Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một định hướng quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đối với giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.
Chênh lệch về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ giữa các vùng miền
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Đại học Duy Tân cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện nay có khoảng 85.000 giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ, nghĩa là tỷ lệ chiếm khoảng 32%.
Cụ thể, nếu tính theo từng khu vực thì tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước với 51,01%. Đứng ở vị trí thứ hai là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở Đông Nam bộ, đạt 24,66%. Kế tiếp lần lượt là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 11,67%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,21%); Trung du miền núi phía Bắc (4,52%). Khu vực có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp nhất cả nước là vùng Tây Nguyên, chỉ 1,04%.
Như vậy, từ nay đến năm 2030, toàn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cần tăng thêm bình quân ít nhất 8% tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ để đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển giáo dục đề ra.
Theo đó, "việc tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40% là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở thực hiện được. Có thể thấy, đây là xu hướng tất yếu mà các cơ sở giáo dục phải định hướng và nỗ lực phấn đấu thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó phục vụ sự nghiệp phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước", Tiến sĩ Võ Thanh Hải đánh giá.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các vùng miền có sự phân bố không đồng đều, một phần phản ánh sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, môi trường học thuật, nguồn lực hỗ trợ tài chính và chính sách thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao của từng địa phương. Có vùng đã vượt xa tỷ lệ 40%, trong khi đó, có khu vực thì tỷ lệ còn rất thấp như: vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (11,67%); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (7,21%); vùng Trung du miền núi phía Bắc (4,52%).
Vì vậy, theo Phó Giám đốc Đại học Duy Tân, chúng ta cần xây dựng những chính sách học bổng toàn phần cho các giảng viên tại các vùng này để gia tăng số lượng thầy cô tham gia làm nghiên cứu sinh. Ngoài ra, các trường cần xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ tham gia giảng dạy và nghiên cứu, nhằm góp phần gia tăng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Đồng thời, chúng ta cần khuyến khích, hỗ trợ giảng viên có cơ hội tham gia các chương trình nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, tạo điều kiện để tiếp cận với môi trường học thuật tiên tiến, phát triển chuyên môn nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các trường đại học có thể thu hút nhân tài trình độ tiến sĩ thông qua các gói đãi ngộ hấp dẫn như hỗ trợ nhà ở, ưu đãi lương bổng và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.
Việc đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu như phòng thí nghiệm và thư viện hiện đại cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân và phát huy năng lực của đội ngũ giảng viên. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục quốc gia.
Đối với Đại học Duy Tân, hiện nay, cơ sở đào tạo đã đạt được tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ; mục tiêu của nhà trường đến năm 2030 đạt 50% tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Không chỉ thu hút, mà còn cần phải giữ chân nhân tài
Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ 2019-2024 chia sẻ, là cơ sở giáo dục đại học tọa lạc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhà trường đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu sinh ở cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, nhà trường tài trợ học phí trong thời gian học tập đúng hạn cũng như đảm bảo các phúc lợi như làm việc tại trường. Theo quy định, giảng viên học tập ở nước ngoài được nhận 60% lương, nhưng nhà trường linh hoạt trích quỹ sự nghiệp để bù đắp 40% còn lại để người đi học được hưởng 100% lương. Ngoài ra, nhà trường coi đi học là nhiệm vụ và cũng là một cách đóng góp cho cơ sở đào tạo. Vì vậy, khi sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, giảng viên sẽ nhận được một khoản hỗ trợ tài chính như sự ghi nhận đóng góp của nhà trường.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh bày tỏ lo ngại trước tình trạng cạnh tranh nhân sự trình độ cao ngày càng khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục đại học. Với quy mô đào tạo chưa lớn và sắp chuyển sang cơ chế tự chủ, nhà trường có thể đối mặt với nguy cơ "mất người", đặc biệt là những giảng viên tài năng vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, khi nhiều trường đại học khác đưa ra nhiều chính sách thu hút tiến sĩ.
Hiện tại, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Kiên Giang đạt khoảng 20%. Nhà trường có 38 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Đây chính là nguồn lực bổ sung chủ yếu của nhà trường, thay vì phụ thuộc vào các chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài.
Cơ sở đào tạo lựa chọn chiến lược dài hạn là phát triển nội lực, đưa đội ngũ giảng viên hiện có đi học nghiên cứu sinh, được kỳ vọng sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong tương lai.
Chiến lược này không chỉ giúp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn đảm bảo sự gắn kết lâu dài, bền vững giữa giảng viên và nhà trường. Song, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cũng nhận định rằng việc giữ chân nhân tài sau khi hoàn thành đào tạo là thách thức không nhỏ, đòi hỏi nhà trường phải tiếp tục cải thiện các chính sách đãi ngộ và tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất để đội ngũ giảng viên có thể phát huy tối đa năng lực, đồng thời đóng góp lâu dài cho sự phát triển của trường.
Còn theo Tiến sĩ Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, nhà trường thực hiện tuyển dụng được 15 tiến sĩ, mở ra những cơ hội nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa của giáo dục đại học. Theo từng ngành nghề và vị trí làm việc, mỗi tiến sĩ được hỗ trợ tài chính dao động từ 100 đến 200 triệu đồng.
Hiện tại, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đạt khoảng 40%. Nhà trường định hướng đẩy mạnh việc thu hút tiến sĩ từ bên ngoài, đặc biệt là lực lượng giảng viên được đào tạo tại các trường đại học ở nước ngoài, giúp rút ngắn thời gian và đáp ứng mục tiêu chất lượng mà nhà trường đặt ra.
Không chỉ tập trung vào việc tuyển dụng, nhà trường còn khuyến khích và tạo điều kiện để các giảng viên trẻ tiếp tục học tập và nâng cao trình độ. Những giảng viên của trường tham gia chương trình nghiên cứu sinh được hưởng toàn bộ lương trong thời gian học, giảm 50% giờ giảng dạy và được nhà trường chi trả học phí. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ và trở về làm việc tại trường, các giảng viên sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính bổ sung, với mức 8 triệu đồng/tháng, đi kèm với đó là điều kiện mỗi giảng viên phải công bố ít nhất một bài báo khoa học hàng năm trên các tạp chí khoa học uy tín.
Nhà trường luôn khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ làm tiến sĩ và sẵn sàng hỗ trợ những điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn cơ sở đào tạo làm nghiên cứu sinh không phải là tùy ý, mà phải được lãnh đạo nhà trường xét duyệt, đảm bảo chương trình học đúng ngành, phù hợp với định hướng phát triển và đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Với chiến lược đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, nhà trường mong muốn không chỉ hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ mà còn xây dựng mục tiêu đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn vượt trội, góp phần phát triển bền vững chất lượng giáo dục đại học của nhà trường.