“Dù đã được nâng cấp nhưng rất nhiều xe vẫn xả khói đen gây ảnh hưởng đến môi trường vì vậy không thể nói đi xe buýt là thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, việc đi xe buýt sẽ làm mất quá nhiều thời gian. Tại sao người dân lại quay lưng với xe buýt? Họ liệu có sẵn sàng bỏ ra 5 nghìn để mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển?” - Lê Minh Phương, SV Học viện Chính sách và phát triển đặt câu hỏi.
Nguyễn Thị Thùy, SV Học viện Chính sách và phát triển cho biết: “Chúng tôi là khách hàng chúng tôi hiểu và thông cảm với những người làm dịch vụ nhưng chúng tôi cũng phải sống phải làm việc nên chúng tôi phải lựa chọn một phương án tối ưu nhất, phù hợp với bản thân, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn nhiều lần nếu chi phí ấy đáng để chúng tôi bỏ ra”.
Để dẫn chứng cho việc không ủng hộ đi xe buýt, ngoài việc chỉ ra thực trạng chất lượng xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi phương tiện cá nhân linh hoạt và lưu động hơn, SV Trường ĐH Giao thông vận tải dẫn số liệu của Jica: “ Khảo sát của Jica ghi nhận tới 20% người đi xe phàn nàn về xe buýt quá tải, 11% không hài lòng thái độ của lái phụ xe và an ninh trên xe buýt, 10% chê tốc độ xe chạy. Nếu chuyển sang xe buýt sẽ làm số vụ tai nạn liên quan đến xe buýt tăng cao hơn. Theo Trahud số vụ tai nạn liên quan đến xe buýt là 48/1200, xe máy là 1300/3,6 triệu tức là tỉ lệ tai nạn liên quan đến xe buýt cao hơn khoảng 11 lần so với xe máy”.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Minh - SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cương quyết: “Về tính xã hội xe buýt tiết kiệm một phần chi phí đáng kể thông qua việc sử dụng vé tháng nhất là với người có thu nhập thấp và HSSV. Giải pháp để khuyến khích mọi người sử dụng xe buýt: cải thiện chất lượng xe buýt, mở các khóa đào tạo cho nhân viên trên xe, xử phạt nghiêm khắc nếu nhân viên xe buýt vi phạm, tăng lượng xe buýt để tránh tình trạng trật chội, quá tải, xây dựng thêm các làn đường ưu tiên”.
Xây đường ưu tiên cho xe buýt
Trần Minh Phương, SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm: “Việc xây đường ưu tiên cho xe buýt sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Xe buýt đi bên trái khi đi vào các điểm dừng đỗ sẽ ép ô tô và xe máy phải nhường đường dẫn đến xung đột giao thông, nhưng nếu xe buýt có làn đường riêng bên phải, các phương tiện di chuyển thuận lợi hơn do các phương tiện có làn đường riêng.
Chỉ cho 1 xe buýt lưu thông, các xe buýt không thể đánh võng mà sẽ chạy trên một đường thẳng, sẽ tăng tốc độ, tăng tần suất, tăng số lượng phương tiện phục vụ. Ngoài ra còn có thể nâng cao nhận thức mọi người, tính khả thi hiện nay ở đường Nguyễn Trãi và Trần Phú (Hà Đông). Mô hình này đã áp dụng và triển khai rất thành công ở Thái Lan.
Phương diện kinh tế khi có làn đường riêng, tốc độ di chuyển của xe buýt là 32 phút/10km trong khi xe máy là 30 phút/10 km và số tiền phải trả cho xe buýt chỉ 5 nghìn/ lượt còn xe máy là 13 nghìn”.
Lê Minh Phương- SV Học viện Chính sách nêu quan điểm ngược: “Việc mở rộng làn đường cho xe buýt hiện nay không hiệu quả và chi phí quá cao. Quy hoạch hiện nay chưa đồng bộ, sẽ lấy chi phí ở đâu để giải phóng mặt bằng?
Khi đầu tư một khoản tiền rất lớn, nhu cầu xe buýt mới chỉ đáp ứng 9,43%, việc mở đường xe buýt ra sẽ trở thành lãng phí. Một chính sách tốt phải có sự ủng hộ của dân, chúng tôi sẽ ủng hộ việc tăng làn đường cho xe buýt khi các tồn tại của xe buýt hiện nay được Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khắc phục”.
“Hiệu quả chưa cao, diện tích cơ sở vật chất ở Hà Nội với 90% phương tiện cá nhân, nếu xây dựng 1 làn đường ưu tiên cho xe buýt khác nào dồn 90% phương tiện đang lưu thông này vào làn đường khác nhỏ hơn, hẹp hơn. Chi phí đền bù đắt nhất thế giới, cao gấp 10 lần Trung Quốc” - SV Học viện Chính sách và phát triển tiếp tục đưa ra những dẫn chứng, lý luận để bảo vệ quan điểm của mình.