Bộ trưởng Y tế: Người bệnh hài lòng là thước đo của đổi mới cả ngành

23/06/2015 06:15
Theo Chinhphu.vn
(GDVN) - “Có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế vẫn có thái độ thờ ơ, thậm chí quát bệnh nhân. Vì thế, muốn đổi mới cán bộ y tế phải đổi mới từ trong não, tim...mình".

Trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói về đổi mới của ngành y tế để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng cũng giải đáp những những thắc mắc của người dân về nguy cơ dịch Mers-Cov vào Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình.

Đổi mới để hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin, đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 

Chia sẻ với người dân về những kế hoạch cụ thể của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thực tế từ trước đến nay, hầu hết các cán bộ đã đi theo ngành y dược rất đam mê với nghề nghiệp và tận tâm, tận tụy, không ngại khó, ngại khổ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sĩ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí là quát tháo và có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin cho. Đặc biệt nữa là có những biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh.

Hiện, Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện 1 đề án nhằm đổi mới toàn diện, phong cách và thái độ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Tiền Phong)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Tiền Phong)

Mới đây, lần đầu tiên, Bộ Y tế đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, ban hành nghị quyết đổi mới sâu rộng trong ngành y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện, giao ban với 700 đầu cầu là cơ sở y tế. 

Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là từ bản thân mỗi cán bộ y tế phải đổi mới và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.

Hiện, Bộ Y tế vẫn đang duy trì một số giải pháp như: Số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý, thực hiện thông tư về quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế không đủ phẩm chất…

Muốn làm được như vậy thì phải tổ chức ký cam kết của tất cả các điều dưỡng, bác sĩ trong khoa đối với Trưởng khoa; Trưởng khoa ký cam kết với Giám đốc bệnh viện và Giám đốc các bệnh viện phải ký với Giám đốc Sở hoặc là ký với Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó có chương trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chí và chương trình về thi đua, khen thưởng và kỷ luật.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới giải pháp trước mắt là tạo cho cán bộ y tế có nguồn thu nhập đủ sống, đủ tái tạo sức lao động để yên tâm phục vụ người bệnh tốt hơn.

Ngăn dịch từ cửa khẩu

Gần đây, dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-Cov) có diễn biến phức tạp, bùng phát tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc. Bộ Y tế đã và đang có những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã họp Ban Chỉ đạo Trung ương liên ngành yêu cầu 63 tỉnh thành thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và tập huấn cho các cán bộ dự phòng điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống dịch.

Bộ trưởng Y tế: Người bệnh hài lòng là thước đo của đổi mới cả ngành ảnh 2

Triệu chứng nhận diện và cách phòng ngừa virus MERS

(GDVN) - Theo CNN đưa tin ngày 2/6, các quan chức Hàn Quốc cho biết 2 bệnh nhân nhiễm virus MERS đầu tiên của nước này đã tử vong. Vậy làm sao để phòng ngừa chúng?

Đồng thời, để ngăn chặn không cho dịch xâm nhập vào Việt Nam ngay từ cửa khẩu, biên giới. Vì vậy, các hành khách đi từ vùng có dịch đều phải khai tờ khai y tế và được khuyến cáo theo dõi nhiệt độ trong thời gian 14 ngày. 

Nếu bị sốt thì phải đến cơ sở y tế theo hướng dẫn, cách ly, điều trị. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm khắc, triệt để phòng chống nhiễm khuẩn, cách ly tại bệnh viện nếu có ca nghi ngờ mắc bệnh.

Với những nỗ lực trong thời gian qua của chúng ta, tổ chức WHO đánh giá là Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là, chủ quan.

Đối với người dân trong nước, tốt nhất giai đoạn này không nên đi đến các vùng có dịch trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có người nhà, người thân nằm trong bệnh viện nghi có nhiễm bệnh thì hạn chế tối đa việc vào thăm.

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

Mô hình bác sĩ gia đình có thể coi là một giải pháp bền vững để giúp giảm tải bệnh viện. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, mô hình bác sĩ gia đình đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 8 tỉnh và đã ban hành thông tư thực hiện thí điểm. Sắp tới, Bộ sẽ sơ kết chương trình thí điểm để triển khai nhân rộng phát triển mô hình hiện nay và mô hình hội nhập với quốc tế.

Theo đó, mô hình bác sĩ gia đình sẽ triển khai với các phòng khám của các bệnh viện huyện, thậm chí đến bệnh viện tỉnh, ở cả trạm y tế xã, phường cũng như phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân...

Các Trung tâm này thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh nhiễm trùng gây dịch cũng như các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường.

Đồng thời, tuyên truyền cho người dân có lối sống lành mạnh, khám và chữa bệnh có gắn với bảo hiểm y tế. Sau này có thể trang bị hệ thống có thể thu nhận bệnh phẩm, chẩn đoán bằng phòng xét nghiệm cho các bệnh nhân đến khám mà không cần phải đi xa.

Bệnh nhân có thể chuyển viện với các bệnh viện tuyến trên và quan trọng nữa là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin kết nối các thông tin của bệnh nhân tại phòng khám bác sĩ gia đình với bảo hiểm y tế và với các bệnh viện tuyến trên.

Đây là kế hoạch trong tương lai và Bộ sẽ gắn những dự án của ODA để tăng cường y tế cơ sở và mạng lưới bác sĩ gia đình cũng như hệ thống cấp cứu ban đầu đối với người dân.

Tuy nhiên, người dân băn khoăn về chất lượng của chương trình bác sĩ gia đình.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Bác sĩ gia đình không có nghĩa là sẽ đến tận nhà để khám bệnh và cũng tùy theo trường hợp cụ thể. Bác sĩ gia đình phải là những bác sĩ đa khoa, sau đó được đào tạo định hướng theo bác sĩ gia đình.

Nghĩa là bác sĩ gia đình phải được đào tạo toàn diện, hiểu biết tất cả các lĩnh vực của bệnh tật để tiếp cận, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như điều trị các bệnh thông thường và trong những trường hợp nặng thì mới phải chuyển lên tuyến trên.

Mạng lưới bác sĩ gia đình rất phát triển ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam thì mô hình này chưa phát triển nhiều. Tuy nhiên, mô hình này sẽ giúp người dân tiếp cận với bác sĩ gia đình đầu tiên mà chưa cần phải chuyển lên tuyến trên, giúp tiết kiệm thời gian cũng như giảm quá tải cho tuyến trên không cần thiết. 

Theo Chinhphu.vn