"Người trong cuộc" chia sẻ quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở huyện đảo

17/01/2025 06:17
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở huyện đảo, cần đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ.

Tại Việt Nam, công tác chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.

Nhằm thúc đẩy và đồng bộ hóa quá trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 3806/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2024 về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ chỉ số).

Mức độ chuyển đổi số đối với các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương được đánh giá theo thang điểm tối đa là 100 điểm, kết quả được đánh giá ở ba mức độ:

Mức độ 1 (chưa đáp ứng): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số dưới 50 điểm.

Mức độ 2 (đáp ứng cơ bản): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số từ 50 đến 75 điểm.

Mức độ 3 (đáp ứng tốt): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số trên 75 điểm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục ở các địa phương nhằm đáp ứng các mức độ theo Bộ chỉ số còn gặp một số khó khăn, nhất là với các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở huyện đảo.

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số ở huyện đảo chưa đảm bảo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc thực hiện chuyển đổi số ở địa phương, thầy Nguyễn Công Hiếu - Viên chức trưng dụng phụ trách chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô (Quảng Ninh), giáo viên trường Trung học cơ sở Đồng Tiến cho biết:

"Khi có sự chỉ đạo của các cấp về chuyển đổi số trong giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô đã tiến hành tập huấn, chỉ đạo các trường thực hiện. Do vậy, công tác này tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, trong năm học 2023 - 2024, ở Cô Tô, có 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở thực hiện chuyển đổi số. Phòng Giáo dục và Đào tạo tự đánh giá đạt Mức độ 2 (đáp ứng cơ bản). Trong năm học 2024 - 2025, việc chuyển đổi số tiếp tục được thực hiện với 3 trường mầm non. Các công việc dần được tin học hóa một cách tự động, thay thế văn bản giấy".

Chia sẻ về khó khăn gặp phải trong quá trình tiến hành chuyển đổi số, thầy Hiếu thông tin, điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh và nhà trường chưa đảm bảo. Máy tính tại các trường được cấp đã lâu, không tương thích với các phần mềm mới. Ngoài ra, không phải gia đình học sinh nào cũng có máy tính nên ảnh hưởng đến việc sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết ở vùng huyện đảo cũng khiến máy móc dễ bị hư hỏng, đường truyền internet không ổn định. Chưa kể, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên, nhân viên không đồng đều.

gdvn-ongdungsogd2-8837.jpg
Ảnh minh họa: Việt Dũng

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phan Văn Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: "Phía Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ về chuyển đổi số bao gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp..."

Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc huyện triển khai, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục trên địa bàn huyện, nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ chỉ số.

Công tác chuyển đổi số của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo thu được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Phương tiện, đường truyền, phần mềm đáp ứng yêu cầu về tham gia các hoạt động dạy và học trực tuyến; trang bị máy tính học môn tin học theo từng cấp học.

Chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Đa số giáo viên, phụ huynh học sinh có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, quản lý và cơ sở dữ liệu, áp dụng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Quản lý người học, nhà giáo bằng hồ sơ số với định danh thống nhất. 100% các trường phổ thông trên địa bàn huyện đã triển khai, đồng bộ dữ liệu hệ thống quản lý học sinh vnEdu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo quy định; cập nhật dữ liệu định danh học sinh theo quy định. 100% hồ sơ cán bộ quản lý, giáo viên được cập nhật hệ thống phần mềm quản lý nhân sự.

Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu bằng hồ sơ số. 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai, sử dụng phần mềm quản lý, sử dụng tài sản Bộ Tài chính.

Triển khai cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo của địa phương, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu ngành, quốc gia.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số. Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên đảm bảo 100% nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lam Côn Đảo.jpg
Cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Cần nâng cao cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn cho đội ngũ

Để khắc phục những khó khăn trong công tác chuyển đổi số, hướng đến mức đánh giá cao hơn, thầy Nguyễn Công Hiếu thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô đã phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời học hỏi từ đồng nghiệp trong các huyện khác để hoàn thành công việc.

Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, tạo điều kiện cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tập huấn, sau đó về hướng dẫn các trường thực hiện chuyển đổi số.

Chia sẻ thêm về quy trình đánh giá mức độ chuyển đổi, việc công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số trên các cổng thông tin điện tử, thầy Nguyễn Công Hiếu khẳng định điều này tạo được động lực và minh bạch hóa quá trình thực hiện.

Để việc tiến hành đánh giá mức độ chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, thầy Hiếu đề xuất, nên đồng bộ thông tin cá nhân giữa các ban ngành liên quan để thay thế văn bản giấy. Tránh trường hợp, mỗi khi có yêu cầu về hồ sơ, phải cung cấp sơ yếu lý lịch, công chứng các văn bằng, chứng chỉ liên quan...

Ngoài ra, cũng nên có chính sách cho những người phụ trách công nghệ thông tin, tăng cường nhận thức về công việc liên quan đến chuyển đổi số và chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị.

z5931025361502_10ceab514d051e092cf1fd4c242dc252.jpg
Học sinh trường Tiểu học Thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh minh họa: NTCC.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại địa phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn chỉ ra cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm:

Công tác chỉ đạo, điều hành: Tiếp tục thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và giữa các cơ quan, để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành bảo đảm thông suốt các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Tiếp tục triển khai, thực hiện các kế hoạch về chuyển đổi số của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn; cụ thể hóa các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh, huyện đã ban hành; ban hành Kế hoạch số 23/KH-PGDĐT ngày 20/5/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thí điểm học bạ số.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật: Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị.

Công tác chuyên môn: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành.

Tiếp tục khai thác, sử dụng Hệ thống phần mềm Quản lý giáo dục gồm nhiều phân hệ; tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở theo Kế hoạch số 23/KH-PGDĐT ngày 20/5/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Phát triển nguồn lực: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cơ quan và các đơn vị trực thuộc; đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin các nội dung chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, an toàn thông tin.

Chú trọng các giải pháp nhằm xây dựng và hình thành Công dân điện tử như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin

Công tác an ninh mạng: Tăng cường tập huấn, triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin; kiện toàn, bố trí cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn thông tin cho đơn vị; nghiêm túc thực hiện theo các văn bản quy định của huyện, tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông; định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị trực thuộc Phòng.

Hồng Linh