LTS: Thời gian gần đây, đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Được biết, vấn đề này cũng đã được đặt ra từ cách đây nhiều năm. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học-Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 1988-2007), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, được biết từ nhiều năm trước đây, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có chủ trương thống nhất quản lý giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đến nay không ít cơ sở giáo dục đại học vẫn thuộc các bộ, ngành khác quản lý.
Thưa ông, thực tế tình hình lúc đó ra sao? Và những khó khăn nào đã cản trở việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đúng vậy, thực tế vấn đề chuyển quản lý các cơ sở giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được đề cập từ lâu lắm rồi.
Do giáo dục đại học Việt Nam trước đổi mới đi theo mô hình Liên Xô cũ, việc quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống hành chính tập trung bao cấp nên các trường được bố trí trực thuộc nhiều bộ/ngành, cơ quan khác nhau. Nhận thấy mô hình cũ dần bộc lộ nhiều bất cập, không còn đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới khi nước ta đã bước ra khỏi thời chiến vì vậy, từ những năm đầu thập niên 80-90 của thế kỉ XX, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã bắt đầu có chủ trương sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học theo hướng thống nhất quản lý giáo dục đại học về một đầu mối là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Có thể thấy rõ chủ trương này qua 2 văn bản là Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 22/4/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác giáo dục trong những năm trước mắt và Quyết định số 255-HĐBT ngày 31/8/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức và sắp xếp mạng lưới các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, chủ trương này chưa được triển khai nghiêm túc và vẫn còn tình trạng một số trường vẫn ở lại các bộ/ngành cũ của mình. Đơn cử, trong giai đoạn này, Trường Đại học Giao thông vận tải từ Bộ Giao thông vận tải đã chuyển về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo); trong khi đó, Trường Đại học Nông nghiệp 1 - Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã có lúc từ Bộ Nông Lâm chuyển sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý, tuy nhiên sau đó lại trở về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bất cập này cũng đã được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh đề cập tại Hội nghị toàn quốc các Hiệu trưởng đại học và cao đẳng tại Hà Nội năm 1992 rằng:
“Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng của chúng ta quá bất hợp lý từ nhiều năm nay. Quy mô của mỗi trường quá nhỏ, đại bộ phận là các trường đơn ngành. Việc bố trí xây dựng của các trường đại học và cao đẳng chịu ảnh hưởng nặng của hệ thống hành chính, tổ chức và hoạt động trường theo Bộ, theo tỉnh, thành. Sự ngăn cách, biệt lập giữa các trường cản trở rất lớn việc phát huy tiềm lực của đội ngũ cán bộ giáo dục, hạn chế việc phát huy năng lực của cơ sở vật chất hiện có của các trường, gây khó khăn cho sự liên thông liên kết giữa các trường.
Từ nhiều năm nay, Nhà nước ta đã đề ra nhiệm vụ sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các trường đại học và cao đẳng. Năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định 73, năm 1991 lại có Quyết định 255 về việc này. Việc sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các trường đại học, cao đẳng ai cũng đồng ý, ai cũng thấy cần phải làm… Nhưng rõ ràng là cho đến hôm nay việc đó chưa làm được bao nhiêu, hệ thống mạng lưới vẫn chưa có gì thay đổi so với 3 năm trước. Đây là một khuyết điểm của ngành giáo dục và đào tạo và cũng là khuyết điểm của Hội đồng Bộ trưởng”.
Vậy nguyên nhân vì sao quá trình chuyển giao quản lý gặp khó khăn?
Đó là do thói quen bao cấp và tập trung của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Lúc bấy giờ, mỗi bộ quản lý không chỉ lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn chịu trách nhiệm toàn diện cho các hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực đó như đào tạo nhân lực, cấp phát ngân sách, điều hành sản xuất, hay cả chăm sóc sức khỏe, phúc lợi cho người lao động trong ngành,... Theo đó, các bộ thường có hệ thống đào tạo trực thuộc (như trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề,...), tập trung đào tạo kỹ năng, kiến thức chuyên ngành theo định hướng của bộ. Sau khi tốt nghiệp, người học thường được phân công hoặc điều động làm việc tại các đơn vị thuộc bộ hoặc trong lĩnh vực do bộ quản lý.
Chính vì vậy, khi chuyển giao quản lý trường từ các bộ chuyên ngành sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, những khó khăn đã nảy sinh do thói quen cũ và sự thiếu quyết đoán trong việc thực hiện thay đổi. Một số trường và bộ, ngành đưa ra lý do như nếu tiếp tục trực thuộc bộ chuyên ngành thì các trường sẽ được cấp ngân sách và kinh phí hoạt động nhiều hơn so với trường hợp chuyển về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, thực tế ngân sách dành cho các trường đại học đều được lấy từ ngân sách nhà nước, chứ không phải từ nguồn lực tài chính riêng của các bộ/ngành.
Ngoài ra, cũng một số lấy lý do nếu các trường thuộc bộ chuyên ngành thì sẽ tranh thủ được nguồn lực giảng viên chuyên môn. Lý do này có phần hợp lý, nhưng chỉ đúng với các trường đào tạo đơn ngành. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chuyển đổi sang mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực đang ngày càng phổ biến để phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế nhiều thành phần. Như vậy lý do trên cũng không còn thuyết phục trong bối cảnh hiện nay.
Một nguyên nhân khác chúng ta cũng phải thừa nhận, đó là do sự thiếu quyết đoán khiến các bộ ngành có điều kiện duy trì tình trạng quản lý cũ và làm chậm quá trình chuyển giao. Điều này cũng phản ánh những khó khăn trong việc thay đổi tư duy quản lý từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang quản lý theo cơ chế thị trường nhiều thành phần.
Phóng viên: Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, một số ý kiến đề xuất chuyển các trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước tiên, tôi muốn làm rõ nội hàm liên quan đến vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục đại học. Ở đây, quản lý bao gồm quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp.
Quản lý nhà nước áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục, bao gồm cả công lập và tư thục. Quản lý nhà nước bao gồm các nhiệm vụ chính như xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục; Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục,...
Theo Điều 105, Luật Giáo dục 2019, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và giáo dục thường xuyên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
Trong khi đó, quản lý trực tiếp chỉ áp dụng cho các trường công lập, thông qua cơ quan quản lý trực tiếp, mà trước đây chúng ta vẫn gọi là cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản hay cơ quan quản lý trực tiếp có nhiệm vụ quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc, về các vấn đề như định hướng chiến lược phát triển, tổ chức, nhân sự (như bổ nhiệm hiệu trưởng), tài chính, đầu tư cơ sở vật chất của trường,... Và đây “thực chất” là "mầm mống" dẫn đến cơ chế "xin - cho" trong quản lý.
Theo xu hướng tự chủ đại học, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực tự chủ sẽ tiến tới không còn cơ quan quản lý trực tiếp, quyền quản trị, điều hành nhà trường sẽ do Hội đồng trường (đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan) tiếp nhận. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hiện mới chỉ có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm trao quyền tự chủ (theo Nghị quyết 77/NQ-CP). Các cơ sở giáo dục đại học chưa có năng lực tự chủ toàn diện thì vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan trực thuộc, đó là các bộ/ngành, cơ quan trung ương, địa phương.
Như vậy, lâu nay các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta vẫn nằm “rải rác” ở các bộ, ngành, địa phương khác nhau.
Vừa qua, có đề nghị Nhà nước thống nhất tập trung chức năng quản lý các cơ sở giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phóng viên: Vậy đề xuất này hợp lý hay không, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Từ cơ sở lý luận và thực tiễn vận hành tổ chức quản lý các cơ sở giáo dục đại học nước ta mấy chục năm qua, tôi cho rằng đề xuất này là hợp lý, đồng thời phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và nguyên tắc "1 việc không giao cho 2 người" như Chính phủ đã đề ra.
Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề.
Và như đã chia sẻ, ngay từ sớm Nhà nước ta cũng đã thấy bất cập, nhưng vướng từ phía cơ sở, các bộ chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp) nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện việc thống nhất quản lý.
Đây là thời điểm rất thích hợp để xem xét lại vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục đại học, qua đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một hệ thống giáo dục đại học đồng bộ, thống nhất, đóng vai trò làm bệ phóng mạnh mẽ cho sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Phóng viên: Vậy để thực hiện việc chuyển giao các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hiệu quả và đảm bảo không gây gián đoạn đến hoạt động của các trường, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể nào?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, trước tiên chúng ta cần sửa một số điều quy định liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục 2019 để hợp thức hóa về mặt thể chế.
Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm: “Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Như vậy, trách nhiệm quản lý hệ thống giáo dục nói chung chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn các bộ, ngành khác cần tập trung quản lý lĩnh vực chuyên môn của mình, tránh “ôm đồm” quá nhiều việc và dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành. Việc phân rõ nhiệm vụ này cũng loại bỏ được tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm giữa các bộ, ngành. Mà một khi đã từ bỏ chức năng quản lý các cơ sở giáo dục đại học thì các bộ, ngành đó cũng phải từ bỏ luôn quyền cấp ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như quyền sở hữu của mình đối với đất đai, cơ sở vật chất,…của các trường đó, bởi theo Bộ Luật dân sự 2015 thì mọi tài nguyên này đều thuộc sở hữu toàn dân, không phải của riêng nhà trường. Chưa kể, chừng nào các bộ, ngành khác còn có quyền cấp ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học thì các trường vẫn còn lý do để "bấu víu" vào.
Như đã đề cập ở trên, theo Điều 105, Luật Giáo dục 2019, quy định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm: Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý. Như vậy, để Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất vai trò quản lý nhà nước về giáo dục trước tiên Quốc hội cần bỏ Khoản 3, Khoản 4, Điều 105, Luật Giáo dục 2019, tức là bỏ vai trò quản lý nhà nước về giáo dục đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và các bộ, cơ quan ngang bộ khác. Lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thực sự đóng vai trò đại diện duy nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với giáo dục.
Riêng với Ủy ban nhân dân các cấp, vẫn duy trì việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tôi muốn nói rõ thêm ở điểm này, bộ/cơ quan ngang bộ là thành viên của Chính phủ. Mà trong Chính phủ, thì 1 bộ chỉ làm 1/một số việc, 1 việc chỉ giao cho 1 bộ - tức mỗi bộ chịu trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực chuyên ngành trên phạm vi toàn quốc (ví dụ: Bộ Y tế quản lý lĩnh vực y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục).
Còn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đóng vai trò như “chính phủ địa phương”. Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... tại địa phương.
Như vậy, việc giao quyền quản lý nhà nước về giáo dục cho Ủy ban nhân dân các cấp thể hiện sự phân cấp, phân quyền cho địa phương. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (vào hồi đầu tháng 11/2024), đó là: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục-đào tạo để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. [1]
Các trường đại học địa phương ra đời nhằm mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó. Đây là mô hình rất hay cần được phát huy.
Vì là trường đại học phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và bồi dưỡng dân trí cho cộng đồng địa phương, do đó loại trường này phải được chính quyền và cộng đồng địa phương chăm lo bảo tồn và phát triển.
Địa phương phải thật sự xem các trường là “đứa con” của mình, từ đó có trách nhiệm duy trì, hỗ trợ, ưu tiên giao nhiệm vụ và cấp ngân sách hợp lý cho các trường trực thuộc địa phương để các trường thực hiện đúng sứ mệnh của mình như đã cam kết với Chính phủ khi thành lập. Địa phương nào không chăm lo cho sự phát triển của các trường trực thuộc thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, để phát triển thuận lợi, các trường địa phương nên được tổ chức theo mô hình của trường đại học, cao đẳng cộng đồng rất phổ biến trên thế giới hiện nay.
Phóng viên: Một số ý kiến lo ngại rằng việc tập trung quá nhiều cơ sở giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể dẫn đến tình trạng quá tải. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đúng vậy, nếu đề xuất này được thông qua, số lượng các cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá nan giải, bởi với xu thế tự chủ đại học, trong thời gian không lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ còn đóng vai trò quản lý về mặt nhà nước, thông qua việc xây dựng chiến chiến lược giáo dục đại học, ban hành các chính sách, các chuẩn giáo dục đại học, lập kế hoạch phân bố ngân sách cho các trường và giám sát các trường về tuân thủ luật pháp.
Lúc này, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được “cởi trói” hoàn toàn khỏi cơ chế chủ quản, và được trao quyền tự chủ đầy đủ về các mặt học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính để phát triển. Hội đồng trường là đại diện duy nhất của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quản trị toàn diện về mọi hoạt động của trường đại học.
Để Nhà nước quản lý hiệu quả các cơ sở giáo dục đại học, tôi có vài đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần đẩy nhanh quá trình trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, nhưng không phải trao theo kiểu đồng loạt, ào ào. Không đồng nhất tự chủ với tự túc tài chính. Hiện nay, tự chủ thường đi kèm với việc bị cắt giảm ngân sách, trong khi đó, nếu không tự chủ, các trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý trực tiếp. Điều này khiến nhiều trường không mặn mà với tự chủ. Do đó, thay vì cắt giảm, Nhà nước nên tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học. Có như vậy, mới tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, nâng cao sức mạnh nội lực.
Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý và đầu tư cho giáo dục. Địa phương phải chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng của sản phẩm đào tạo, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, không ỷ lại vào Trung ương. Mọi địa phương đều có ngân sách riêng (bao gồm cả phần hỗ trợ từ Trung ương) nên không có lý do gì để không thực hiện chức năng của mình đã được quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2019.
Thứ ba, hình thành các đơn vị trường ở cấp trung gian (như tập đoàn, hệ thống trường) có đủ năng lực tự chủ để quản lý và hỗ trợ trực tiếp các trường còn chưa đủ năng lực tự chủ. Lúc này, các trường sẽ là thành viên, phân hiệu của đơn vị trường cấp trung gian này.
Việc quản lý thông qua các đơn vị trung gian giúp giảm bớt gánh nặng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tạo điều kiện cho việc ra quyết định nhanh chóng và phù hợp với thực tiễn cơ sở. Các trường thành viên có thể từng bước nâng cao năng lực, tiến tới tự chủ hoàn toàn khi đã đủ điều kiện, tạo ra một hệ thống giáo dục linh hoạt và thích ứng.
Việc thiết lập các đơn vị trung gian như tập đoàn hoặc hệ thống trường để quản lý và hỗ trợ các cơ sở giáo dục chưa đủ năng lực tự chủ là một giải pháp hữu hiệu, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Thái Lan,..
Đơn cử như Hệ thống Cao đẳng Cộng đồng California tại Hoa Kỳ gồm hơn 100 trường cao đẳng cộng đồng trải rộng khắp bang. Quản lý hệ thống này là Hội đồng Quản trị Cao đẳng Cộng đồng California (California Community Colleges Board of Governors), thiết lập chính sách và hướng dẫn cho toàn hệ thống. Mỗi trường có ban quản lý riêng, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày và đảm bảo chất lượng giáo dục. Điều này cho phép các trường tự chủ trong việc phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu địa phương, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn chung của hệ thống. Mô hình quản lý này giúp giảm tải cho Bộ Giáo dục California, cho phép các trường cao đẳng cộng đồng linh hoạt và tự chủ hơn trong việc đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo của cộng đồng địa phương. Đồng thời, nó tạo điều kiện cho sự phối hợp và chia sẻ nguồn lực giữa các trường trong hệ thống, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục trên toàn bang.
Thứ tư, cần đưa vào Luật Giáo dục về trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc tham gia hỗ trợ và đóng góp cho hoạt động của hệ thống giáo dục, như: tạo điều kiện cho sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp, địa phương; cấp học bổng, cấp ngân sách cho trường nếu sử dụng sản phẩm đào tạo của cơ sở đào tạo,...
Thứ năm, khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời triển khai hệ thống giáo dục mở thông qua quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn cụm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-dua-giao-duc-va-dao-tao-viet-nam-theo-kip-cac-nuoc-phat-trien-cang-som-cang-tot-102241102161701251.htm