Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Dự kiến sinh viên, học viên cao học các ngành các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, ở cả trường công và tư, sẽ được cấp sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng, tối đa 10 tháng một năm. Mức này tương tự hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiện nay.
Điều 3, Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược nêu rõ các ngành Khoa học cơ bản được hưởng chính sách gồm: Toán học (Mã ngành 7460110); Vật lý học (Mã ngành 7440110); Hóa học (Mã ngành 7440111); Sinh học (Mã ngành 7420101); Khoa học máy tính (được xem là một ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực công nghệ) (mã ngành 7480101); Khoa học môi trường (Mã ngành 7440301).
Trước chính sách trên, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản đã có những đánh giá, góp ý đối với dự thảo nghị định này.
Khuyến khích theo đuổi đam mê khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và giữ chân nhân tài
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhóm ngành khoa học cơ bản là những ngành học rất quan trọng, đóng vai trò nền tảng, thiết yếu cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội.
Những năm vừa qua, nhiều trường đại học gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt tỷ lệ người học các ngành này bậc sau đại học không cao dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự quan tâm của các bên liên quan như: nhà nước, nhà trường và xã hội về nhận thức trong đó có cơ hội việc làm, thu nhập sau tốt nghiệp chưa cao. Đồng thời, vẫn còn tồn tại hạn chế khi chưa có hỗ trợ về học phí, học bổng,…
Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu Dự thảo Nghị định Quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, trong đó cấp học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng đối với sinh viên học ngành khoa học cơ bản sẽ mang lại nhiều thuận lợi đáng kể cho sinh viên theo học các ngành này.
Cụ thể, sự hỗ trợ về học bổng, học phí trong nghị định giúp giảm gánh nặng tài chính cho người học, khuyến khích theo đuổi đam mê khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và giữ chân nhân tài cho các ngành khoa học cơ bản.
Ngoài ra, việc cấp học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành khoa học cơ bản là một bước đi đúng đắn và cần thiết để khuyến khích sự phát triển của các ngành nền tảng, tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Nếu nghị định được triển khai sớm, sẽ kịp thời thu hút nhiều học sinh giỏi theo học các chương trình khoa học cơ bản quan trọng này.

Cũng theo thầy Bình, việc sinh viên học các ngành khoa học cơ bản được hỗ trợ mức sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng, tương đương 43,56 triệu đồng/năm học là một con số khá hấp dẫn và có tính khuyến khích cao. So với mặt bằng chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên ở các thành phố lớn tại Việt Nam, mức hỗ trợ này đủ để trang trải một phần các khoản chi phí thiết yếu như: đi lại, ăn uống, tài liệu học tập và một phần nhỏ chi phí thuê trọ (nếu có). Nếu điều chỉnh mức hỗ trợ này, cần căn cứ tình hình kinh tế và sự phát triển của xã hội để có thể đưa ra mức tăng phù hợp nhằm hỗ trợ cho sinh viên tham gia học các ngành khoa học cơ bản.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho hay, hiện nay, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy phát triển các ngành học trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này, cần có chính sách hỗ trợ cho người học tham gia học tập các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Do đó, việc cấp học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản là một chủ trương rất đúng đắn, cần thiết, tạo ra nhiều tác động tích cực và lâu dài trong bối cảnh khoa học cơ bản chưa thu hút được nhiều người học hiện nay.
Thứ nhất, giúp tăng sức hút cho các ngành khoa học cơ bản. Bởi trên thực tế, các ngành khoa học cơ bản thường ít được lựa chọn do đầu ra chưa rõ ràng, thu nhập sau tốt nghiệp chưa cao so với các ngành khác. Chính sách học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí có thể tạo động lực ban đầu cho học sinh, sinh viên cân nhắc lựa chọn những ngành học này, qua đó góp phần cân bằng lại cơ cấu ngành nghề trong giáo dục đại học.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài. Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển của khoa học ứng dụng, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc khuyến khích người học theo đuổi các ngành này chính là đầu tư vào tương lai. Nếu được thực hiện tốt và đi kèm với các chính sách hỗ trợ đầu ra, nghiên cứu và việc làm sau tốt nghiệp sẽ góp phần hình thành đội ngũ trí thức trẻ có năng lực, tâm huyết và gắn bó với nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, giảm gánh nặng tài chính cho người học. Tương tự như các ngành sư phạm, với mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng, người học sẽ giảm được áp lực tài chính trong suốt quá trình học tập, đặc biệt là sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Điều này phần nào giúp sinh viên an tâm theo đuổi con đường học tập thay vì phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hoặc tìm kiếm việc làm thêm, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Cũng theo thầy Tùng, việc hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng cho các ngành khoa học cơ bản là phù hợp với mặt bằng chung kinh tế hiện nay. Mặc dù ở thành phố lớn, chi phí sinh hoạt cao dẫn tới chi tiêu của sinh viên sẽ cao hơn, nhưng học sinh, sinh viên học tập tại các thành phố lớn thường thuộc các gia đình có điều kiện nên có thể hỗ trợ thêm cho các em trong học tập. Mức hỗ trợ này đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các ngành khoa học cơ bản và phần nào đã tạo được động lực cho học sinh, sinh viên theo đuổi học tập các ngành này.
Nên quy định hưởng học bổng 100% học phí cho cả sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi
Theo dự thảo, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập loại xuất sắc được cấp học bổng 100% học phí. Với nhóm giỏi và khá, học bổng lần lượt là 70% và 50%. Con số cụ thể sẽ căn cứ theo mức trần học phí quy định tại nghị định của Chính phủ. Mỗi năm học cơ sở giáo dục tổ chức xét hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt thành 2 đợt, vào 31/10 và 31/3 hàng năm.
Đánh giá về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây là mức hỗ trợ học bổng phù hợp đối với người học. Mức học bổng hỗ trợ theo nghị định cùng với việc cấp hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu/tháng giúp động viên, khuyến khích để sinh viên phấn đấu có kết quả học tập tốt hơn. Đồng thời, phân loại sinh viên có kết quả học tập, nghiên cứu ở các mức khác nhau. Ngoài ra, với sinh viên đại học, cần lưu ý và phân biệt rõ mức học bổng theo dự thảo với học bổng khuyến khích học tập.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cấp học bổng theo học phí tùy thuộc vào xếp loại của người học là hợp lý, điều này tạo động lực cho người học cố gắng trong quá trình học tập nhằm tạo ra những con người có năng lực thực sự, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản là những ngành “khó”, vì vậy để đạt được kết quả học tập loại xuất sắc và hưởng học bổng 100% học phí là điều hết sức khó khăn với sinh viên. Do đó, có thể nghiên cứu để chính sách có thêm quy định hưởng học bổng 100% học phí cho các bạn sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi trở lên.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là thời gian xét cấp học bổng, dự thảo quy định thời gian hỗ trợ học bổng được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.
Theo thầy Võ Thanh Tùng, chính sách học bổng theo thời gian dự thảo đề ra là hợp lý, phù hợp với thực tiễn đào tạo hiện nay của các cơ sở giáo dục. Các quy định này có thể tổ chức thực thi được mà không cần phải có những quy định chi tiết thêm. Đồng thời, các cơ sở đào tạo sẽ cụ thể hóa thời gian xét cấp học bổng theo tình hình thực tế của từng đơn vị.
Thầy Tùng cũng nhấn mạnh, hiện nay, xã hội nói chung và người học khoa học cơ bản nói riêng quan tâm đến việc làm sau khi tốt nghiệp nhiều hơn so với hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí. Bởi việc làm gắn bó với chúng ta gần như suốt đời sau khi tốt nghiệp, trong khi đó, các chi phí cho sinh hoạt, học tập chỉ xảy ra trong thời gian 4 hoặc 5 năm học.
Vì vậy, bên cạnh chính sách về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, Nhà nước cần tạo ra được một hệ sinh thái việc làm có thu nhập hấp dẫn để có thể thu hút người học các ngành khoa học cơ bản sau tốt nghiệp. Đây cũng là mấu chốt để học sinh, sinh viên lựa chọn ngành nghề theo học.
Đồng ý kiến với quan điểm trên, theo thầy Nguyễn Thanh Bình, thời gian xét cấp học bổng và điều kiện đi kèm trong dự thảo đã được quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn của các cơ sở giáo dục. Việc xác định thời gian, cũng như các đợt xét cấp học bổng nên để các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động quyết định với thực tế từng đơn vị.
Thầy Bình cũng nhấn mạnh, để thực sự thu hút và tạo động lực cho những người giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, cần có những chính sách toàn diện hơn nhằm giải quyết các thách thức về cơ hội nghề nghiệp, môi trường nghiên cứu và phát triển cá nhân giúp cho xã hội nhìn thấy được tiềm năng, vai trò quan trọng thiết yếu của nhóm ngành này.
Chẳng hạn như các chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp, trong đó bao gồm học bổng và tài trợ nghiên cứu chuyên sâu; ưu đãi và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp; khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ đầu tư vào R&D và đào tạo chuyên sâu, cam kết tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản hay hỗ trợ khởi nghiệp,...
Cùng với đó, việc cải thiện môi trường nghiên cứu và làm việc cũng cần được chú trọng. Cụ thể, cần đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị; xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh; tạo các quỹ phát triển khoa học độc lập,...
Ngoài ra, nên có thêm các chính sách tạo động lực và công nhận với người học. Các chính sách này bao gồm cơ chế lương, thưởng, các giải thưởng tôn vinh và cơ hội thăng tiến, cơ hội hội nhập quốc tế,… cho người học sau tốt nghiệp.
Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông về các ngành khoa học cơ bản để xã hội nhận thức được rõ tầm quan trọng, vai trò thiết yếu của nhóm ngành này, giúp cho người học những ngành này nhận thấy được tiềm năng sau tốt nghiệp.