Bị lạnh có thể gây điếc tai

22/12/2011 08:32
BS.CK2 Nguyễn Thị Bích Thuỷ
Có nhiều người ngủ một đêm sáng dậy thấy mình bị điếc đặc. Người lớn thì nhận biết để đi điều trị, còn trẻ em thường không phát hiện được ngay.
Hôm qua tôi đi Metro mua đồ dùng và thực phẩm cho cả tuần. Vào gian hàng thịt, nhiệt độ ở gian này không biết bao nhiêu mà lạnh quá, lạnh đến ù cả tai nên tôi lấy đại một gói thịt rồi ra ngay. Cũng may là người trong nghề y, tôi liền xoa hai tai nóng lên cho đến lúc khỏi ù chứ không có khi bị điếc do lạnh!


Có thể điếc vì lạnh?

Câu trả lời là có, bởi khi lạnh, mạch máu co lại khiến không đủ máu nuôi tai trong, nếu không kịp thời làm mạch giãn ra cho máu lưu thông thì các tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị tổn thương dẫn đến điếc.
Có nhiều người ngủ một đêm sáng dậy thấy mình bị điếc đặc. Người lớn thì nhận biết để đi điều trị, còn trẻ em thường không phát hiện được ngay, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ chưa biết nói. Ngày nay, đời sống phát triển, nhiều bệnh viện phụ sản cả công và tư đều trang bị phòng máy lạnh, người mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ thấy dễ chịu nhưng với em bé mới sanh thì thật không tốt. Vì trẻ sơ sinh nằm trong bụng mẹ vốn ấm áp, nay vừa ra ngoài đã gặp sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn dễ là nguy cơ gây điếc cho trẻ.
Khi vào những nơi quá lạnh, thấy tai bị ù là có nghĩa cơ quan tai trong đang có nguy cơ tổn thương.
Khi vào những nơi quá lạnh, thấy tai bị ù là có nghĩa cơ quan tai trong đang có nguy cơ tổn thương.
Người đang nghe bình thường nếu bị điếc cả hai tai là một nỗi kinh hoàng vì nó ảnh hưởng đến giao tiếp, công việc sút kém chưa nói đến nguy cơ mất việc ở những nghề cần nghe nhiều như giáo viên, bác sĩ, luật sư… Người lớn đã vậy, đối với trẻ em còn có những tác hại nặng nề, mà trước hết là trẻ học sút kém hơn trẻ cùng lứa. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ chưa biết nói thì việc không nghe được là một thảm hoạ vì bé sẽ không học nói được, không đi học được nên trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Phòng tránh: rất đơn giản

Chỉ cần chúng ta để ý một chút, sẽ tránh được thảm hoạ cho cả đời. Không nên bật máy lạnh quá, tốt nhất từ 25 độ trở lên. Đang đi ngoài nắng về đến nhà không nên tắm nước lạnh ngay. Trẻ sơ sinh không nên nằm máy lạnh. Khi có hiện tượng ù tai nghe kém phải đi kiểm tra thính lực ngay. Đối với trẻ sơ sinh nên khám tầm soát khiếm thính. Đối với trẻ lớn hơn, khi thấy trẻ đáp ứng với âm thanh không tốt, học kém thì nên cho đi kiểm tra thính lực.
Nhiều người tuy phát hiện ù tai hay phát hiện con mình nghe kém nhưng vì bận rộn với công việc, cứ nghĩ để làm xong việc rồi đi khám, hay chờ con thi học kỳ xong đi khám luôn… là vô tình đã bỏ mất thời gian “vàng” để điều trị. Việc khám thính lực chỉ trong vòng 30 phút đến một tiếng đồng hồ, người lớn nếu hợp tác tốt có khi chỉ cần 15 – 20 phút là biết mình có bị mất thính giác không và mất ở mức độ nào.
Thính giác là một trong số ít ỏi những giác quan mà tạo hoá ban cho, hãy cố gắng giữ gìn nó để cuộc sống luôn tốt đẹp.
Thời gian “vàng” để điều trị điếc đột ngột do lạnh

Là trong vòng 72 tiếng đồng hồ kể từ khi bị điếc. Nếu điều trị trong khoảng thời gian này thì tỷ lệ chữa khỏi là 80 – 90%. Càng muộn thì tỷ lệ khỏi bệnh càng thấp, và bị trên một tháng thì hầu như khó thành công trong điều trị. Cũng chính vì vậy mà ở trẻ em, ít trường hợp được điều trị khỏi vì khi bố mẹ phát hiện ra thì thời gian bị bệnh có thể đã tính bằng tháng chứ không còn là đơn vị ngày, giờ.
BS.CK2 Nguyễn Thị Bích Thuỷ