Ăn phải thịt lợn mắc dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm cho sức khỏe?

07/03/2019 06:10
An Nhiên
(GDVN) - Trường hợp không may ăn phải thịt lợn nhiễm tả cũng không cần lo lắng, vì thịt lợn đã được nấu chín.

Dịch tả lợn châu Phi (Pestis Africana suum - African swine fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra.

Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển.

Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Ngoài nguyên nhân do vận chuyển lợn bệnh, bệnh cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh. 

Cần khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: VGP/Đỗ Hương).
Cần khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: VGP/Đỗ Hương).

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) từ ngày 1/2 đến 3/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi, ở 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam.

Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy 4.231 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 297 tấn (trong đó có 25 con lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh nhưng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Khi nhiễm vi-rút, tỉ lệ chết trên đàn lợn rất cao lên tới 100%. Dịch bệnh này không lây cho người, chỉ lây lan làm lợn chết.

Trong trường hợp ăn phải thịt lợn đã nhiệm bệnh tả cũng không nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng vì đã được nấu chín. Người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

Ngay cả khi lợn mắc bệnh dịch tả chưa chết, chưa mắc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác cho con người thì trong cơ thể lợn, trong thành phần thịt đã có chứa nhiều virus, vi khuẩn, tuyệt đối không nên ăn.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. 

An Nhiên