Sôi động Diễn đàn khoa học trẻ “Luật học Mùa Xuân” lần thứ hai

11/04/2025 20:01
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chiều 11/4, Diễn đàn khoa học trẻ “Luật học Mùa Xuân” lần thứ hai tại Trường ĐH Luật, ĐHQGHN gắn với những sự kiện thời sự.

Chiều 11/4, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ khai mạc Diễn đàn khoa học trẻ “Luật học Mùa Xuân” lần thứ Hai.

Lễ bế mạc, tổng kết Diễn đàn sẽ diễn ra vào lúc 17h30 ngày 12/4.

“Luật học Mùa Xuân” là sự kiện khoa học thường niên của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự kiện được xây dựng và tổ chức dành riêng cho các nhà nghiên cứu là người học (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh) dưới 35 tuổi có tên gọi bằng tiếng Anh là “VNU - UL Spring Law Forum” (viết tắt là 𝑽𝙎𝑳𝙁).

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-luat-hoc-mua-xua (2)222222222.jpg
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng Ban giám khảo phát biểu tại buổi lễ khai mạc.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng Ban giám khảo cho hay, sau 3 tháng triển khai (2 vòng chọn lọc: Vòng Đăng ký, Tóm tắt bài viết, Vòng Toàn văn bài viết), Diễn đàn đã thu hút được 205 đề tài tại Vòng đăng ký và 118 bài viết toàn văn cho 2 Hội thảo của Diễn đàn; Hơn 100 đơn đăng ký và tóm tắt tham gia Cuộc thi Luật học vui vẻ - IgLaw.

"Hôm nay, điều chúng tôi vui mừng hơn cả khi biết được rằng, Diễn đàn Luật học Mùa Xuân lần thứ hai năm nay đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, đón chờ, được đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc hưởng ứng tham gia. Đã có vài trăm đăng ký, hàng trăm bài viết toàn văn được gửi đến để tranh tài.

Chúng tôi muốn có một Diễn đàn học thuật phù hợp cho các nhà luật học trẻ Việt Nam, nơi kết nối đam mê, nuôi dưỡng tình yêu với luật học trong mỗi nhà khoa học trẻ.

Ở đây, các nhà khoa học trẻ được thể hiện quan điểm, được chia sẻ ý tưởng, được tranh luận, được trao đổi, học tập và kết nối…để dần lớn mạnh, trở thành các chuyên gia lớn, cánh chim đầu đàn của nền luật học Việt Nam hiện đại", PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-luat-hoc-mua-xua (3).jpg
Các thành viên Ban giám khảo nhận kỷ niệm chương và chụp ảnh lưu niệm.

Diễn đàn khoa học trẻ “Luật học Mùa Xuân” lần thứ hai được tổ chức với chủ đề “Pháp luật trong bối cảnh phát triển mới của đất nước” với 3 sự kiện chính.

Trong đó, chiều 11/4 diễn ra Hội thảo chuyên đề số 1 (lĩnh vực luật công) với chủ đề “Xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới và những vấn đề pháp lý đặt ra”.

Cuộc thi “Ig Law – Luật học vui vẻ” năm 2025 chủ đề “Pháp luật và công nghệ” (dự kiến diễn ra vào ngày mai 12/4)

Hội thảo chuyên đề số 2 (lĩnh vực luật tư) “Luật tư Việt Nam trước yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (dự kiến diễn ra vào ngày mai).

Trong chiều 11/4, 4 nhóm tác giả đã trình bày tham luận, mỗi nhóm có 10 phút trình bày. Bên cạnh đó, ban giám khảo đặt câu hỏi liên quan đến tham luận để các nhóm trả lời.

Sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính ở Việt Nam qua các thời kỳ

Tham luận 1 về sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính ở Việt Nam qua các thời kỳ: Đánh giá góc nhìn hiến pháp mối quan hệ giữa trung ương và địa phương do tác giả Nguyễn Trung Khải, Hoàng Lê Minh, Lê Nguyễn Nhân Nghĩa (sinh viên năm nhất Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đại diện nhóm tác giả đã trình bày khái quát về quá trình sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính ở Việt Nam qua các thời kỳ. Phân tích việc sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính tác động đến quản trị quốc gia. Đánh giá từ góc nhìn Hiến pháp.

Nhóm cũng đã kiến nghị và đưa ra giải pháp cải tiến: Kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại dựa trên công nghệ và tư duy mới; Hoàn thiện cơ chế phân cấp phân quyền và tăng quyền tự chủ cho địa phương; Cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức....

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh dành lời khen cho việc nghiên cứu lịch sử của nhóm sinh viên năm nhất. Cô Hoàng Anh đã đặt câu hỏi về sự khác nhau giữa sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã?

Đại diện nhóm tác giả trả lời, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng liên kết vùng theo đặc thù của từng địa phương. Đối với cấp xã, tiêu chí dựa trên cơ cấu dân số, phát triển kinh tế xã hội.

Những khó khăn trong quá trình sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính là văn hóa bản sắc lâu đời, nảy sinh sự chồng chéo trong sửa đổi giấy tờ, thủ tục liên quan. Vì vậy cần sự nhạy bén của các cơ quan chính quyền địa phương để tránh sự trì trệ.

Sáp nhập các cơ quan thanh tra

Tham luận 2 về sáp nhập các cơ quan thanh tra: Thực trạng và bình luận, do tác giả Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Võ Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Đại diện nhóm đã trình bày về thực trạng pháp luật về việc tổ chức các cơ quan thanh tra, thực tiễn tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra. Nhóm cũng đã có những bình luận về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và cùng với đó là kiến nghị thực hiện nội dung sáp nhập các cơ quan thanh tra.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-luat-hoc-mua-xua (6).jpg
Đại diện nhóm tác giả trình bày phần tham luận.

Sau phần trình bày tham luận của nhóm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh đã đặt câu hỏi, cơ chế thanh tra ở Việt Nam nếu cắt bỏ giảm bớt nhân sự, liệu có thiết chế gì khả quan khi không có cơ quan thanh tra?

Đại diện nhóm tác giả cho hay, thanh tra chỉ là một thiết chế để đánh giá hiệu quả trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó còn là kiểm tra của đảng, nội bộ.... và còn nữa là giám sát từ những cơ quan điều tra, người dân... sẽ giảm gánh nặng cho công tác thanh tra.

Chính phủ tinh gọn

Tham luận 3 về áp dụng mô hình "Chính phủ tinh gọn" (Lean Goverment): Kinh nghiệm từ Singapore và bài học cho Việt Nam trong cải cách bộ máy hành chính, do tác giả Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Nguyễn Thị Kim Hoàng (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Đại diện nhóm tác giả cho hay, mô hình "Chính phủ tinh gọn" hay "Lean Goverment" là thuật ngữ pháp lý được các chính trị gia, nhà lập pháp và nhà nghiên cứu sử dụng để nhận định về mô hình quản lý nhà nước phát triển. Qua đó hướng đến tối ưu hóa quy trình hành chính, giảm thiểu lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đây là xu hướng tinh gọn được nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Chủ trương tinh gọn bộ máy đã được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong các văn kiện quan trọng. Nổi bật là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nhóm đã tập trung nghiên cứu về kinh nghiệm của Singapore - hình mẫu tiêu biểu cho mô hình "Chính phủ tinh gọn", nhằm rút ra những bài học quý báu trong việc xây dựng cải cách bộ máy hành chính hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả cơ quan Chính phủ Việt Nam.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-luat-hoc-mua-xua (1).JPG
Đại diện nhóm tác giả trình bày phần tham luận.

Đại diện nhóm đã phân tích về kinh nghiệm của Singapore trong việc áp dụng mô hình "Chính phủ tinh gọn".

Cụ thể, cải cách thể chế và tinh giản bộ máy hành chính; Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; Quản trị nhân sự và hiệu suất làm việc trong tận dụng nguồn nhân lực.

Nhóm tác giả có một số đề xuất áp dụng hiệu quả học thuyết "Chính phủ tinh gọn" vào cải cách hành chính tại Việt Nam. Đó là, tinh giản bộ máy hành chính; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua việc có những chính sách tuyển dụng lại theo từng địa phương. Hướng đến các chương trình khởi nghiệp lại và đào tạo cho nguồn nhân lực dôi dư; Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đặt câu hỏi, trong ba kinh nghiệm của Singapore (tinh giản - chuyển đổi số - nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, nhánh nào sẽ khó khi áp dụng tại Việt Nam?

Trả lời câu hỏi trên, đại diện nhóm cho hay, khó nhất là liên quan tới chất lượng khoa học công nghệ. Bởi Singapore đã phát triển công nghệ, còn Việt Nam đang trong quá trình phát triển.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn đặt câu hỏi, làm sao vừa thực hiện tinh gọn và vẫn đảm bảo tính dân chủ?

Trả lời câu hỏi này, đại diện nhóm cho biết, tùy vào thể chế từng quốc gia khác nhau, Việt Nam áp dụng mô hình này cần phải phù hợp thể chế với nước ta, chúng ta sẽ học hỏi nhưng không mang tính rập khuôn.

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Tham luận 4 về thu hút và trọng dụng nhân tài trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở chính sách do tác giả Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Trâm Anh, Bùi Hà Anh (Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Nhóm đã phân tích kinh nghiệm thu hút và trọng dụng nhân tài tại một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore. Bên cạnh đó, nhóm cũng phân tích thực trạng và gợi mở chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-luat-hoc-mua-xua (4).JPG
PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (thành viên ban giám khảo)

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (thành viên ban giám khảo) đánh giá cao về nội dung nhóm nghiên cứu đề tài được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, thầy Tuấn nhận định điểm yếu của nhóm là chưa có cách thức đo lường về nhân tài tài năng thực sự để thi tuyển, tuyển chọn người tài qua các mô hình ở các nước. Đồng thời, thầy Tuấn đã đặt câu hỏi cho nhóm về việc làm cách nào tuyển chọn người tài một cách minh bạch, công khai?

Trả lời câu hỏi trên, đại diện nhóm tác giả cho hay, có thể tham khảo mô hình ở Trung Quốc, tìm nguồn từ trường đại học đào tạo sinh viên có thành tích xuất sắc. Minh bạch hóa bằng hội đồng đánh giá khách quan, thông qua các dự án, thành tích họ đạt được.

Diễn đàn khoa học trẻ “Luật học Mùa Xuân” kiến tạo môi trường khoa học phù hợp để các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về luật trong cả nước có cơ hội giao lưu, học hỏi. Qua đó, chia sẻ ý tưởng, kết quả nghiên cứu hoặc về vấn đề, chủ đề có tính thời sự trong thực tiễn pháp luật, trong khoa học pháp lý cũng như trong đào tạo luật ở Việt Nam và trên thế giới;

Góp phần khích lệ, nuôi dưỡng tình yêu đối với luật học nói riêng và pháp luật nói chung của thế hệ trẻ. Giúp các nhà nghiên cứu trẻ làm quen với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, hiện đại. Tập huấn, trang bị các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, trau dồi đạo đức, liêm chính học thuật;

Qua đó hình thành, phát triển đội ngũ nhà khoa học kế cận có phẩm chất, năng lực cho Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như cho khoa học pháp lý Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới; Thực hiện vai trò, trách nhiệm của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đối với sự phát triển chung của mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam.

Mạnh Đoàn