The Japan Times ngày 30/12 dẫn phóng sự của hãng Bloomberg tường thuật cuộc sống khó khăn của đại bộ phận sinh viên Nhật Bản xuất thân từ tầng lớp bình dân. Họ phải đối mặt với tương lai bất ổn với khoản nợ trên lưng cho những tháng năm theo đuổi giấc mơ đại học.
Kengo Kyogoku, một sinh viên Đại học Waseda danh tiếng ở Tokyo phải vay khoảng 1035 USD mỗi tháng để trang trải học hành, chưa kể tiền thù lao từ một công việc bán thời gian. Mẹ anh không đủ khả năng chi trả học phí đại học đắt đỏ cho cậu con trai.
Kengo Kyogoku, ảnh: Bloomberg / The Japan Times. |
"Số tiền (nợ) rất lớn. Tôi thấy chán nản khi nghĩ về nó. Tôi tự hỏi, không lẽ mãi mãi mình sẽ phải kéo cày trả nợ. Nhưng tôi không có sự lựa chọn", anh chàng sinh viên năm thứ 2 khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết.
Những trường hợp như Kyogoku ngày càng không phải hiếm gặp ở Nhật Bản, nơi có hơn một nửa số sinh viên đại học đang cần phải vay tiền để theo đuổi sự nghiệp học hành.
Ngày trước ít sinh viên Nhật phải vay tiền đi học, vì hầu hết họ xuất thân từ giới trung lưu, thượng lưu.
Ngày nay con em những gia đình bình dân có mức thu nhập và tiết kiệm thấp, gặp khó khăn nhiều trong việc học tập, mà một trong những nguyên nhân đến từ chính sách đặc thù ở quốc gia này: bất bình đẳng thế hệ.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản là một trụ cột của sự phát triển kinh tế sau chiến tranh, cung cấp nguồn nhân lực lành nghề đã giúp cho các tập đoàn như Sony, Toyota Motor Corp phát triển.
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 1960 đến 1980, tỉ lệ thanh niên trên 18 tuổi theo vào đại học đã tăng từ 10% lên 37%.
Ngày nay, khoảng 80% thanh niên Nhật Bản theo đuổi giấc mơ đại học, nhưng một bằng đại học không còn là điều kiện đảm bảo cho họ có được việc làm toàn thời gian ở những tập đoàn xương sống của nền kinh tế.
Kyogoku 20 tuổi và đang sống với người mẹ đơn thân. Anh phải làm thêm tại một cửa hàng karaoke để kiếm tiền trang trải cho chi phí học hành và nuôi giấc mơ đại học.
Nhưng Kyogoku tâm sự: "Tôi bi quan về nền kinh tế Nhật Bản. Khi bạn nhìn vào cơ cấu nhân khẩu học của Nhật, bạn sẽ thấy vô vọng".
Ngày 22/12, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định dành 7 tỉ yên từ ngân sách để cung cấp học bổng cho sinh viên Nhật Bản từ tháng Tư tới. Ông phát biểu:
"Điều kiện kinh tế gia đình không nên là yếu tố quyết định tương lai của giới trẻ.
Nếu tất cả chúng ta hỗ trợ một bạn trẻ bằng học bổng và họ làm việc chăm chỉ để trở thành một người nộp thuế trong tương lai, đó là một khoản đầu tư thực sự cho tương lai".
Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các đời chính phủ Nhật Bản, phân bổ chi tiêu xã hội bao giờ cũng ưu tiên cho những người lớn tuổi, vì họ có số phiếu và ảnh hưởng có thể lật đổ các chính trị gia.
Nhóm dân số già Nhật Bản trên 75 tuổi nhiều hơn nhóm dân số trẻ dưới 15tuổi, khoảng cách này vẫn tiếp tục gia tăng.
Năm 2035, nhóm dân số già sẽ tăng khoảng 20%, trong khi nhóm dân số dưới 15 chỉ tăng 10%.
Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ Nhật Bản sử dụng nhiều rô bốt và tự động hóa trong sản xuất. Đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã khiến rô bốt thay thế được con người trong nhiều công việc phức tạp chứ không phải công việc thủ công như trước.
Điều đó có nghĩa là người lao động Nhật Bản cần có nhiều kỹ năng cao hơn để theo kịp.
Trưởng phòng Học sinh sinh viên Đại học Waseda, Taiji Saito cho biết, các trường đại học ở Nhật Bản phải tìm cách giúp đỡ sinh viên, nếu không muốn mất đi nguồn tài năng tốt nhất của mình.
Trong đợt cấp học bổng mới nhất vào tháng 3/2016, Đại học Waseda cung cấp 2,1 tỉ yên học bổng, trong khi sinh viên trường này phải vay tổng cộng 9,3 tỉ yên để theo học, tính đến cuối năm nay.
Tài liệu tham khảo: