Bảo hiểm y tế đã đóng góp ra sao vào sự nghiệp an sinh xã hội?

14/02/2020 07:19
Tùng Dương
GDVN- Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó phải kể tới Bảo hiểm y tế.

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững

An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ.

Chính sách BHYT luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định như là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội và là nguồn tài chính bền vững giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Chính sách BHYT luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định như là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội và là nguồn tài chính bền vững giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Từ năm 2005, chính sách BHYT được thực hiện theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ. Đến năm 2009, sau 17 năm thực hiện, chính sách BHYT của nước ta từng bước được bổ sung, hoàn thiện và tiến đến ban hành Luật BHYT, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện BHYT toàn dân.

Chính sách BHYT luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định như là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội và là nguồn tài chính bền vững giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Theo đó, BHYT tế là cơ chế tài chính công dành cho chăm sóc sức khỏe. Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp tài chính dựa trên nền tảng sự chia sẻ nguy cơ giữa những người tham gia, có sự hỗ trợ của nhà nước đối với nhóm ưu đãi xã hội và nhóm yếu thế; người tham gia BHYT được thụ hưởng quyền lợi theo nhu cầu về khám chữa bệnh.

BHYT đã đạt nhiều kết quả ấn tượng

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trong thời gian qua, với những nỗ lực của ngành BHXH và toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao.

Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 10,4 triệu người vào năm 2000 (tăng 46% so với năm 1995); tăng lên 23,2 triệu người vào năm 2005 (tăng 123% so với năm 2000); tăng lên 52,4 triệu người vào năm 2010 (tăng 126% so với năm 2005).

Tăng lên 70 triệu người vào năm 2015 (tăng 34% so với năm 2010) và tăng lên 85,945 triệu người vào năm 2019 (tăng 22,8% so với năm 2015). So với năm 1995, tăng hơn 12 lần, bình quân mỗi năm tăng 48% (đến nay đã đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số).

Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Hiện chỉ còn khoảng 10% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa có BHYT, thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.

Kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động có hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh BHYT, sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng, người dân đã tin tưởng vào chính sách BHYT...

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trong thời gian qua, với những nỗ lực của ngành BHXH và toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao. Ảnh: VOV.

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trong thời gian qua, với những nỗ lực của ngành BHXH và toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao. Ảnh: VOV.

Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, cơ quan BHXH và ngành y tế đã phối hợp, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm.

Triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.

Người tham gia BHYT ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Số lượt người được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm.

Năm 2009 có 92,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT (85,8 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, 6,3 triệu lượt điều trị nội trú), đến năm 2019 số lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT.

Đến nay đã có trên 1.500 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 475 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 33,1%..

Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi khám bệnh, chữa bệnh. Năm 2009 số chi khám chữa bệnh BHYT là 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD), đến năm 2019 số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT tăng lên hơn gấp 6 lần với số tiền trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD).

Để đạt được những kết quả đó nhiều giải pháp trong quản lý quỹ đã được triển khai, thực hiện. Mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, ngành BHXH luôn áp dụng các giải pháp quản lý hữu hiệu để vượt qua khó khăn, xử lý các vướng mắc đạt được mục tiêu đề ra.

Tăng cường hiệu quả, ngăn chặn trục lợi

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai các văn bản, quy định về thực hiện chế độ, chính sách BHYT phù hợp với từng thời kỳ.

Đặc biệt là việc ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Luật BHYT, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT như: thông tuyến huyện KCB BHYT.

Điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc; xây dựng và hướng dẫn thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả; danh mục, tỷ lệ điều kiện thanh toán thuốc, vật tư y tế...

Để tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi, lạm dụng BHYT, từ năm 2017, BHXH Việt Nam đã triển khai phương pháp giám định BHYT dựa trên ứng dụng CNTT.

Đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT bao gồm hệ thống giám định, giám sát điện tử, kết nối dữ liệu liên thông với các cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý chi phí KCB BHYT.

Hệ thống thông tin giám định BHYT thường xuyên cập nhật, phát triển các quy tắc giám định; minh bạch các thông tin; phát hiện kịp thời những chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường để ngăn ngừa trục lợi.

Phân tích tình hình chi KCB BHYT, thường xuyên cảnh báo để các cơ sở y tế chủ động kiểm soát, điều chỉnh hợp lý, qua đó đã giảm chi hàng nghìn tỷ đồng, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ.

Công tác quản lý sử dụng, thanh toán chi phú thuôc, vật tư y tế cũng được thực hiện ngày càng có hiệu quả; BHXH Việt Nam tích cực tham gia, phối hợp với ngành Y tế trong việc đấu thầu mua sắm thuốc sử dụng trong KCB BHYT.

Trực tiếp tham gia Tổ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các bệnh viện Trung ương thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành; Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu tại Trung tâm Mua sắm quốc gia (Bộ Y tế); chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tham gia vào các Hội đồng đấu thầu mua sắm thuốc tại địa phương.

Công bố giá thuốc, vật tư y tế trúng thầu của các tỉnh, thành phố, giá thuốc trúng thầu trung bình trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để cung cấp thông tin nhằm minh bạch và kiểm soát giá thuốc vật tư y tế.

Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và còn khác biệt giữa các tuyến trong hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và còn khác biệt giữa các tuyến trong hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Hơn 90% dân số tham gia BHYT

Ngay từ khi thiết lập chính sách BHYT, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, tập trung vào việc tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT.

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT cần có bước đi vững chắc thông qua các cơ chế, chính sách khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển, quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội, cơ cấu lao động, đổi mới về cơ chế tài chính y tế và đồng bộ với nhiều chính sách xã hội khác.

Khi xác định lộ trình mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT phải tính đến việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT đó là sự chuyển đổi của cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc chuyển ngân sách chi y tế sang cho hỗ trợ tham gia BHYT và sự đáp ứng của hệ thống cơ sở y tế.

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ dân số đã đạt tới mức 90% dân số và mục tiêu 95% đến năm 2025 là hoàn toàn khả thi, cùng với sự phát triển nền kinh tế, chính sách BHYT không chỉ gia tăng và duy trì tỷ lệ tham gia BHYT cao (bao phủ về lượng) mà còn cần chuyển trọng tâm sang bảo đảm bao phủ về phạm vi dịch vụ được thụ hưởng và mức độ bảo vệ về tài chính, những yếu tố được xem là bao phủ về chất.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như: Tỷ lệ tham gia BHYT cao nhưng thiếu bền vững; diễn biến về bệnh tật ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng bệnh mãn tính không lây có chi phí điều trị chăm sóc cao và vấn đề già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

Tỷ lệ chi của hộ gia đình cho chi tiêu y tế còn cao so với kỳ vọng; Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và còn khác biệt giữa các tuyến trong hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh.

Kiên trì thực hiện BHYT toàn dân

BHYT đã xác lập được vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, và đã trở thành một trong những nguồn tài chính chủ yếu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần thay đổi căn bản cơ chế tài chính cho y tế.

Hiện nay, BHYT ngày càng khẳng định là một phương thức tài chính, là một phương tiện phù hợp để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Để thực hiện tốt chính sách BHYT trong thời gian tới, ngành BHXH xác định thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như:

Tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như thực hiện có hiệu quả Luật BHYT và những văn bản pháp luật có liên quan.

Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia, nhất là người tham gia BHYT hộ gia đình; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện nay, BHYT ngày càng khẳng định là một phương thức tài chính, là một phương tiện phù hợp để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Hiện nay, BHYT ngày càng khẳng định là một phương thức tài chính, là một phương tiện phù hợp để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT.

BHYT đã bao phủ 90% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế được đảm bảo và ngày càng mở rộng. Điều này chứng tỏ chính sách, pháp luật về BHYT đã đi vào cuộc sống, trở thành một nhu cầu trong đời sống xã hội.

Kết quả này thực sự phản ánh những thành tựu quan trọng trong thực hiện BHYT khi chúng ta vừa gia tăng nhanh chóng diện bao phủ về dân số, đồng thời với bao phủ hầu hết các dịch vụ về thuốc, vật tư y tế - một gói tương tự như ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển, và mức độ bảo vệ về tài chính cho người sử dụng dịch vụ được đảm bảo, tỷ lệ chi tiền túi cho sử dụng dịch vụ y tế đã giảm đáng kể.

Tùng Dương