 100% sinh viên ngành này có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên được miễn phí 100% chi phí ký túc xá trong thời gian học tại trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Viện cũng có chính sách học bổng phong phú từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm học bổng từ Nhà nước, nhà trường, các đối tác nước ngoài, các cựu sinh viên thành đạt, và đặc biệt là từ các doanh nghiệp hợp tác với trường. Đây là cơ hội để sinh viên xuất sắc được khích lệ và hỗ trợ trong học tập.

Đặc biệt, sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản còn có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi học tập và thực tập tại các quốc gia như Israel, Đan Mạch, Ba Lan, và Hàn Quốc từ năm thứ hai, mở rộng kiến thức và kinh nghiệm quốc tế.

Vinh.jpg
Giảng viên Bộ môn Thủy sản, Trường Đại học Vinh làm việc với doanh nghiệp và thăm cựu sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản. Ảnh website trường.

Mức học phí tại Viện Nông nghiệp và Tài Nguyên cũng thấp hơn so với nhiều trường đại học khác trong cùng khối ngành, đặc biệt là các trường tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, giúp nhiều gia đình dễ dàng tiếp cận với giáo dục chất lượng.

Trước những khó khăn trong tuyển sinh, các trường còn tổ chức nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp. Năm 2024, ngành Nuôi trồng Thủy sản của Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ sinh viên nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 70-75%. Thầy Nguyễn Như Trí đánh giá, trong bối cảnh tuyển sinh gặp nhiều khó khăn hiện nay, đây được coi là một kết quả khả quan, nhất là khi so sánh với tình hình chung của các cơ sở đào tạo thủy sản trong cả nước.

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Một ngày làm sinh viên Nông Lâm” từ năm 2025, mời học sinh trung học phổ thông tham gia trải nghiệm thực tế tại trường.

Mục tiêu chính của chương trình là quảng bá các ngành thuộc nhóm nông, lâm, ngư, qua đó giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn. Thầy Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, ngay khi học sinh bước vào cấp 3. Điều này không chỉ giúp các em hiểu rõ ngành nghề mà còn hỗ trợ lựa chọn môn học phù hợp, định hình con đường học tập tương lai.

Cơ hội việc làm rộng mở, sinh viên cần kỹ năng để tiến xa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Vinh, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, các kỹ sư tương lai cần trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thiết yếu để có thể tiến xa trong công việc.

Ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, am hiểu thực tiễn và khả năng ứng dụng vào sản xuất, sinh viên cần có kỹ năng nghề nghiệp như thành thạo kỹ thuật sản xuất, thực hành tốt, tổ chức và quản lý cơ sở sản xuất là những yêu cầu không thể thiếu. Bên cạnh đó, khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả trong nhiều bối cảnh khác nhau cũng rất quan trọng. Không chỉ vậy, kỹ năng giao tiếp, sử dụng thành thạo tin học và ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc và bắt kịp xu hướng hội nhập toàn cầu.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư Nguyễn Như Trí cũng nhấn mạnh, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp và làm việc nhóm. Kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp sinh viên làm việc hiệu quả với đồng nghiệp trong công ty mà còn tạo lợi thế khi tương tác với đối tác bên ngoài. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mà còn giúp sinh viên thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.

w2.jpg
Sinh viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh khi đi kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh website trường.

Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được xem là công cụ thiết yếu trong ngành Nuôi trồng thủy sản. Thầy Trí chỉ rõ, các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh rất phong phú, và việc nắm vững ngôn ngữ này giúp sinh viên tiếp cận nhanh chóng với tri thức mới. Đồng thời, khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tập đoàn đa quốc gia với mức lương cao và cơ hội thăng tiến rộng mở.

Thầy Trí khuyến khích sinh viên mở rộng tầm nhìn, không giới hạn bản thân trong phạm vi Việt Nam mà hãy tự tin tìm kiếm cơ hội làm việc tại các nước trong khu vực Đông Nam Á hay châu Á. Các quốc gia này cũng đang có nhu cầu lớn về nhân lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Khi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, tiếng Anh là chìa khóa quan trọng. Nhờ khả năng ngoại ngữ, sinh viên có thể giao dịch, giao tiếp với đối tác nước ngoài, hỗ trợ sếp trong các giao dịch quốc tế và mở rộng vai trò của mình. Tiếng Anh không chỉ giúp cải thiện mức lương mà còn là một trong những yếu tố then chốt cho sự thăng tiến trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Cơ hội việc làm trong ngành Nuôi trồng thủy sản rất rộng mở, nhưng để tiến xa, sinh viên cần đầu tư phát triển đồng đều cả về chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Đây là hành trang cần thiết để các kỹ sư tương lai sẵn sàng đối mặt với những thách thức và nắm bắt cơ hội trong môi trường làm việc toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024-119250106104456764.htm

Thùy Trang