Cách giải rượu ngon bổ rẻ của người Nùng ở Lạng Sơn

19/01/2020 06:34
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Ăn bát canh trứng gừng nóng, bạn sẽ cảm thấy cơ thể ấm dần lên và tỉnh táo hơn.

Giải rượu đang được nhiều người quan tâm khi Nghị định 100/NĐ-CP thực thi, khi thói quen uống quá nhiều rượu của không ít người Việt chưa giảm.

Nhiều năm ở Lạng Sơn, xin bày anh em cách giải rượu ngon, bổ, rẻ, dễ làm, dễ dùng và rất hiệu quả.

Giải rượu bằng cách nào

Nhiều người sử dụng hàng tá cách tống khứ thứ ma men ê-ti-lích ra khỏi cơ thể như trà gừng, nước chanh, nước ép cà chua, nước đậu xanh, nước cà chua, chè xanh, mướp đắng, atiso... hay ăn hoa quả như quýt, cam, bưởi...

Có người ăn cháo loãng, cháo trắng (cháo không có thịt cá). Cháo bù nước, bù năng lượng giúp người say lấy lại sức nhanh.

Người ta còn uống nước đường glucose (đường tinh y tế), hoặc người có điều kiện (người nhà làm nghề y) hoặc ra trạm xá truyền dung dịch Glucose 5% tĩnh mạch.

Cũng có người bảo đã nhai cuống lá dong, hay uống nhiều nước lã nhưng vẫn không giảm cơn say.  

Người Nùng Lạng Sơn mời bạn uống say mềm nhưng lại mời bát canh trứng với gừng tươi ăn cho giã rượu để đi hết hội xuân dài dài.

Món canh trứng gừng (Ảnh: Văn Lự)
Món canh trứng gừng (Ảnh: Văn Lự)

Người say rượu bụng đói, háo nước, buồn nôn, nhìn thấy món ăn dầu mỡ đã thấy sợ.

Người say bia đầy ứ bụng, lơ mơ, rã rời không muốn ăn uống gì. Dùng các thứ nước quả, nước đường hay pha mật ong… chỉ tốt cho người say nhẹ.

Người bị nôn ói hay uống quá đà thân nhiệt giảm, ngại tắm, mệt lờ đờ, ngủ vùi hàng mấy giờ thì món hiệu quả nhất là canh trứng nóng với gừng tươi.

Cơ sở khoa học

Góc độ khoa học và dân gian đều biết gừng là thảo mộc tự nhiên được sử dụng làm thuốc nhờ chứa hàm lượng cao chất dinh dưỡng và các hợp chất có hiệu quả cao trong chữa bệnh.

Gừng sống còn gọi là sinh khương dễ trồng, dễ mua dùng làm gia vị và làm thuốc, có tác dụng phát tán phong hàn, giải độc, chống nôn ói, lợi tiểu và dễ ăn.

Gừng giúp giảm đau và kháng viêm cực kỳ hiệu quả; gừng có chất chống oxy hóa cao, tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể; gừng cay nhưng tính bình, ấm sẽ làm nóng cơ thể, nhất là khi say mất nhiệt và ruột gan cồn cào. Người không thích vẫn ăn được gừng.

Trứng gia cầm chứa cysteine, một amino acid giúp hóa giải acetaldehyde, một sản phẩm phụ trong quá trình chuyển hóa ethanol vốn gây cho bạn cảm giác buồn nôn và đau đầu.

14 loại thực phẩm giải rượu hữu hiệu có thể bạn chưa biết
14 loại thực phẩm giải rượu hữu hiệu có thể bạn chưa biết

Trứng còn là một nguồn taurine, giúp gan chuyển hóa cồn, cũng như nguồn canxi, vitamin D giúp hỗ trợ tiêu hóa, và vitamin B12 cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Trứng gà dùng cho người say rượu bia là tốt nhất.

Ăn bát canh trứng gừng nóng, bạn sẽ cảm thấy cơ thể ấm dần lên và tỉnh táo hơn.

Bạn cứ từ từ từng thìa, ngay cả khi nôn ra hết, nghỉ một lát, bạn bắt đầu lại từ thìa đầu tiên. Bạn say nhẹ thì hiệu quả ngay sau vài chục phút, vã mồ hôi và nhẹ hẳn đầu óc.

Cách làm món canh trứng gừng

Cách làm món canh trứng gừng đơn giản như bạn nấu món canh hàng ngày.

Nguyên liệu cần: hai trứng gà tươi, một nhánh gừng tươi đập nát, 1 lít nước,

Cách thực hiện: đun sôi nước gừng (người không được ăn cay nấu lâu hơn), đập trứng và đánh tan đều, nêm muối mắm vừa ăn, nêm tiêu và rau thơm, hành nếu có. Khi sôi đều, tắt bếp, lấy ra bát dùng ngay hoặc cả gia đình cùng ăn.

Canh trứng gừng tươi nhớ ăn nóng, để nguội sẽ tanh. Là món canh thực phẩm nên bạn không cần hạn chế mà càng dùng nhiều càng tốt.

Bạn sẽ hỏi, ăn món canh này, nếu uống bia rượu và bị cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồng thì thế nào? Bản thân người viết bài này chỉ biết món canh gừng trứng ăn nóng giã rượu cực tốt, nếu ở mức lượng cồn quy định trước 1/1/2020 thì an toàn, còn bây giờ cứ dương tính là dính phạt thì chịu.

Chúng ta muốn hết say cần có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi và tùy vào thể trạng sức khỏe của mỗi người. Người biết uống rượu và không uống được rượu đều không nên chủ quan, không nên ép nhau, không nên uống nhiều.

Nhưng vì cả nể, lỡ quá chén, lỡ say thì thử dùng món canh trứng nóng của đồng bào Tày Nùng Lạng Sơn một lần nhé.

Nguyễn Văn Lự