ĐH Mở Hà Nội: Đào tạo kỹ thuật điều khiển-tự động hóa đáp ứng yêu cầu việc làm

30/07/2024 07:06
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, Việt Nam cần nhiều đến nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về điều khiển và tự động hóa.

Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá (Control and Automation Engineering) là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa và cơ khí.

Sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được trang bị kiến thức về lý thuyết mạch điện – điện tử; lập trình tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp; điều khiển điện tử công suất và truyền động điện; kỹ thuật điều khiển robot; trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ngành học kích thích sự tò mò, khám phá, sáng tạo của sinh viên

Chia sẻ với phóng viên, em Trịnh Đăng Hà - sinh viên năm 2 ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết cảm thấy ngành học có kiến thức rộng, mang lại nhiều trải nghiệm phong phú và thú vị.

Theo Hà, lĩnh vực tự động hoá đòi hỏi kiến thức rộng như điện tử, cơ khí, lập trình,… Trong quá trình học, Hà được Khoa tạo điều kiện từ môi trường học tập đến những mối quan hệ tốt với đồng môn. Giảng viên của ngành luôn động viên, khích lệ Hà cũng như sinh viên khác cố gắng học tập. Không những vậy, Hà còn được tham gia các hoạt động của trường, Khoa, câu lạc bộ. Nhờ vậy, Hà được phát triển nhiều kỹ năng trong học tập và làm việc.

"Với em, Công nghệ kỹ thuật điều khiển - tự động hóa là ngành học rất thú vị, kích thích sự tò mò của người học để khám phá. Không chỉ là khám phá ngành học, Khoa Điện - Điện Tử còn giúp sinh viên chúng em khai phá bản thân khi học và tham gia hoạt động", Hà tâm sự.

Còn em Nguyễn Đinh Bá Dũng - sinh viên năm 2 ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là ngành học khó nhưng sinh viên rất nên trải nghiệm bởi có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, trong thời gian học tập, sinh viên sẽ được trưởng thành thông qua những hoạt động của Khoa, Trường Đại học Mở Hà Nội.

SV TĐH với đề tài NCKH bãi đỗ xe thông minh tự động.JPG
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày về sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NTCC)

Cùng chia sẻ, anh Lê Đình Thành - cựu sinh viên của ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa Trường Đại học Mở Hà Nội hiện đang là kỹ sư lập trình nhúng tại FPT Software cho biết, hiện tại thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Khi học tập tại Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Mở Hà Nội, anh Thành theo học tự động hóa hướng Nhúng IoT. Và chính chương trình đào tạo theo hướng này đã dẫn dắt anh đến với công việc lập trình hiện tại. Để có công việc tốt, anh Thành khuyên sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá Trường Đại học Mở Hà Nội nên có định hướng tự sớm (từ năm thứ 3 đại học) để có thời gian tìm hiểu ngành, nghề trong tương lai và tập trung nghiên cứu sâu các học phần có liên quan.

Cùng là cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa Trường Đại học Mở Hà Nội, anh Phùng Danh Chung hiện đang là kỹ sư tại Công ty Cổ phần Tự động hóa Việt Nam AVN chia sẻ: "Nhờ tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá đã giúp tôi tìm được cơ hội việc làm như hiện nay. Tôi có thể tiếp cận và làm chủ được công nghệ hiện đại như: robot 6 trục, PLC (viết tắt của Programmable Logic Controller, là thiết bị cho phép lập trình thực hiện các thuật toán điều khiển logic - PV),... tạo nền tảng vững chắc phục vụ công việc và đời sống.

Bên cạnh việc nắm chắc kiến thức được học, theo tôi, sinh viên cũng nên tích cực trao đổi và tham gia nhiều hoạt động công nghệ; học thêm một ngôn ngữ mới mỗi khi có thể; tích cực làm việc nhóm và tham gia nhiều hoạt động mà nhà trường và Khoa tổ chức".

Đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Khánh Hòa - Phó Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu nhân lực đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa rất lớn. Bởi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, Việt Nam cần nhiều đến nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về điều khiển và tự động hóa.

Về công tác tuyển sinh của ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thầy Hòa cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh ngày Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ở mức ổn định, luôn đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2024, ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tuyển sinh với 210 chỉ tiêu, trong đó có 180 chỉ tiêu áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 30 chỉ tiêu áp dụng cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.

Theo thầy Hòa, ưu điểm nổi bật của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là các em rất say mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Điều này một phần vì lĩnh vực điều khiển và tự động hóa có tính ứng dụng rất cao trong đời sống hiện tại.

Để kích thích được niềm yêu thích, say mê nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là nhờ vào sự hướng dẫn của giảng viên trong Khoa và chương trình đào tạo hấp dẫn.

SV TĐH với sản phẩm từ Đề tài ĐATN.JPG
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội thuyết trình về sản phẩm nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng - Tổ trưởng Tổ Bộ môn Tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chỉ ra những điểm nổi bật trong chương trình đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Theo đó, trong bối cảnh thực tiễn, nhà trường tìm giải pháp hợp lý trong đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là thiên về thực hành nhiều hơn. Để làm được điều này, Khoa đã và đang thực hiện bằng cách tăng thời lượng thực hành thông qua tham quan, kiến tập; giao sinh viên làm bài tập, đồ án trong các bài giảng cũng như trong chương trình giảng dạy. Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được tiếp cận doanh nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, dây chuyền sản xuất tự động ngay từ khi mới vào học.

Về việc đổi mới chương trình đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng cho biết, ở mỗi giai đoạn, chương trình đào tạo của ngành có những đổi mới riêng.

"Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng bởi chính đơn vị tuyển dụng là người trực tiếp sử dụng lao động, họ biết sinh viên còn thiếu, yếu ở đâu. Từ đó, đơn vị tuyển dụng sẽ đề xuất cho Khoa ý tưởng về kiến thức, kỹ năng cần đào tạo, tăng cường kiến thức nào để sinh viên Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ra trường đáp ứng được công việc ngay, không mất nhiều thời gian, kinh phí để đào tạo lại", thầy Dũng chia sẻ.

Thầy Dũng cho hay, trong quá trình đào tạo sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa theo nhu cầu của doanh nghiệp, Khoa cũng gặp một số khó khăn. Ví dụ như, do đặc thù về vấn đề an ninh an toàn lao động nên một số doanh nghiệp chưa thực sự cởi mở với sinh viên trong các đợt tham quan, thực tập, kiến tập. Bên cạnh đó, một số sinh viên cũng có tâm lý "ngại" đi thực địa vì sợ vất vả, khó khăn,...

Cùng bàn về một số khó khăn trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thầy Hòa cho biết, đây là ngành kỹ thuật, đòi hỏi nhiều về trang thiết bị thực hành thí nghiệm.

"Đối với trường đại học công lập, việc đầu tư cho trang thiết bị phục vụ quá trình đào tạo nói chung và cho ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa nói riêng phải tuân thủ theo các quy định. Do vậy, khó khăn lớn nhất là làm sao đảm bảo được đầy đủ thiết bị hiện đại, tiên tiến để giúp sinh viên tiếp cận với các công nghệ mới của thế giới trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa", thầy Hòa cho biết.

SV Tự động hóa tham quan kiến tập trải nghiệm tại Công ty CPBĐ Phích nước Rạng Đông1.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Theo tìm hiểu của phóng viên, thầy và trò trong Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Mở Hà Nội luôn xác định vượt lên thử thách để đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu. Tiêu biểu thành tích này là sinh viên Nguyễn Văn Toàn và nhóm dự án Xe lăn điện thông minh - đạt giải Nhì Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Điều này còn là minh chứng của sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo của Khoa.

"Dự án Xe lăn điện thông minh không chỉ có ý nghĩa về mặt sáng tạo khoa học công nghệ thuần túy mà còn mang tính nhân văn, thiết thực với cộng đồng nói chung và cộng đồng người khuyết tật nói riêng.

Trong quá trình nhóm sinh viên làm dự án, từ khâu còn là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa, nhóm sinh viên đã được thầy hướng dẫn quan tâm tư vấn, hỗ trợ tối đa. Khi nhóm sinh viên này tham gia dự án khởi nghiệp quốc gia, các em cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà trường, phòng, ban chức năng và thầy cô trong Khoa. Tới đây, tôi hy vọng rằng dự án của các em sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm để có thể đưa vào sản xuất rộng rãi, phục vụ cộng đồng đúng như ý nghĩa mà dự án hướng tới", thầy Hòa bày tỏ.

Yêu cầu tuyển dụng và mức lương đối với vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực điều khiển và tự động hóa luôn được người học quan tâm.

Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thanh Tùng - Phó tổng Giám đốc Công ty Dương Hiếu JSC cho biết, thông thường công ty có 2 đối tượng tuyển dụng. Cụ thể là nhân viên kinh doanh và kỹ sư lắp đặt tủ điều khiển.

Yêu cầu đối với nhân viên kinh doanh là cần có hiểu biết về hệ thống tự động, các thiết bị tự động hóa trong hệ thống tự động lớn. Mức lương đối với vị trí việc làm này khoảng 12 triệu/tháng.

Yêu cầu đối với kỹ sư lắp đặt tủ điều khiển là cần biết về thiết bị điện, biết lập trình PLC về Siemens, LG, LS,... Mức lương đối với kỹ sư lắp đặt tủ điều khiển khoảng 15 triệu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thế - Giám đốc Công ty EYETECH cho biết, vị trí tuyển dụng của công ty là kỹ sư nắm được vi xử lý, PLC và có kiến thức về lập trình với mức lương cơ bản khoảng 8-10 triệu đồng/tháng và phụ cấp phụ thuộc vào sản phẩm công trình.

Một số vị trí việc làm sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể ứng tuyển như:

Kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền lắp ráp ô tô, tự động hóa phục vụ hàng không, nhà máy điện, các nhà máy chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, dây chuyền sản xuất giấy,...

Kỹ sư hệ thống máy công nghiệp; sửa chữa, vận hành thang máy; lập trình điều khiển trong các thiết bị, hệ thống tự động hóa.

Chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích, mô phỏng hoặc cán bộ quản lý kỹ thuật tại các nhà máy, tập đoàn, công ty thương mại dịch vụ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Chuyên viên nghiên cứu, phát triển các hệ thống tự động hóa, hệ thống nhúng.

Làm việc tại các đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp có yêu cầu chuyên môn về điều khiển, tự động hóa: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ,...

Làm việc tại các tổ chức giáo dục và đào tạo: đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp

Làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu của các bộ, ngành.

Ngọc Huệ