Sơn La, Tuyên Quang "than" khó về việc thu hồi học phí đối với chế độ cử tuyển

17/07/2022 06:48
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang, đào tạo cử tuyển phải dựa trên căn cứ nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với trình độ, vị trí việc làm, tránh trục lợi chính sách.

Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp chưa được bố trí việc làm

Qua trao đổi tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, một số lãnh đạo Sở cho biết, đang gặp khó trong việc thu hồi học phí cho các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết vì chưa có hướng dẫn.

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) cho biết: “Thời gian qua, mặc dù đã có những quy định cụ thể tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo đối với các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện như cam kết rất khó khăn.

Những khó khăn còn tồn tại trong thực tiễn triển khai là do chưa có những hướng dẫn cụ thể việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo để thống nhất để thực hiện. Nghị định không quy định chế tài cụ thể để xử lý khi vướng mắc trong việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo. Điều kiện kinh tế khó khăn và mức thu nhập thấp của gia đình các đối tượng cử tuyển nên khả năng hoàn trả gần như không thể thực hiện được.

Tính đến thời điểm tháng 12/2021, số lượng được cử đi học nhưng chưa bố trí được việc làm của tỉnh Sơn La là 402 người”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) chia sẻ một số khó khăn trong chính sách thu hồi học phí đối với các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La).

Ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) chia sẻ một số khó khăn trong chính sách thu hồi học phí đối với các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La).

Trong khi đó, tại Tuyên Quang, công tác cử tuyển cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, về công tác tiếp nhận và sử dụng sau đào tạo, ông Vũ Đình Hưng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận hồ sơ thực hiện hợp đồng lao động chủ yếu thực hiện được với ngành y và những ngành nghề thuộc danh mục thu hút của tỉnh; các ngành nghề còn lại phải thông qua thi tuyển theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Về kết quả tiếp nhận và sử dụng trong thời gian qua cho thấy, tổng số sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp, trở về địa phương tiếp nhận, sử dụng xét tuyển vào vị trí việc làm là 43 người/167 sinh viên tốt nghiệp đại học”.

Theo đó, công tác xử lý các trường hợp người học không thực hiện theo chế độ cử tuyển tại địa phương như sau:

Đối với người học chế độ cử tuyển vi phạm quy định như bị đình chỉ học tập không có lý do, tự ý thôi học, không có điểm học tập của năm học, bị kỷ luật buộc thôi học thì không thực hiện cấp chế độ chính sách cho người học cử tuyển kể từ thời điểm Quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Đối với sinh viên hệ cử tuyển đã tốt nghiệp không chấp hành sự phân công công tác theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thu hồi kinh phí đào tạo. Năm 2016, đã thực hiện thu hồi đối với một sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp Trường Đại học Y - Dược Thái Bình với tổng số tiền 134.857.000 đồng.

Chia sẻ về những hạn chế và khó khăn vướng mắc cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết: “Từ năm 2006 trở về trước, việc giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên cử tuyển do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ cho các tỉnh. Do đó, việc đào tạo sinh viên hệ cử tuyển chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương sau khi sinh viên tốt nghiệp, khó sắp xếp bố trí công việc.

Hiện nay, đang thực hiện tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nên việc xét tuyển vào làm công chức, viên chức theo quy định đối với sinh viên cử tuyển gặp nhiều khó khăn do không còn biên chế, số lượng người làm việc.

Tiêu chí tuyển đầu vào của sinh viên cử tuyển còn thấp, dẫn đến một số sinh viên được tỉnh cử đi học theo chế độ cử tuyển không hoàn thành nội dung chương trình học theo thời gian quy định; chất lượng học sinh tốt nghiệp ra trường còn thấp, trình độ chuyên môn yếu kém không đáp ứng được vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Số học sinh cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh không bố trí được việc làm không phải bồi hoàn học phí đào tạo; học sinh cử tuyển ra trường nhưng do hoàn cảnh gia đình (xây dựng gia đình) không trở lại tỉnh công tác thì đều có đơn xin rút hồ sơ và đền bù học phí theo quy định. Nhưng học sinh cử tuyển do lười học, học lực yếu không ra được trường hoặc bị đuổi học do vi phạm nội quy nhà trường, các em này không thu hồi được học phí (do các em không trở về địa phương, không đến nhận lại hồ sơ)”.

Cử tuyển phải dựa trên nhu cầu, tránh trục lợi chính sách

Từ những bất cập trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: “Trước hết, kế hoạch đào tạo theo chế độ cử tuyển phải dựa trên căn cứ nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm; giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp trong thời gian tối đa là 12 tháng.

Cần quy định ràng buộc đối với sinh viên đào tạo theo chế độ cử tuyển phải có cam kết phục vụ địa phương (nơi lập kế hoạch đào tạo) sau khi tốt nghiệp ra trường thời gian tối thiểu là 5 năm; trường hợp không đúng theo cam kết, phải bồi hoàn kinh phí gấp hai lần kinh phí được hỗ trợ (tránh trường hợp học sinh trục lợi chính sách).

Ông Vũ Đình Hưng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) kiến nghị trong việc thu hồi học phí đối với đối tượng thuộc chính sách cử tuyển. (Ảnh: SGDĐT Tuyên Quang).

Ông Vũ Đình Hưng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) kiến nghị trong việc thu hồi học phí đối với đối tượng thuộc chính sách cử tuyển. (Ảnh: SGDĐT Tuyên Quang).

Quy định chế độ chính sách ưu đãi chi trả cho sinh viên hệ cử tuyển chỉ nên kéo dài được hưởng thêm là 2 năm so với số năm quy định thực học của trường đào tạo (không tính năm học dự bị văn hóa).

Đồng thời, quy định điểm trung bình môn (theo chuyên ngành đào tạo) khi tham gia đăng ký xét tuyển theo chính sách cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, đáp ứng yêu cầu của xã hội”.

Về phía lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cũng có kiến nghị với cơ quan quản lý: “Sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo để thống nhất để thực hiện. Bên cạnh đó, cần quy định chế tài cụ thể để xử lý khi vướng mắc trong việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo”.

Ngân Chi