Năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%). Hơn 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 1,4 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp người có công với cách mạng; trên 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Ảnh: VGP |
Ngân sách Nhà nước đã dành hơn 17.517 tỷ đồng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế), khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đồng thời, có khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công; hơn 3,1 triệu người người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Nhiều địa phương đã tổ chức, phối hợp khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi, với hơn 11,313 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 99% tổng số người cao tuổi).
Tuy nhiên, nhiều thành viên Uỷ ban cho rằng công tác người cao tuổi tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở coi công tác người cao tuổi chỉ là hoạt động phong trào. Các bộ, ngành, địa phương chậm lồng ghép các chỉ tiêu về người cao tuổi vào kế hoạch hoạt động của đơn vị mình.
Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, số lượng người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít.
Đáng chú ý, số người cao tuổi không nơi nương tựa, rối loạn tâm thần gần đây gia tăng nhưng cơ sở công lập không đủ khả năng tiếp nhận.
Vì vậy, một số ý kiến đề nghị cần có các chính sách cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi, chỉ rõ những nơi làm chưa tốt, có biện pháp xử lý, nhắc nhở, thực hiện theo luật định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chính sách thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tham gia đầu tư các cơ sở chăm sóc và các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường phát huy vai trò của người cao tuổi, cựu chiến binh trong hoạt động tư vấn, giám sát hoạt động, thực hiện chủ trương, chính sách của các cấp uỷ Đảng, chính quyền.
“Thực tế, nhiều địa phương khi có sự tư vấn, giám sát của hội cựu chiến binh, người cao tuổi thì nhiều công trình dân sinh ở nông thôn có giá thành hợp lý, chất lượng tốt”, Phó Thủ tướng nói.