Thiết kế đồ họa đang phát triển mạnh mẽ và trở nên phổ biến. Kéo theo đó là nhu cầu nguồn nhân lực thiết kế đồ họa ngày càng cao, được đánh giá là một trong những nghề nghiệp tăng trưởng tốt, được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi.
Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội là “chiếc nôi” đã đào tạo ra thế hệ sinh viên có năng lực giỏi, gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Ngành học kết hợp giữa nghệ thuật và ứng dụng thực tiễn
Anh Nguyễn Trung Thành - cựu sinh viên Khóa K4 ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Mở Hà Nội hiện là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và In bao bì Thăng Long. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Thành cho biết, nhờ có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc được học từ Trường Đại học Mở Hà Nội và kinh nghiệm thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh tự tin mở văn phòng thiết kế riêng, và thành lập công ty thiết kế - in bao bì từ năm 2010 đến nay.

Dù công nghệ và xu hướng thiết kế đã thay đổi nhanh chóng nhưng tư duy thiết kế bài bản và khả năng thích ứng là điều mà chương trình đào tạo của nhà trường đã trang bị vẫn được anh Thành ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Bằng những trải nghiệm, anh Thành cho rằng, ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mở Hà Nội trở nên đặc biệt và là lựa chọn hấp dẫn vì có sự kết hợp giữa nghệ thuật và ứng dụng thực tiễn, có khả năng chạm đến cảm xúc, định hình thẩm mỹ và góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cá nhân và doanh nghiệp.
“Thiết kế đồ họa là một ngành học vừa sáng tạo, vừa có tính ứng dụng cao trong hầu hết lĩnh vực của đời sống hiện đại. Ngành học này phù hợp với người yêu cái đẹp, thích sáng tạo và muốn làm nghề có khả năng phát triển lâu dài”, anh Thành bày tỏ.
Chương trình đào tạo sát thực tế, lồng ghép kiến thức công nghệ mới
Khẳng định tầm quan trọng của đào tạo nhân lực ngành Thiết kế đồ họa, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trọng Nga - Trưởng khoa Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, của khoa học công nghệ kéo theo sự lên ngôi và ngày càng đa dạng của truyền thông - quảng cáo hiện đại, đồ họa.

Lĩnh vực quảng cáo hình ảnh, truyền thông thương hiệu cho các sản phẩm trên thị trường ngày càng gia tăng. Do đó, các công việc thiết kế bao bì, nhãn mác, bìa sách, pano, quảng cáo,… rất cần đến các nhà thiết kế đồ họa có kỹ năng và sự sáng tạo đột phá để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và thu hút nhiều khách hàng. Điều đó đã góp phần tạo ra một thị trường nhu cầu nhân lực thiết kế đồ họa ngày một lớn về số lượng và sự đa dạng về lĩnh vực công việc, mang tới các cơ hội việc làm hấp dẫn với thu nhập cao, tạo nên sức hút không nhỏ đối với các bạn trẻ yêu thích mỹ thuật, đam mê lĩnh vực thiết kế.
Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký học và điểm trúng tuyển ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mở Hà Nội ngày một tăng cao. Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Thiết kế đồ họa của nhà trường là 19,45 điểm; năm 2024 điểm trúng tuyển ngành này là 22,38 điểm.
Được biết, năm 2025, điểm mới trong công tác tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa là có sự thay đổi về phương thức xét tuyển.
Thứ nhất, bỏ xét tuyển sớm. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa bằng cả 02 phương thức, gồm: xét tuyển bằng kết quả học tập năm lớp 12 (học bạ) kết hợp môn năng khiếu và xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp môn năng khiếu.
Thứ hai, việc nhân hệ số các môn thành phần có thay đổi, trong cả 03 tổ hợp xét tuyển của ngành Thiết kế đồ họa (H00: Hình họa, Ngữ Văn, Bố cục màu; H01: Hình họa, Ngữ Văn, Toán; H06: Hình họa, Ngữ Văn, Tiếng Anh) môn Hình họa và môn Ngữ văn sẽ nhân hệ số 2, môn Bố cục màu, môn Toán, môn Tiếng Anh hệ số 1. Khi tính điểm trúng tuyển thì đều được quy đổi về thang điểm 30.
Thực tế hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Thiết kế đồ họa. Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, ngành học này có nhiều điểm nổi bật và khác biệt rõ rệt. Theo thầy Nga, trước hết, chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa của nhà trường được thiết kế bám sát với thực tiễn, luôn cập nhật các xu hướng thiết kế hiện đại. Sinh viên được học lý thuyết và tiếp cận với các dự án thực tế trong thời gian học tập, thông qua mô hình liên kết, hợp tác với doanh nghiệp.
“Sinh viên ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Mở Hà Nội được trang bị kiến thức, kỹ năng về nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới,…
Sau khi tốt nghiệp, các em có khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.
Ngoài ra, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng sáng tác và thể hiện, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán, lãnh đạo,…”, thầy Nga chia sẻ.
Chưa kể, Khoa có đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy, nhiều thầy cô là các chuyên gia, nhà thiết kế đang làm việc tại các công ty thiết kế uy tín, giúp sinh viên có góc nhìn thực tế và định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Đặc biệt, sinh viên theo học sẽ có nhiều cơ hội nhận học bổng, học bổng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học bổng của các doanh nghiệp, học bổng của các cựu sinh viên và được khuyến khích, hỗ trợ tối đa trong các hoạt động sinh viên, khởi nghiệp và cộng đồng.
“Nếu các bạn trẻ yêu thích sáng tạo, muốn phát triển trong một môi trường năng động, thực tiễn và được kết nối với doanh nghiệp từ sớm thì ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ là lựa chọn phù hợp”, Tiến sĩ Lê Trọng Nga chia sẻ.
Với những điểm khác biệt trong đào tạo ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội lựa chọn việc làm rất phong phú. Ví dụ như trở thành chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,…
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, các em có thể tự thành lập doanh nghiệp, các công ty thiết kế, dịch vụ studio hoặc tư vấn, giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, câu lạc bộ,…
Hơn nữa, với những đặc thù “ưu ái”, ngành Thiết kế đồ họa luôn mang lại những cơ hội làm thêm hấp dẫn tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu.

Từ thực tiễn của ngành, bên cạnh những thuận lợi, thầy Nga chia sẻ rằng, đào tạo ngành Thiết kế đồ họa hiện nay cũng đối mặt với một số thách thức. Đó là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, xu hướng thiết kế toàn cầu, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến nhiều công cụ hỗ trợ thiết kế nhưng cũng đặt ra áp lực cho người học khi phải nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, những yếu tố mà máy móc chưa thể thay thế hoàn toàn.
Ngoài ra, yêu cầu từ doanh nghiệp ngày càng cao, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn về khả năng làm việc nhóm, giao tiếp thị giác và thích nghi với môi trường đa văn hóa. Bên cạnh đó, sự khác biệt về nền tảng kiến thức, tư duy thẩm mỹ giữa các sinh viên cũng là một khó khăn trong quá trình đào tạo.
“Trước những thách thức của ngành, Trường Đại học Mở Hà Nội định hướng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, mời các chuyên gia đến giảng dạy, tổ chức nhiều workshop, dự án thực tế để sinh viên rèn luyện kỹ năng và cập nhật xu hướng. Đồng thời, cập nhật chương trình đào tạo sát thực tế, lồng ghép kiến thức về công nghệ mới như AI trong thiết kế, và đặc biệt là phát triển tư duy sáng tạo, phản biện và kỹ năng mềm ngay từ những năm đầu để sinh viên có nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp sau này”, thầy Nga chia sẻ.
Môi trường học tập sáng tạo, cởi mở, mang tính ứng dụng cao
Ghi nhận chia sẻ của một số sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mở Hà Nội cho thấy, các em đều có những ấn tượng đặc biệt đối với chương trình đào tạo, các hoạt động thực tế và đội ngũ giảng viên của nhà trường.
Em Phạm Văn Trãi - sinh viên năm cuối Lớp K29ĐH2, Khóa 29 ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết ngay từ nhỏ đã có niềm yêu thích đặc biệt với hình ảnh, màu sắc và mong muốn trở thành người sáng tạo ra những hình ảnh truyền cảm xúc và thông điệp. Khi tìm hiểu về các ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, Trãi nhận thấy thiết kế đồ họa không chỉ là công việc mang tính nghệ thuật mà còn gắn liền với công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, marketing, giải trí và thương mại.


“Trường Đại học Mở Hà Nội có thế mạnh về đào tạo ngành Thiết kế đồ họa. Nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ học tập tốt, đặc biệt là môi trường học tập năng động, sáng tạo, phù hợp với tính chất của ngành nghề em yêu thích. Ngoài ra, em cũng đánh giá cao chương trình đào tạo của trường khi có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên phát triển cả kỹ năng tư duy thẩm mỹ lẫn kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế.
Hiện tại, em là sinh viên năm cuối, thời gian 4 năm học dù không quá dài nhưng cũng đủ để chứng minh cho em thấy những suy nghĩ, nhận định và quyết định của em là đúng đắn khi đã lựa chọn Trường Đại học Mở Hà Nội”, Trãi chia sẻ.
Quá trình học ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Mở Hà Nội đã giúp Trãi phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Cụ thể, về kiến thức, Trãi cho biết em được học từ nền tảng mỹ thuật cơ bản như hình họa, bố cục, màu sắc đến các kiến thức chuyên sâu như thiết kế thương hiệu, thiết kế bao bì, giao diện web, thiết kế quảng cáo, hoạt hình 2D, 3D,… Trãi cũng được tìm hiểu về lịch sử mỹ thuật, văn hóa thị giác và xu hướng thiết kế hiện đại, giúp em hiểu sâu hơn về tư duy thiết kế và ngôn ngữ hình ảnh.
Về kỹ năng, nhà trường và khoa đã trang bị cho Trãi khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop, Illustrator,... Đồng thời, Trãi cũng rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình ý tưởng – những yếu tố rất cần thiết trong ngành thiết kế hiện nay.
Ngoài ra, nhà trường và khoa có kết nối với nhiều doanh nghiệp, giúp sinh viên được thực tập tại các công ty thiết kế, truyền thông, quảng cáo ngay từ năm ba, năm tư, đồng thời thu hút các công ty doanh nghiệp tài trợ học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, trong đó có sinh viên ngành Thiết kế đồ họa.
Trãi ấn tượng nhất khi học ngành Thiết kế đồ họa là sinh viên được tự do thể hiện ý tưởng theo phong cách riêng, từ cách chọn màu sắc, bố cục cho đến cách xây dựng concept và thể hiện thông điệp. Không có một “khuôn mẫu” cứng nhắc nào áp đặt lên quá trình sáng tạo, điều này giúp em cảm thấy rất thoải mái và tự tin khi đưa ra những ý tưởng táo bạo, mới mẻ, thậm chí là khác biệt.
Điều đáng quý hơn cả là sự đồng hành, hỗ trợ vô cùng nhiệt tình từ các giảng viên. Thầy cô không chỉ hướng dẫn về chuyên môn mà còn là người truyền cảm hứng, luôn sẵn sàng góp ý để sản phẩm của sinh viên hoàn thiện hơn mà vẫn giữ được cá tính riêng.
“Em rất ấn tượng với cách thầy cô tôn trọng ý tưởng của sinh viên, không bắt phải làm theo “mẫu” nào cả, mà luôn đặt câu hỏi gợi mở, khuyến khích sinh viên tự khám phá, phát triển bản sắc thiết kế của riêng mình”, Trãi chia sẻ.

Bên cạnh đó, các anh chị khóa trên cũng là nguồn động viên và hỗ trợ rất lớn đối với Trãi. Trong các buổi workshop, triển lãm, hoặc khi cùng tham gia các cuộc thi thiết kế, Trãi học được rất nhiều điều thực tế, từ cách lên ý tưởng nhanh, cách trình bày sản phẩm ấn tượng, cách quản lý thời gian khi làm đồ án,...
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế, talkshow với chuyên gia, workshop cùng doanh nghiệp, tạo cho Trãi cơ hội mở rộng tư duy, học hỏi thêm nhiều phong cách và xu hướng mới.
Với Trãi, em ấn tượng với Tọa đàm chuyên đề sản phẩm: Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng từ thiết kế đến sản xuất. Đây là buổi tọa đàm thực sự chất lượng từ chuyên môn cho đến các khách mời và các thầy cô - đều là những gương mặt lão làng và gạo cội trong ngành Thiết kế, tham gia với sự góp mặt của gần 100 sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, trong đó hơn một nửa là sinh viên ngành Thiết kế đồ họa. Chính môi trường cởi mở, sáng tạo là điều khiến Trãi thêm yêu thích ngành học.

“Sự gần gũi, thân thiện giữa các thế hệ sinh viên trong Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tạo nên một cộng đồng thiết kế cởi mở và năng động, điều mà em cho là vô cùng đặc biệt và đáng trân trọng”, Trãi chia sẻ.
Cùng là sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mở Hà Nội, em Nguyễn Hoài Bình Nguyên luôn có hứng thú đặc biệt với hội họa và hình ảnh trực quan. Em thường xuyên vẽ những nhân vật hoạt hình, thiết kế lại các bìa sách, trò chơi hay đơn giản chỉ là tô màu theo trí tưởng tượng.
“Năm lớp 12, sau khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến từ anh chị đi trước, em rất ấn tượng với Khoa Tạo dáng công nghiệp của Trường Đại học Mở Hà Nội, không chỉ nổi bật về chất lượng đào tạo mà còn được biết đến với môi trường học tập sáng tạo, cởi mở, mang tính ứng dụng cao. Chính sự năng động và tinh thần đổi mới đó đã trở thành lý do quan trọng để em chọn nơi đây là điểm khởi đầu cho hành trình theo đuổi đam mê của bản thân”, Nguyên chia sẻ.
Qua 2 năm học tại trường, Nguyên được tiếp cận từ những kiến thức cơ bản nhất của mỹ thuật, tư duy thị giác, bố cục, màu sắc,… đến những kỹ năng chuyên môn như thiết kế đồ họa 2D, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu, thiết kế ấn phẩm truyền thông và in ấn, ứng dụng phần mềm chuyên ngành như Illustrator, Photoshop, InDesign…
Trong suốt hành trình học tập tại, Nguyên có rất nhiều ấn tượng sâu sắc với ngành học. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất mà em cảm thấy hứng thú chính là sự cởi mở và tiên phong của trường trong việc khuyến khích sinh viên tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI - một phần trong tư duy thiết kế hiện đại.
“Nhà trường không xem AI là một mối đe dọa, mà là một công cụ giúp sinh viên hỗ trợ trong quá trình sáng tạo, từ việc tạo cảm hứng, dựng phác thảo nhanh cho đến thử nghiệm các biến thể thiết kế phức tạp. Thêm vào đó, em vô cùng ấn tượng với tài năng và tinh thần sáng tạo không giới hạn của các bạn cùng khoa. Các bạn luôn có những cách tiếp cận độc đáo, phá cách và đầy cá tính trong từng sản phẩm thiết kế”, Nguyên chia sẻ.

Nguyên cho biết, em còn nhớ mãi buổi bảo vệ đồ án giữa kỳ, khi một bạn trong lớp Nguyên giới thiệu thiết kế logo cho một thương hiệu thời trang mang phong cách tối giản hiện đại, với phần triển khai ứng dụng logo cực kỳ độc đáo, sử dụng hai tông màu chủ đạo là đỏ và đen, thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán nhưng vẫn tinh tế, sang trọng. Cách bạn trình bày toàn bộ hệ thống logo trên bao bì, tag quần áo, card visit, biển hiệu… đã để lại ấn tượng rất mạnh trong Nguyên. Những khoảnh khắc như vậy làm Nguyên cảm thấy bản thân thực sự đã học đúng nơi, một môi trường vừa học thuật, vừa tràn đầy cảm hứng, nơi mọi ý tưởng đều có cơ hội được nảy nở và phát triển.
“Em rất biết ơn khi được học ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Mở Hà Nội, và em mong muốn sẽ tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa để có thể phát triển bền vững trong ngành sáng tạo này”, Nguyên chia sẻ.