Bà Trương Thị Kim Huệ: Từ cử nhân sư phạm ngành Hóa đến Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai

08/07/2025 06:40
Lưu Diễm
Theo dõi trên Google News

GDVN - Bà Trương Thị Kim Huệ được chỉ định giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai mới sau khi hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Đồng Nai mới sau khi hợp nhất từ hai tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 12.737,18 km2, quy mô dân số là 4.491.408 người. Tỉnh Đồng Nai (mới) giáp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vương quốc Cam-pu-chia. [1]

Bà Trương Thị Kim Huệ được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai

Vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định các nội dung về tổ chức bộ máy và nhân sự tỉnh Đồng Nai (mới). Tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai thông báo số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 121 người.

Bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (cũ) được chỉ định giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.

Cùng với đó, có 3 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, gồm các đồng chí Đỗ Đăng Bảo Linh, Phạm Hồng Thắng và Trần Ngọc Thắng. [2]

screenshot-2025-07-04-162944.png
Bà Trương Thị Kim Huệ được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai sau khi sáp nhập. Ảnh: Thông tin giáo dục Đồng Nai.

Bà Trương Thị Kim Huệ 48 tuổi, quê quán tại xã Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trình độ chuyên môn của bà Huệ là tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục, tốt nghiệp Cử nhân ngành Sư phạm Hóa. [3]

Năm 2020, bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (cũ) được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (cũ), thay bà Huỳnh Lệ Giang đã nghỉ hưu trước đó. [4]

Tỉnh Đồng Nai có nhiều thuận lợi trong phát triển giáo dục

Trước sáp nhập, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai đều có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng sau khi sáp nhập.

Cụ thể, trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Đồng Nai đã có những bước chuyển biến như: mạng lưới trường lớp được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng; chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên.

Năm 2024, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường công lập ở bậc mầm non có 171 trường (trong đó có 08 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 78,44%; bậc tiểu học có 194 trường (trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 69,78%; bậc trung học cơ sở có 136 trường (trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 76,84%; bậc trung học phổ thông có 32 trường (trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 64%. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (tính cả thí sinh tự do) của tỉnh Đồng Nai (cũ) năm 2023 đạt 97,10% (tăng 0,26% so với năm 2022); có 59 học sinh đạt giải học sinh Giỏi quốc gia năm 2024 gồm 14 giải Nhì, 22 giải Ba và 23 giải Khuyến khích.

Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Giai đoạn 2020-2023, mạng lưới trường lớp ngoài công lập không tăng, ổn định với quy mô 190 trường; quy mô học sinh ngoài công lập giảm ở bậc học mầm non (tỉ lệ giảm 12,7%), tăng ở bậc trung học phổ thông (tỉ lệ tăng 12,9%).

Công tác xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục được quan tâm và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Các trường đã tích cực triển khai các phương pháp dạy học tích cực, mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; giáo dục vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm phát triển. [5]

z4293837742127-50ab64043dba310abda76eea9dc3e002-1053-1759.jpg
Ảnh minh hoạ: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai.

Về phía tỉnh Bình Phước trước thời điểm sáp nhập, năm 2024, toàn tỉnh có 444 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông với 8.115 lớp, gần 266.000 học sinh, 2 trường cao đẳng, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện (cũ). Tỉnh đã xây dựng đề án để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến năm 2024, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân đạt trên 99%; đội học sinh Giỏi của tỉnh Bình Phước (cũ) đạt 257 giải tại kỳ thi chọn học sinh Giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia; 3 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Tỉnh cũng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 27 xã, phường, thị trấn (cũ) đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phổ thông. [6]

Thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác phát triển giáo dục mầm non của tỉnh Bình Phước (cũ). Quy mô trường, lớp mầm non được mở rộng và phân bố hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Đến năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 167 trường mầm non, trong đó có 123 trường công lập và 44 trường ngoài công lập. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 85,4%, vượt chỉ tiêu đề ra trong đề án. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đều vượt mục tiêu đề ra.

Đến năm 2025, có 89/123 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, đạt 72,35%. Tổng số trẻ được huy động đến lớp theo độ tuổi là 48.990 trẻ gồm: 4.684 trẻ nhà trẻ, 44.199 trẻ mẫu giáo, 11.312 trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập. 100% xã, phường, thị trấn (cũ) đều duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt mục tiêu của đề án. [7]

Những thách thức về giáo dục và đào tạo cần nỗ lực giải quyết

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành Giáo dục của hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đã đạt được, việc sáp nhập hai địa phương này cũng đặt ra không ít thách thức cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (mới).

Toàn tỉnh Đồng Nai (cũ) có 919 trường (mầm non, phổ thông) đến năm 2024. Trong đó, cấp học mầm non 371 trường, cấp học tiểu học 286 trường, cấp học trung học cơ sở 185 trường, cấp học trung học phổ thông 77 trường. Tổng số lớp là 20.789 lớp (mầm non: 5.460 lớp, tiểu học: 8.251 lớp, trung học cơ sở: 4.968 lớp, trung học phổ thông: 2.110 lớp). Tổng số học sinh đạt 734.706 học sinh (mầm non: 132.907 trẻ, tiểu học: 298.962 học sinh, trung học cơ sở: 214.869 học sinh, trung học phổ thông: 87.968 học sinh). Mạng lưới trường học đã được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Đối với tỉnh Đồng Nai trước thời điểm sáp nhập, với áp lực tăng dân số cơ học nhanh, mặc dù hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tăng dân số cơ học hằng năm khá nhanh và không đồng đều ở các khu vực; sự phát triển của các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu chế xuất làm tăng đột biến dân số cơ học khác với dự báo chỉ tiêu quy hoạch ban đầu.

Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và chỗ học có quá trình đô thị hóa cao, mật độ dân số tăng. Mặc dù các địa phương đã tích cực tham mưu đầu tư xây mới trường lớp hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Vì vậy, nhiều trường thiếu phòng học phải mượn tạm phòng học của cơ sở khác gần trường để dạy; một số trường phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo có đủ phòng chức năng theo quy định.

Để đảm bảo chỗ học cho học sinh, các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư trường lớp theo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn căn cứ trên dự báo quy mô dân số cơ học phát sinh từng năm; thực hiện rà soát lại quỹ đất đang quản lý để đưa ra các giải pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học. Đồng thời, bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước. [5]

hoc-sinh1.jpg
Ảnh minh hoạ: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước.

Còn đối với tỉnh Bình Phước trước thời điểm sáp nhập, một số thách thức đặt ra bao gồm việc bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng trường lớp do vướng quy hoạch khoáng sản, đất lâm phần. Ngân sách đầu tư cho xây dựng mới và duy trì các trường chuẩn quốc gia còn hạn chế. Cơ sở vật chất, các phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đồng bộ; công trình vệ sinh chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Vì vậy, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước (cũ) đã đề nghị các cơ sở giáo dục căn cứ kế hoạch, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch, chỉ đạo liên quan để tham mưu cấp ủy Đảng. Qua đó nhằm triển khai, đôn đốc thực hiện và có kế hoạch chuyển giao nhiệm vụ cụ thể, không để xảy ra tình trạng gián đoạn công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, định hướng bổ sung đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác xây dựng trường đạt chuẩn; phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các nguồn lực, tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị, trường học và toàn ngành phấn đấu đạt được các mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2026-2030. [8]

Việc sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước mở ra nhiều cơ hội phát triển giáo dục theo hướng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại hơn. Song, để tận dụng thuận lợi và vượt qua thách thức, cần rà soát kỹ và có phương án, lộ trình chi tiết, cụ thể nhằm giải quyết triệt để, có phương án bố trí, phối hợp cơ quan thẩm quyền điều tiết đội ngũ nhân sự kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-tiet-34-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-tu-12-6-2025-119250612141845533.htm

[2] https://laodong.vn/thoi-su/danh-sach-14-nguoi-dung-dau-cac-so-nganh-tinh-dong-nai-moi-1533377.ldo

[3] https://giaoducthoidai.vn/ba-truong-thi-kim-hue-lam-giam-doc-so-gdd-tinh-dong-nai-post738100.html

[4] https://thanhnien.vn/ba-truong-thi-kim-hue-lam-giam-doc-so-gd-dt-dong-nai-1851016803.htm

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-dong-nai-con-nhieu-thach-thuc-khi-toc-do-dan-so-co-hoc-tang-nhanh-post241691.gd

[6] https://tinhuybinhphuoc.vn/Van-hoa-Xa-hoi/bi-thu-tinh-uy-nguyen-manh-cuong-lam-viec-voi-so-giao-duc-va-dao-tao-3978.html

[7] https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/173330/binh-phuoc-chuyen-bien-ro-net-trong-phat-trien-giao-duc-mam-non

[8] https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/174424/no-luc-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia

Lưu Diễm