Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô dễ dàng tiếp cận nhiều vị trí việc làm

08/07/2025 06:35
Thúy Hiền
Theo dõi trên Google News

GDVN - Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí đầu tư thiết bị rất cao trong khi tốc độ đổi mới công nghệ trong ngành ô tô phát triển nhanh chóng.

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là một lĩnh vực thuộc khối kỹ thuật - công nghệ. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi sang xe điện và xe tự hành, ngành học này ngày càng thu hút đông đảo sinh viên. Đây là một ngành học năng động, có nhiều cơ hội việc làm và tiềm năng phát triển trong thời đại công nghệ số.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ yêu thích kỹ thuật và công nghệ.

Chương trình học định hướng ứng dụng, gắn kết doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Tiến Phúc - Trưởng khoa Khoa Công nghệ động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng ứng dụng, với tỉ lệ thực hành cao nhằm đáp ứng sát nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp.

Sinh viên được tiếp cận với hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại như phòng mô phỏng ô tô, hệ thống thiết kế ngược, tạo mẫu nhanh, mô phỏng HIL (Hardware-In-The-Loop) cho nhiều dòng phương tiện, từ ô tô sử dụng động cơ xăng, diesel đến xe hybrid, xe điện và xe thông minh. Ngoài ra, sinh viên còn được sử dụng những thiết bị thực tế ảo và hệ thống đào tạo chuyên dụng dành cho ô tô điện PIUS. Đặc biệt, sự đồng hành chặt chẽ từ doanh nghiệp giúp sinh viên sớm làm quen với môi trường làm việc thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp ngay trong quá trình học tập.

“Chương trình đào tạo của khoa Công nghệ Động lực đã hoàn tất chu kỳ kiểm định thứ hai theo chuẩn AUN-QA, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn và tiêu chí chất lượng. Sinh viên được trang bị toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, với năng lực đầu ra được đánh giá rõ ràng theo chuẩn chương trình.

Đối với ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, nhà trường chia làm 2 chuyên ngành là Công nghệ kỹ thuật ô tô và Công nghệ kỹ thuật ô tô điện. Đáng chú ý, chương trình Công nghệ kỹ thuật ô tô điện nổi bật với các học phần chuyên sâu như hệ thống điều khiển, lập trình nhúng, quản lý hệ thống pin,...Toàn bộ sinh viên theo học ngành này đều được bố trí thực tập tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô điện, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp”, Tiến sĩ Đặng Tiến Phúc cho hay.

Theo Tiến sĩ Đặng Tiến Phúc, trước đây, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô chủ yếu thu hút nam sinh theo học do đặc thù kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành học này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nữ sinh. Số lượng sinh viên nữ theo học có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, dao động từ 5-10 em mỗi khóa.

Bên cạnh các vị trí thuần kỹ thuật như cố vấn dịch vụ, kỹ thuật viên, quản lý phụ tùng, kiểm định cơ sở nhượng quyền, hay tham gia công tác đào tạo tại doanh nghiệp, nữ sinh còn có thể đảm nhận nhiều công việc chuyên sâu như thiết kế, mô phỏng ô tô, phát triển sản phẩm, viết chương trình điều khiển hay nghiên cứu thiết bị chẩn đoán. Không ít sinh viên nữ cũng lựa chọn tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực ô tô.

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay không còn giới hạn về giới tính. Nhiều doanh nghiệp thậm chí ưu tiên tuyển dụng nữ sinh vì đánh giá cao sự tỉ mỉ, linh hoạt và tinh thần cầu tiến. Trên thực tế, nữ sinh viên ngành này đang cho thấy tiềm năng phát triển nghề nghiệp rất tốt sau quá trình đào tạo.

Là một trong những đơn vị đào tạo theo định hướng ứng dụng, Khoa Công nghệ động lực luôn được Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với các công nghệ xanh, thông minh, việc đầu tư này không chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao mà còn là bước chuẩn bị chiến lược để thích ứng với xu hướng toàn cầu.

“Hiện nay, nhiều phòng thí nghiệm hiện đại đã được xây dựng và vận hành phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Trong đó, nổi bật là phòng mô phỏng Hardware-In-The-Loop (HIL), đây là nền tảng quan trọng trong kiểm thử hệ thống điều khiển đối với các dòng xe lai (hybrid), xe điện và xe thông minh. Phòng thí nghiệm động cơ nhiệt và năng lượng không phát thải carbon cũng là một trong những điểm nhấn, cho phép triển khai các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu sinh học và năng lượng hydro được sản xuất từ nguồn tái tạo.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giao thông vận tải, khoa còn chủ động mở rộng ứng dụng đào tạo và nghiên cứu sang các ngành có liên quan đến động cơ như nông nghiệp, xây dựng và ngư nghiệp. Điều này cho thấy định hướng phát triển linh hoạt và gắn với thực tiễn của khoa trong việc thích ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường lao động”, thầy Phúc cho hay.

sv-iuh.png
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thử nghiệm chạy xe điện. Ảnh: NTCC.

Một thuận lợi khác đối với khoa Công nghệ động lực là luôn nhận được sự đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tài trợ thiết bị công nghệ hiện đại, hỗ trợ sinh viên thực tập, tuyển dụng sau tốt nghiệp và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với khoa, từ việc tham gia giảng dạy các chuyên đề thực tế, đồng thiết kế học phần đến hỗ trợ nghiên cứu chung và thử nghiệm sản phẩm.

Các chương trình hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Khoa. Dự án PIUS (Nhật Bản) với mục tiêu thúc đẩy đào tạo và phát triển nhân lực trong lĩnh vực ô tô điện, đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cập nhật giáo trình và tiếp cận xu hướng công nghệ mới. Nhờ sự hỗ trợ này, sinh viên có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập mang tính toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh khi bước vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí đầu tư thiết bị rất cao trong khi tốc độ đổi mới công nghệ trong ngành ô tô, đặc biệt là ô tô điện và năng lượng xanh đang diễn ra nhanh chóng. Việc duy trì cập nhật và đồng bộ hóa thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo đòi hỏi nguồn kinh phí bền vững và đội ngũ nhân lực kỹ thuật có trình độ cao.

sv-iuh-2.png
Một buổi học thực hành của sinh viên khoa Công nghệ động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp đồng hành, một số hợp tác hiện nay vẫn thiếu chiều sâu và tính bền vững, đặc biệt trong các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) chung hoặc việc đồng thiết kế các học phần sát với yêu cầu thực tiễn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai đào tạo gắn với doanh nghiệp theo đúng tinh thần đổi mới giáo dục đại học.

Dẫu vậy, với định hướng chiến lược rõ ràng, sự đầu tư bài bản cùng quyết tâm đổi mới, khoa Công nghệ động lực đang từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thiện mô hình hệ sinh thái đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn ngành công nghiệp ô tô hiện đại. Mục tiêu xuyên suốt của khoa là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đón đầu xu hướng công nghệ mới và góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ô tô - lĩnh vực đang được xem là trụ cột trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia.

Cơ hội việc làm sâu rộng đa ngành đa lĩnh vực

Theo Tiến sĩ Đặng Tiến Phúc, sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô nói chung và chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô điện nói riêng tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp, nhờ vào nền tảng đào tạo bài bản và định hướng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của ngành.

Các vị trí phổ biến mà sinh viên có thể đảm nhiệm bao gồm kỹ thuật viên, chuyên viên dịch vụ, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng tại các công ty sản xuất - lắp ráp ô tô, doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa và cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong ngành công nghiệp ô tô.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), các trung tâm kiểm định kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến kiểm tra phương tiện, hoặc tại các trung tâm xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp ô tô.

Đặc biệt, nhờ vào các chương trình hợp tác quốc tế được nhà trường và khoa Công nghệ động lực triển khai, cơ hội thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp ô tô lớn tại Nhật Bản ngày càng được mở rộng. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên cọ xát với môi trường làm việc quốc tế mà còn là bước đệm quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp lâu dài.

sv-iuh-3.png
Ảnh minh họa: IUH.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước, sinh viên được chú trọng phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng. Ngoài nền tảng chuyên môn vững vàng, người học cần được trang bị thêm ngoại ngữ, tư duy logic, khả năng tự học, làm chủ phần mềm chuyên ngành, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm cũng như kỹ năng quản lý nhóm. Những năng lực này được tích hợp xuyên suốt trong chương trình đào tạo của Khoa, theo hướng chuẩn hóa và tiệm cận với mô hình đào tạo kỹ sư thực hành tại các nước phát triển.

Với định hướng rõ ràng, kết hợp giữa đào tạo lý thuyết - thực hành và gắn kết doanh nghiệp, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và ô tô hiện đại.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, anh Đoàn Phước Đông - cựu sinh viên lớp DHOT15C, niên khóa 2019-2023, Trường Đại học Công nghiệp Hồ Chí Minh cho biết, ngành học này đang có triển vọng việc làm tương đối tốt với đa dạng nghề nghiệp từ sản xuất và lắp ráp, bảo trì, đến tính toán thiết kế. Ngoài ra chính sách khuyến khích xe điện, cùng với ưu đãi thuế đang thúc đẩy đầu tư vào hệ thống sản xuất và sửa chữa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng sàng lọc và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sinh viên lĩnh vực ô tô cần có thái độ học tập nghiêm túc, siêng năng và chăm học hỏi ngay từ trên ghế nhà trường.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, việc chủ động trau dồi các kỹ năng thực hành như đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, chẩn đoán sự cố, phần mềm mô phỏng, vận hành thiết bị như OBD, con quay hồi chuyển, cũng như nắm vững lập trình PLC hoặc ECU sẽ giúp nâng cao năng lực và tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi tìm việc.

doan-phuoc-dong.jpg
Anh Đoàn Phước Đông (bên phải) hiện đang là học viên cao học Trường King Mongkut's Institute of Technology Ladkrabang (Thái Lan). Ảnh: NVCC.

Nhận xét về chương trình đào tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, anh Đoàn Phước Đông cho biết, khung chương trình đào tạo được sắp xếp phù hợp, không gây quá nhiều áp lực và sinh viên vẫn có đủ thời gian để tự học cũng như trau dồi các kỹ năng mềm.

“Trong suốt quá trình học tập ở trường, tôi đã thực tập tại vị trí kỹ sư thiết kế tại một công ty nhập khẩu ô tô dưới sự giới thiệu của thầy chủ nhiệm là Tiến sĩ Võ Tấn Châu và vị trí nhân viên bảo dưỡng xe. Từ những trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy kiến thức được đào tạo tại khoa Công nghệ động lực hoàn toàn đáp ứng yêu cầu công việc. Về chuyên môn, doanh nghiệp gần như không phải tốn nhiều thời gian và nhân lực để đào tạo lại, bởi chúng tôi đã được trang bị khá đầy đủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện tôi đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Ô tô và Hệ thống Giao thông Tiên tiến tại Trường King Mongkut's Institute of Technology Ladkrabang (Thái Lan). Tôi nhận thấy kiến thức được học ở bậc đại học tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc cũng như trau dồi khả năng suy luận logic để phục vụ cho công việc nghiên cứu hiện tại. Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là trở thành giảng viên đại học tại ngay chính Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh”, anh Đoàn Phước Đông bày tỏ.

Còn đối với bạn Nguyễn Thị Trúc Ly - sinh viên năm 4 ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong suốt quá trình học tập tại trường, em đã rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Trước hết là kỹ năng chuyên môn về phân tích, chẩn đoán và xử lý các vấn đề kỹ thuật trên ô tô. Bên cạnh đó, em cũng phát triển được kỹ năng làm việc nhóm, tư duy logic, kỹ năng sử dụng các phần mềm mô phỏng, thiết kế kỹ thuật, cũng như kỹ năng quản lý thời gian và tự học.

Các học phần thực hành tại trường đóng vai trò rất quan trọng. Việc được trực tiếp thao tác trên các hệ thống thực tế, từ động cơ, hộp số, hệ thống điện đến các công nghệ tiên tiến trên ô tô hiện đại đã giúp em không chỉ củng cố kiến thức lý thuyết mà còn học được cách vận dụng kiến thức vào xử lý các tình huống thực tiễn. Ngoài ra, khi làm việc theo nhóm trong các buổi thực hành, em có cơ hội trau dồi kỹ năng giao tiếp, phối hợp và giải quyết vấn đề”.

ng-thi-truc-ly.jpg
Bạn Nguyễn Thị Trúc Ly - sinh viên năm 4 ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình học tập tại trường, Trúc Ly cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô yêu cầu sinh viên phải tiếp thu một khối lượng kiến thức lớn, đồng thời đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết chuyên sâu và kỹ năng thực hành, cùng với việc liên tục cập nhật công nghệ mới. Việc cân bằng giữa học lý thuyết, thực hành và tự nghiên cứu nhiều lúc khiến Trúc Ly chịu áp lực, đặc biệt trong những giai đoạn phải học nhiều học phần phức tạp cùng lúc.

Là một sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật, Trúc Ly cũng thừa nhận mình có phần hạn chế hơn so với các bạn nam về mặt thể lực. Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng đây không phải là rào cản lớn, bởi thể lực hoàn toàn có thể được rèn luyện theo thời gian.

"Có áp lực, có khó khăn thì mới có sự phát triển", Trúc Ly chia sẻ. Chính những trải nghiệm đó đã giúp nữ sinh rèn luyện được tính kiên trì, tinh thần tự học và chủ động tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức. Trúc Ly tin rằng những kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học sẽ là nền tảng vững chắc giúp bản thân tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc thực tế sau này.

Thúy Hiền